Lệnh cấm của Trung Quốc biến Đông Nam Á thành bãi rác thải nhựa?

(PLO) - Trung Quốc - nước nhập khẩu phế liệu nhựa lớn nhất thế giới – vào đầu năm nay đã cấm nhập khẩu rác thải nhựa từ nước ngoài vì xem đây là mối đe dọa đối với môi trường. Động thái này dẫn đến việc rác thải nhựa từ một số nước phát triển được “điều hướng”, xuất sang các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, tờ The Guardian dẫn một báo cáo nghiên cứu vừa được công bố cho biết.
Rác thải nhựa gây hại cho môi trường và cần rất nhiều thời gian mới có thể phân hủy.
Rác thải nhựa gây hại cho môi trường và cần rất nhiều thời gian mới có thể phân hủy.

Rác nhựa được “đẩy” sang Đông Nam Á

Theo một nghiên cứu do Tạp chí Science Advances thực hiện, từ năm 1992 đến đầu năm nay, gần 3/4 chất thải nhựa của thế giới đã được đưa tới đại lục Trung Quốc và Hồng Kông để xử lý. Tờ The Guardian dẫn báo cáo nghiên cứu mới của Unearthed – đơn vị phụ trách hoạt động điều tra của tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace – cho biết, Mỹ cùng với Anh, Đức, Nhật Bản và Mexico là những nước xuất khẩu rác thải nhựa sang Trung Quốc nhiều nhất.

Trong năm 2017, hơn 70% rác thải nhựa của Mỹ được xuất sang đại lục Trung Quốc và Hồng Kông. Tuy nhiên, Trung Quốc hồi đầu năm công bố lệnh cấm nhập rác thải nhựa, khiến những nước xuất khẩu nhiều rác thải nhựa để tái chế nhất thế giới, trong đó có Mỹ, gặp lúng túng trong việc tìm nơi để xử lý chất thải nhựa của họ. Kết quả là, trong 6 tháng đầu năm, lượng rác thải nhựa xuất khẩu của Mỹ đã giảm 1/3 so với năm 2017, từ 949.789 tấn xuống còn 666.780 tấn. 

Vẫn theo báo cáo, kể từ sau lệnh cấm của Trung Quốc, các nước phát triển đã chuyển hướng xuất khẩu rác thải nhựa sang một số nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Kết quả phân tích từ số liệu thống kê của Mỹ cho thấy, sau khi lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực, trong 6 tháng đầu năm 2018, rác thải nhựa từ Mỹ xuất sang Trung Quốc đã giảm 92% trong khi lượng rác thải nhựa có thể tái chế được được xuất sang Hồng Kông cũng giảm 77%. Cùng lúc, gần một nửa chất thải nhựa xuất khẩu từ Mỹ để tái chế đã được xuất sang Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. 

Trong đó, lượng rác nhựa từ Mỹ đổ về Thái Lan đã tăng gần 2000%, lên đến 91.505 tấn. Lượng rác nhựa của nước này được chuyển sang Malaysia cũng đã tăng thành 157.299 tấn, tức tăng thêm 273%. Còn với Việt Nam, theo các số liệu thống kê của Mỹ do Unearthed thu thập được, lượng rác thải Mỹ đã được đưa sang Việt Nam tăng 46%, lên thành 71.220 tấn. Ngoài các nước Đông Nam Á, Báo cáo cho biết, lượng rác thải nhựa có thể tái chế từ Mỹ xuất sang các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc cũng đã tăng đáng kể trong cùng kỳ.

Theo ông Hocevar, rác thải nhựa tái chế, bao gồm chai nhựa sử dụng một lần, túi nhựa và màng bọc thực phẩm. Một số sản phẩm này là những vật dụng trong gia đình được sản xuất ở Mỹ nhưng một số có thể chứa các chất liệu độc hại. Không thể phủ nhận các đồ dùng bằng nhựa giúp cuộc sống hàng ngày của con người trở nên tiện lợi hơn nhưng đồng thời cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, bao gồm cả trong quá trình sản xuất đến khâu tái chế. Một số thống kê cho biết, các nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa thải ra 400 triệu tấn CO2 mỗi năm. Khoảng 800 loài động vật ngày nay đang bị đe dọa tuyệt chủng do ăn, uống phải và ngộ độc nhựa. 

Túi nilon dùng một lần gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước của các thành phố và tạo ra nguy cơ lũ lụt. Trong khi đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng phải mất hàng trăm năm để các loại chai nhựa có thể phân hủy. Ngay cả khi được chôn xuống đất, chất nhựa chia thành các hạt nhỏ và bắt đầu thải vào môi trường các hóa chất đã được thêm vào trong quá trình sản xuất như chlorine, chất độc hại hoặc chất chống cháy gây ung thư, dẫn đến việc hàng loạt động vật bị chết và gây hại cho sức khỏe con người. 

Theo các nhà sinh thái học của Liên hợp quốc, khoảng 13 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra biển mỗi năm. Theo dự báo của Quỹ Ellen MacArthur của Anh, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có một tấn rác nhựa. Các nhà sinh thái học ước tính, hàng chục nghìn con chim, cá voi, hải cẩu và rùa chết mỗi năm vì bị ngạt hoặc không tiêu hóa được các chất thải trong dạ dày. Rác nhựa chiếm tới 80% lượng rác thải trong đại dương. Dưới ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời, rác nhựa chia thành các hạt nhỏ. Vi hạt nhựa tích tụ các chất độc hại dai dẳng trên bề mặt nước. Kết quả là, chất thải mà chúng ta vứt đi đều về với chúng ta cùng với thức ăn. Gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu 12 mẫu muối từ các nước khác nhau và phát hiện ra rằng, hầu hết muối biển đều bị nhiễm vi hạt nhựa. Các mảnh vụn nhựa đổ ra bờ biển và các khu giải trí ven biển còn gây thiệt hại cho ngành du lịch.

Quy định pháp luật chưa đảm bảo?

Tờ The Guardian dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ các nước phát triển, trong đó có Mỹ, có thể đẩy rác thải nhựa tái chế sang các nước phát triển vì các nước này chưa có khung pháp lý đảm bảo việc xử lý chất thải nhựa không gây hại cho môi trường. “Thay vì chịu trách nhiệm với lượng chất thải do mình thải ra, các công ty của Mỹ đang khai thác các nước phát triển - nơi chưa có đủ quy định để tự bảo vệ mình”, ông John Hocevar - Giám đốc Chiến dịch Đại dương thuộc Greenpeace – nhận định. Ví dụ, môi trường sinh thái ở Anh được bảo vệ bằng cách xuất khẩu rác nhựa sang Trung Quốc và Đông Nam Á. Theo một con số thống kê, trong vòng 5 năm qua, Anh đã xuất khẩu hơn 3 triệu tấn rác thải sang các nơi này.

Tình huống đó đặt ra những thách thức cho các nước Đông Nam Á trong việc xử lý rác thải nhựa bị đẩy từ các nước đang phát triển sau lệnh cấm của Trung Quốc. “Khi lượng nhập khẩu tăng lên, các nước bắt đầu phải hành động. Họ cần phải giảm lượng chất thải ngay từ nguồn phát thải”, ông Hocevar nhận định. Trên thực tế, sau khi hàng nghìn container rác được phát hiện tồn đọng tại một số cảng biển, Việt Nam hồi tháng 5 đã ngừng nhập khẩu rác để ngăn khả năng trở thành bãi rác của thế giới, gây hại cho môi trường và cuộc sống của người dân. Tại Thái Lan, sau vụ một chú cá voi chết với 80 chiếc túi nilon trong bụng hồi tháng 6 vừa qua và vụ phát hiện những bất thường tại các nhà máy tái chế gần đây, Chính phủ Thái Lan đã xem xét lệnh cấm nhập khẩu tất cả các loại chất thải. 

Đến tháng 7/2018, Malaysia đã rút giấy phép nhập khẩu chất thải nhựa của một số công ty sau khi đã buộc nhà máy chế biến chất thải của các công ty này đóng cửa do người dân phản đối về tình trạng ô nhiễm không khí và nước. Mới đây nhất, ngày 17/10, Bộ trưởng Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia Yeo Bee Yin thông báo Chính phủ nước này sẽ cấm nhập khẩu tất cả các loại rác thải rắn không thể tái chế, đặc biệt là nhựa. Động thái này diễn ra sau khi lực lượng chức năng của Malaysia phát hiện hơn 40 nhà máy xử lý không được cấp phép ở khu vực Kuala Langat thuộc bang Selangor.

Song, ông Daniel Hoornweg – Phó Giáo sư tại Khoa năng lượng và nghiên cứu hạt nhân của Viện Công nghệ Ontario – cho rằng việc các công ty của Mỹ tăng xuất khẩu rác sang Đông Nam Á cũng đi cùng với các cơ hội. “Tôi đoán rằng qua thời gian, các nước này sẽ giảm việc nhập khẩu và tái chế rác thải. Còn người Canada, người Mỹ và người châu Âu cần phải nhận ra rằng họ cần phải có những động thái mạnh mẽ hơn so với việc chỉ không cung cấp túi nhựa khi thanh toán. Cần phải có những cải tổ cơ bản với nền kinh tế”, ông nhận định. Còn bà Adina Renee Adler – Giám đốc cấp cao các vấn đề quốc tế của Viện công nghiệp tái chế của Mỹ - thì nói rằng ngành công nghiệp rác thải nhựa của Mỹ không biến Đông Nam Á thành bãi rác vì thị trường tái chế rác thải thành nguyên liệu là hợp pháp. “Vật liệu tái chế hay phế thải được mua lại chứ không phải được bán đi. Lệnh cấm tạm thời ở một số nước và các vấn đề khác là do các công ty chuyển từ Trung Quốc sang và hoạt động trái phép”, bà nói.  

Bình luận về vấn đề của Việt Nam, chuyên gia Vladimir Rumak – Giám đốc Trung tâm An toàn Sinh học tại Khoa Sinh học của trường Đại học quốc gia Moscow (MSU), Nga – cho rằng trong quá trình công nghiệp hóa và toàn cầu hoá, lượng chất thải ở Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, Việt Nam chưa có công nghệ tái chế rác thải trong nước an toàn cho môi trường. Nhiều nhà máy tái chế của Việt Nam chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn môi trường. Vì vậy, theo ông Rumak, ngoài việc xuất khẩu rác thải, các nước phát triển cần cung cấp cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác các công nghệ an toàn để xử lý các loại rác thải này. “Hiện có nhiều công nghệ cho phép tái chế chất thải, bao gồm chất nhựa, an toàn cho môi trường và phục vụ lợi ích phát triển kinh tế. Công nghệ như vậy có thể cung cấp điện năng cho các tòa nhà và thậm chí cả các thành phố. Các nước Scandinavia đang tích cực sử dụng công nghệ này, ở Nga cũng vậy. Cần phải sớm giải quyết vấn đề rác thải và tìm kiếm một giải pháp an toàn cho người dân”, ông nói.

Đọc thêm