Libya vẫn chia rẽ và… hỗn loạn

(PLO) - 5 năm trôi qua kể từ khi cuộc nổi dậy chống lại nhà độc tài Muammar Kadhafi nổ ra, nhiều người dân Libya đang mất hy vọng chứng kiến sự quay trở lại của hệ thống pháp luật ở một đất nước bị chia rẽ bởi sự mở rộng thánh chiến.
Sau 5 năm, người dân Libya chỉ còn thấy đất nước mình đổ nát, hoang tàn, chưa thấy sự yên lành và ổn định ở đâu
Lợi dụng tình trạng hỗn loạn bao trùm kể từ sau cuộc cách mạng năm 2011 tại quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã giành được bàn đạp, mở rộng ảnh hưởng tại đây. 
IS “bén rễ xanh cây”
Tháng 6/2015, IS đã chiếm được thị trấn ven biển Sirte, quê hương của ông Kadhafi, nằm cách Thủ đô Tripoli 450km về phía Đông, và từ đó đã biến vùng đất này trở thành trại huấn luyện cho các chiến binh người Libya và nước ngoài. Ludivico Carlino, thuộc nhóm tư vấn và nghiên cứu IHS Jane, nhận định: “IS dường như coi Libya là quốc gia thuận lợi nhất để thiết lập trung tâm khu vực của đế chế Caliphate”. 
Với một bến cảng và một sân bay, có những quan ngại ngày càng gia tăng rằng IS, vốn đã kiểm soát được phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq trong năm 2014, có thể sử dụng Sirte làm căn cứ để tấn công châu Âu. 

Tháng trước, IS đã tiến hành các vụ tấn công từ thị trấn Sirte vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ dọc bờ biển của Libya. Trong một báo cáo đưa ra hồi tháng trước, tập đoàn cố vấn Soufan Group cho biết các phần tử thánh chiến đã tồn tại ở Libya dưới thời Kadhafi, song phát triển nhanh chóng trong thời kỳ hỗn loạn kể từ sau khi ông này bị lật đổ. 

Báo cáo viết: “Libya có truyền thống thánh chiến bạo lực lâu đời, từ thời chiến tranh Liên Xô –Afghanistan. Sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ, các phe phái Hồi giáo bị đàn áp từ lâu đã tìm cách lấp đầy khoảng trống”. 

Các cuộc không kích của liên minh quốc tế đã giúp lực lượng nổi dậy Libya lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi năm 2011, song biện pháp này vẫn là chưa đủ để đánh bật IS khỏi Syria và Iraq. Chuyên gia Malcolm Chalmers tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia (RUSI) có trụ sở ở London nói: “IS rõ ràng đã thiết lập cứ điểm vững chắc ở Libya và đây là mối quan ngại ngày càng tăng đối với Vương quốc Anh và các nước NATO khác, bởi vậy một cuộc can thiệp quân sự là hoàn toàn có thể xảy ra. Câu hỏi ở đây là mức độ và bản chất của cuộc can thiệp sẽ như thế nào và điều đó sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ gia tăng mối đe dọa trong tháng tới”. 
Theo một nguồn tin ngoại giao, IS hiện có khoảng 3.000 tay súng ở Libya. Giao tranh giữa các tay súng IS và lực lượng Libya đã xảy ra trong hai ngày vừa qua khi các phần tử thánh chiến tấn công cảng dầu chiến lược của Libya. Phương Tây lo sợ rằng chúng có thể kiểm soát hoạt động sản xuất dầu mỏ như những gì chúng đã làm ở các vùng rộng lớn của Iraq và Syria. 
Đuổi IS: Không dễ
Một mối lo sợ khác đó là Libya mở ra một tuyến đường trực tiếp đầy nguy hiểm tới châu Âu cho phần tử thánh chiến - những kẻ có thể sẽ trà trộn vào dòng người di cư vượt biển Địa Trung Hải từ bờ biển Libya. Các phần tử thánh chiến từng sử dụng Libya như là bàn đạp cho các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Tunisia, trong đó có vụ việc ở Bảo tàng Quốc gia Bardo và ở một khu nghỉ dưỡng ven biển làm tổng cộng 60 người thiệt mạng, tất cả trong số đó, trừ một nạn nhân, đều là du khách nước ngoài. 

Patrick Hamzaideh - cựu quan chức ngoại giao Pháp từng làm việc tại Libya - cho rằng cuộc can thiệp của phương Tây “có thể sẽ theo hình thức các cuộc ném bom từ trên không”. Ông Hamzaideh cho rằng việc triển khai lực lượng trên bộ là khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, ông nói: “Cả hai lựa chọn này đều là ý tưởng tồi. Đây là những biện pháp quân sự không mang tính triệt để”. Trước khi một hành động quân sự được tiến hành, Libya cần một giải pháp chính trị để thống nhất các phe phái đối lập. 

Theo ông Hamzaideh: “Nếu không có giải pháp đó thì một cuộc can thiệp quân sự khác của phương Tây sẽ lại đẩy đất nước này vào vòng bất ổn trong ít nhất một thập kỷ tới, với một chính phủ là “con rối” của phương Tây”. 

Libya đứng trong tốp đầu những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi, với khoảng 48 tỷ thùng dầu, mặc dù sản lượng đã giảm từ năm 2011. “Với những tài sản dầu mỏ lớn, các tuyến đường buôn lậu sinh lời đến vùng cận Sahara châu Phi tồn tại từ lâu, cùng những lỗ hổng ở các đường biên giới, tất cả đều khiến Libya, cũng giống như Iraq và Syria, trở nên hấp dẫn đối với các phần tử IS”, ông Carlino nhận định. 
18 tháng sau khi liên minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu cuộc không kích chống IS ở Iraq và Syria, nhiều nguồn tin cho biết Nhà Trắng muốn đẩy nhanh và mở rộng chiến dịch của họ. Liên minh sẽ tăng cường nỗ lực nhằm tái chiếm thành phố Raqa ở Syria, thành phố Mosul ở Iraq và ngăn chặn sự trỗi dậy của các phần tử thánh chiến ở Afghanistan, song cũng sẽ tăng cường cho mặt trận Libya. Các lựa chọn bao gồm từ việc tăng cường không kích đến tham gia lực lượng bộ binh do Liên Hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn giúp chống lại khoảng 3.000 tay súng IS ở Libya. 
Phát biểu với hãng tin AFP, Trung tá Michelle Baldanza cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ “đã ở thế sẵn sàng triển khai đầy đủ các chiến dịch quân sự theo yêu cầu. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế để làm giảm nhiệt cuộc xung đột ở Libya, thúc đẩy sự ổn định và tăng cường công tác quản trị”. 
Các quan chức cho biết các kế hoạch quân sự cụ thể vẫn chưa được trình lên Tổng thống Obama, mặc dù tình hình an ninh đang rất nghiêm trọng. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói: “Hành động ở Libya là vô cùng cần thiết, trước khi nước này trở thành nơi ẩn náu của IS và trước khi việc đánh bại chúng trở nên cực kỳ khó khăn. Chúng tôi không muốn tình hình sẽ diễn ra như ở Iraq hay Syria”. 
Hỗn loạn
Ngày 17/2 này, Libya đánh dấu tròn 5 năm ngày nổ ra các cuộc nổi dậy, và người dân nước này vẫn đang trông chờ vào một ủy ban được bầu từ tháng 2/2014 để thảo ra hiến pháp đầu tiên kể từ sau khi ông Kadhafi lên nắm quyền vào năm 1969. 

Kể từ khi phe nổi dậy và lực lượng không quân của các nước phương Tây tiến hành lật đổ chế độ của nhà độc tài Muammar Gaddafi năm 2011, Libya luôn thiếu vắng một chính phủ thực sự. Trong bối cảnh hỗn loạn, một nhóm các tay súng nước ngoài, các tay súng trong nước, một số bộ lạc và tàn dư của Nhóm Chiến binh Hồi giáo Libya đã hợp nhất dưới ngọn cờ của IS và giành được chỗ đứng tại đây. 

Các phần tử thánh chiến này mới đây đã giành được quyền kiểm soát Sirte - quê hương của ông Gaddafi và là thành phố cảng chiến lược gần các mỏ dầu có thể cung cấp cho chúng nguồn lợi lớn. Và khi một liên minh các lực lượng dân quân Hồi giáo tràn vào Tripoli hồi tháng 8/2014, nước này bắt đầu có hai chính quyền. Đại hội Nhân dân Toàn quốc, một cơ quan lập pháp do người Hồi giáo thống trị, vẫn duy trì ở Tripoli trong khi chính phủ được quốc tế công nhận đã được rời đến phía Đông đất nước. 

Theo báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hồi tháng trước, cuộc xung đột tại Libya đã khiến 1,9 triệu người cần chăm sóc y tế đặc biệt tại một quốc gia thiếu thuốc men, vắc-xin và các cơ sở y tế chuyên nghiệp. 

Kể từ khi sân bay Tripoli bị phá hủy vào mùa hè năm 2014, đã không có bất cứ chuyến bay quốc tế nào đến đây, và có rất ít quốc gia cho phép máy bay của Libya hạ cánh trên đất nước họ. Người Libya muốn đi ra nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn để có thể xin được thị thực khi mà hầu hết các phái đoàn ngoại giao nước ngoài đều bị đóng cửa từ 18 tháng nay. 

Tuy nhiên, ác mộng lớn nhất đối với người dân thành phố này chính là IS sẽ đánh chiếm Tripoli. “Chúng tôi sống ngày nào biết ngày ấy, nhưng nếu tình hình không tốt lên thì chúng tôi sẽ rời đi. Điều tôi sợ nhất là IS sẽ tới Tripoli”, Florence, một phụ nữ Pháp sống ở Tripoli, có chồng người Libya và có 2 con, cho biết”.

Ngày 15/2, một hội đồng gồm các phe phái thù địch được LHQ hỗ trợ đã tuyên bố thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Sự thông qua của nội các do Thủ tướng được chỉ định Fayez al-Sarraj đứng đầu có thể là một bước đi quan trọng trong nỗ lực giải quyết tình trạng chính trị hỗn loạn ở Libya, kết thúc nhiều tháng hoạt động ngoại giao khó khăn. Martin Kobler, đặc phái viên LHQ tại Libya, viết trên trang mạng xã hội Twitter của mình: “Hành trình đi đến hòa bình và thống nhất của người dân Libya cuối cùng đã thực sự bắt đầu”. 

Tuy nhiên, ông Carlino nhấn mạnh rằng ngoài khoảng trống chính trị và an ninh ở Libya thì “những kho dự trữ vũ khí lớn và các vùng biên giới bị lơi lỏng kiểm soát sẽ khiến nước này trở thành điểm trung chuyển chính cho các chiến binh Bắc Phi đang tìm cách đến Syria và Iraq để gia nhập các lực lượng thánh chiến ở đó”. 

Còn theo Karim Mezran - chuyên gia về Libya tại Hội đồng Đại Tây Dương, bất kỳ chính phủ nào ở Libya cũng khó có thể “sống sót” nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Ông Mezran nói: “Nếu không có sự trợ giúp của các lực lượng quốc tế, chính phủ mới ở Libya sẽ không thể tiến vào được Tripoli”. Và như thế, 5 năm sau sự ra đi của  nhà độc tài Muammar Gaddafi, người dân Libya chưa hề nhìn thấy tương lai ổn định hơn cho cuộc sống của mình…

Đọc thêm