Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri còn nhấn mạnh, chính phủ vẫn tồn tại và tuyên bố từ chức của ông Saad Hariri sẽ không làm thay đổi tình hình. Ông Nabih Berri cũng cho biết, đang chờ Thủ tướng Saad Hariri về nước để Quốc hội phê chuẩn quyết định từ chức của ông, nếu không việc từ chức của người đứng đầu chính phủ sẽ không có giá trị.
Trước đó (5/11), Tổng thống Michel Aoun tuyên bố, chỉ xem xét đơn từ chức của Thủ tướng Saad Hariri sau khi ông về nước để giải thích cho quyết định đột ngột của mình. Theo giới truyền thông, đại diện Văn phòng của Tổng thống Michel Aoun cho biết, Thủ tướng Saad Hariri đã gọi điện cho ông để thông báo về việc từ chức.
Dư luận đã có phản ứng khác nhau ngay sau quyết định từ chức hôm 4/11 của Thủ tướng Lebanon Saad Hariri. Bởi trong khi Bộ Ngoại giao Iran khẳng định, cáo buộc của Thủ tướng Lebanon là vô căn cứ và phi thực tế, thì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu coi hành động của ông Saad Hariri đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo với thế giới về tham vọng của Tehran.
Bộ Ngoại giao Iran thậm chí còn coi tuyên bố từ chức của ông Saad Hariri là một âm mưu nhằm "tạo nên căng thẳng ở Lebanon và khu vực". Bởi trong bài phát biểu từ thủ đô Riyadh của Arab Saudi, Thủ tướng Saad Hariri khẳng định, Iran và Hezbollah được Tehran hậu thuẫn là những thế lực gây bất ổn trong khu vực.
Về phần mình, khi trả lời phỏng vấn hãng CNN hôm 6/11, Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir khẳng định, Hezbollah đã đe dọa các nhà lãnh đạo chính trị, dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay tại Lebanon. Đồng thời nhấn mạnh, ông Saad Hariri hoàn toàn tự do rời Arab Saudi bất cứ khi nào muốn. Ngoại trưởng Arab Saudi còn cho biết, Riyadh không liên quan tới việc từ chức của Thủ tướng Saad Hariri.
|
Tổng thống Michel Aoun |
Theo giới quan sát, hiện chưa có ứng cử viên nào có thể thay thế vị trí Thủ tướng của ông Saad Hariri. Theo giới truyền thông, quyết định từ chức của ông Saad Hariri diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Lebanon gặp ông Ali Akbar Velayati, cố vấn của lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ở Beirut. Tờ Asharq al-Awsat vừa dẫn một nguồn giấu tên thân cận với Thủ tướng Saad Hariri cho biết, ông đã nhận được những cảnh báo của các cơ quan tình báo Phương Tây về một âm mưu ám sát ông, song không cho biết chi tiết.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan An ninh Lebanon, Thiếu tướng Abbas Ibrahim cho biết, ông không nhận được bất kỳ thông tin nào về âm mưu ám sát các nhân vật chính trị ở nước này. Quân đội cũng khẳng định, không phát hiện ra bất kỳ kế hoạch ám sát nào ở Lebanon. Theo giới truyền thông, Lebanon đã rơi vào khủng hoảng sau khi Thủ tướng Saad Hariri bất ngờ tuyên bố từ chức vì sợ bị ám sát. Nhiều khả năng Lebanon sẽ trở thành chiến trường mới giữa sự can thiệp của chính quyền Hồi giáo dòng Shiite từ Iran và chính quyền Hồi giáo dòng Sunni tại Arab Saudi. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vừa tuyên bố sẽ ủng hộ Lebanon sau khi Thủ tướng Saad Hariri tuyên bố từ chức và bị Arab Saudi cáo buộc tuyên chiến.
Ông Saad Hariri từng làm Thủ tướng giai đoạn 2009-2011 và tái trở thành người đứng đầu nội các Lebanon hồi năm ngoái sau khi đạt được thỏa thuận để ông Michel Aoun, Chủ tịch Phong trào Yêu nước tự do, đồng minh của Hezbollah làm Tổng thống hôm 31/10/2016. Gần 7 năm trước (12/1/2011), chính phủ đoàn kết dân tộc Lebanon do ông Saad Hariri đứng đầu từng sụp đổ ngay sau khi 11 Bộ trưởng (chủ yếu là người của Hezbollah) trong nội các từ chức. Theo giới chuyên môn, Hezbollah được thành lập bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran từ năm 1982 để chống lại quân đội Israel ở Lebanon.
Theo hãng Reuters, việc Thủ tướng Saad Hariri từ chức có thể kích động những căng thẳng giữa cộng đồng người Sunni và người Shiite. Bởi cố Thủ tướng Rafik Hariri (bố ông Saad Hariri) từng bị ám sát và cho đến nay hung thủ vẫn chưa bị bắt. Gần 7 năm trước (27/11/2010), ông Saad Hariri từng đến Iran để tìm kiếm sự hỗ trợ của Tehran trong việc ngăn chặn bạo động khi Tòa án đặc biệt công bố kết quả điều tra vụ ám sát cố Thủ tướng Rafik Hariri./.