Lịch sử kinh hoàng của chiến tranh sinh học

(PLVN) - Từ thời cổ đại, con người đã biết sử dụng xác người bệnh hoặc động vật thối rữa làm nguồn lây lan dịch bệnh, phục vụ cho chiến tranh. Đó là những tín hiệu sơ khai nhất của chiến tranh sinh học. 
Từ thời cổ đại con người đã biết sử dụng các nguồn  dịch bệnh phục vụ chiến tranh
Từ thời cổ đại con người đã biết sử dụng các nguồn dịch bệnh phục vụ chiến tranh

Vũ khí hủy diệt “thô sơ” nhất từ thời cổ đại

Những hình thức thô sơ nhất của chiến tranh sinh học đã được ghi lại trong các cổ văn của người Hittite, còn được biết đến là người Anatolia cổ đại, tập trung vào thành Hattusa, thuộc khu vực Bắc Trung Đông khoảng 1600 năm trước Công nguyên (TCN). Theo ghi chép lại, khoảng năm 1500 – 1200 TCN, nạn nhân của bệnh “tularemia” (tại thời điểm này được biết đến là bệnh “sốt thỏ” đã bị đẩy vào vùng đất của kẻ địch gây ra dịch bệnh.

Sau này, khoa học cho biết, “tularemia” là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn francisella tularensis gây ra, nguồn bệnh là nhiều loại động vật có vú, chứ không chỉ riêng thỏ và được lây truyền sang người bằng lây truyền trực tiếp hoặc côn trùng cắn.

Bệnh gây sốt, viêm hạch và tổn thương nhiều cơ quan như mắt, phổi, đường ruột, các cơ quan tiêu hóa… Sau này, dịch bệnh này còn được phát hiện ở nhiều nước Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật, Úc, Liên Xô (cũ), thậm chí ở Việt Nam. 

Mặt khác, người cổ đại Assyria, tồn tại từ cuối thế kỷ 25 đến năm 608 TCN, ở trung tâm thượng nguồn sông Tigris, phía bắc Lưỡng Hà (ngày nay là miền bắc Irag), đã biết cho nấm ergot vào giếng nước của quân địch với chủ đích gây nhiễm độc.

Loại nấm này phát triển trên lúa mạch, các loại cây ngũ cốc và các loại thực vật có liên quan. Hạch nấm có chứa các loại alkaloid, trở thành nấm độc khi sử dụng liều lượng cao, có thể gây nên hoại thư ở đầu ngón tay chân, cơ cứng mạch, mê sảng. 

Khoảng năm 400 TCN, các cung thủ người Scythia, tộc người có nguồn gốc từ Iran, đã sử dụng các mũi tên nhúng vào xác thối và máu dính phân để thực hiện những đòn tấn công trí mạng, gây nhiễm trùng kẻ địch. Từ năm 300 TCN, các chiến binh Hy Lạp, La Mã và Ba Tư đã làm ô nhiễm các giếng nước của kẻ thù bằng phân và xác động vật.

Xác chết thối rữa được người La Mã dùng máy ném vào trong thành đối phương
 Xác chết thối rữa được người La Mã dùng máy ném vào trong thành đối phương

Trong các cuộc công thành, các xác chết thối rữa cũng được người La Mã dùng máy ném vào trong thành đối phương nhằm gây ra dịch bệnh, hoặc ít nhất sẽ tạo mùi hôi thối, gây hoang mang tâm lý kẻ địch. Vào thời trung cổ, những cung thủ người Anh thường cắm đầu mũi tên xuống đất để đầu mũi tên sẽ bị bẩn và dễ gây nhiễm trùng cho kẻ trúng tên.  

Năm 1346, trong cuộc công thành Kaffa (thuộc bán đảo Crưm), Kim Trướng hãn quốc (Golden Horde) – một hãn quốc Hồi giáo Mông Cổ được thành lập ở vùng phía tây Đế quốc Mông Cổ, đã sử dụng thi thể của các chiến binh Mông Cổ chết vị bệnh dịch hạch làm vũ khí tấn công thành. Các thi thể này được ném qua tường thành, gây phát tán bệnh tật.

Sau này, theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng xác người bệnh làm phương tiện chiến tranh tại nhiều khu vực chính là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dịch hạch bùng phát tràn lan khắp châu Âu, vùng Cận Đông và Bắc Phi. Đến thế kỷ 14, dịch bệnh không thể kiểm soát đã cướp đi sinh mạng của 75 – 200 triệu người. Đó được mệnh danh là “Cái chết Đen” của lịch sử nhân loại. 

Khi chiến tranh sinh học mất kiểm soát

Quân đội Anh đã từng sử dụng bệnh đậu mùa (small pox) nhắm tới người Mỹ bản địa trong cuộc bao vây Pháo đài Pitt năm 1763. Qua những bức thư phản hồi giữa Đại tướng – Nam tước Jeffrey Amherst và Đại tá Henry Bouquet, đã cho thấy kế hoạch của người Anh phát động chiến tranh sinh học với ý đồ tiêu diệt người Mỹ bản địa, gây bùng phát dịch bệnh.

Hai vị này đã tính toán việc lấy hai chiếc chăn và một chiếc khăn từ một bệnh nhân đậu mùa làm quà tặng đến nhà lãnh đạo Maumaultee và chiến binh Turtle Heart thông qua chuyến đi sứ của William Trent tới thành Pitt. Không lâu sau đó, dịch bệnh bùng phát từ năm 1963 – 1964.

Sau này, một số nhà sử học vẫn cố gắng biện hộ cho người Anh rằng không thể hoàn toàn chắc chắn xác định những “món quà tặng” tới thành Pitt là khởi nguồn của dịch bệnh hay nội tại người Mỹ bản xứ ở thành Pitt đã có sẵn mầm bệnh. Tuy nhiên sau này, cũng có một số văn kiện lịch sử cho thấy, Hải quân Anh đã sử dụng chiến thuật tương tự tại New South Wales (Úc) vào năm 1789.  

Đến năm 1796, dịch đậu mùa tràn lan khắp châu Âu. Căn bệnh này đã giết chết khoảng 400.000 người dân châu Âu mỗi năm trong những năm cuối thế kỷ 18, trong đó có 5 quốc vương đương tại vị. Trên thực tế, đậu mùa xuất hiện vào khoảng 10.000 năm TCN.

Chứng tích xưa nhất của bệnh đậu mùa là những vết mụn mủ trên xác ướp của Pharaon Ramses V thời Ai Cập cổ đại. Người mắc bệnh đậu mùa sẽ sốt cao, đau nhức cơ thể, phát ban với mụn cứng hoặc mụn mủ. Người bình thường nếu tiếp xúc với da hoặc dính phải các chất dịch từ cơ thể nhiễm bệnh cũng có nguy cơ mắc phải.

Vào thế kỷ 20, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có khoảng 300 - 500 triệu người đã chết vì bệnh đậu mùa. Ứớc lượng riêng năm 1967 có khoảng 15 triệu người nhiễm bệnh và 2 triệu người tử vong, đa phần là trẻ em.

Quân đội Anh gửi tặng chăn và khăn của bệnh nhân đậu mùa
 Quân đội Anh gửi tặng chăn và khăn của bệnh nhân đậu mùa

Đến những năm 1900, công nghệ vi sinh học, vi trùng và vi khuẩn học đã tăng thêm độ tinh vi cho các chiến thuật sử dụng tác nhân sinh học trong chiến tranh. Trong Thế chiến I (1914 – 1918), bệnh than (anthrax) và bệnh loét mũi truyền nhiễm (glanders) đã được Chính phủ Đức sử dụng làm vũ khí sinh học. Tuy nhiên, kết quả ảnh hưởng không đạt được như mong đợi.

Sau đó, ngay thời điểm khởi đầu của Thế chiến II (1939 – 1945), Vương quốc Anh đã thành lập một chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học tại Porton Down, đứng đầu là nhà vi trùng học Pail Fildes. Đến thời của Winston Churchill, bệnh dịch hạch (tularemia), bệnh than (anthrax), bệnh Brucella (brucellosis), bệnh ngộ độc thịt (botulism) đều đã được vũ khí hóa thành công.

Đơn cử, đảo Gruinard ở Scotland đã từng là một “phòng thử nghiệm” tính hiệu quả từ vi khuẩn bệnh than của các nhà khoa học Anh, khiến đây trở thành một hòn đảo chết chóc. Mặc dù, các văn bản lịch sử cho thấy, Vương quốc Anh chưa bao giờ sử dụng vũ khí sinh học mà họ tự phát triển, nhưng chương trình này được coi là “phát súng” đầu tiên vũ khí hóa thành công nhiều loại mầm bệnh chết người và đưa chúng vào sản xuất công nghiệp.

Khi Hoa Kỳ tham chiến, phe Đồng minh đã quyết định thiết lập thêm một chương trình nghiên cứu và sản xuất vũ khí sinh học theo dạng dây chuyền hóa tại Fort Detrick, Maryland vào năm 1942 dưới sự chỉ đạo của George W. Merck. Khu vực Dugway Proving Ground (Utah) được tách biệt làm địa điểm thử nghiệm vũ khí. Mặc dù vậy, may mắn thay, chiến tranh đã kết thúc trước khi những loại vũ khí này có thể được sử dụng rộng rãi. 

Tội ác chiến tranh khét tiếng của Nhật Bản

Chương trình khét tiếng nhất về vũ khí hóa tác nhân sinh học phục vụ chiến tranh, phải kể tới một đơn vị nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa-sinh của Quân đội Hoàng gia Nhật Bản – Đơn vị 731.  Dưới sự chỉ huy của Tổng Tư lệnh Shiro Ishii, Đơn vị đã tiến hành nhiều thí nghiệm nguy hiểm trên cơ thể người, gây nên nhiều tử vong cho tù nhân, trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai (1937-1945) và Thế chiến II. Các nhà sử học cho rằng, mặc dù nỗ lực của Nhật Bản thiếu sự tinh vi về công nghệ như các chương trình của Mỹ, Anh nhưng lại vượt xa các nước này về sự tàn bạo và tính phổ cập áp dụng. 

Cụ thể, trong Chiến tranh Trung-Nhật, người Nhật đã thả những quả bom chứa bọ chét, vi sinh vật khác mang mầm bệnh dịch hạch, bệnh tả, đậu mùa, bệnh than cũng như một số bệnh khác vào binh sĩ và dân thường tại Trung Quốc.

Mặc dù hơn 400.000 đã chết, sự chưa hoàn chỉnh của công nghệ sinh học Nhật Bản đã khiến chính nước này phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Trong Chiến dịch Chiết Giang – Giang Tây năm 1942, khoảng 1.700 binh sĩ Nhật Bản đã chết trong tổng số 10.000 binh sĩ Nhật Bản bị nhiễm bệnh do chính vũ khí sinh học của họ phản tác dụng.

Thí nghiệm đầy ám ảnh tại Đơn vị 731 – Nhật Bản
 Thí nghiệm đầy ám ảnh tại Đơn vị 731 – Nhật Bản

Chưa dừng lại, trong vài tháng đầu chiến tranh với Hoa Kỳ, người Nhật toan tính thả hơn 90 kg bọ chét mang mầm bệnh dịch hạch và khoảng 150 triệu côn trùng trong trận Bataan vào tháng 3/1942. Tuy nhiên, sự đầu hàng của các lực lượng Mỹ khiến kế hoạch không cần thiết.

Trong những tháng cuối của Thế chiến II, cục diện chiến tranh đang dần bất lợi về phe phát xít, Đế quốc Nhật Bản đã đưa ra “Chiến dịch Hoa anh đào vào ban đêm”, sử dụng bệnh dịch hạch làm vũ khí sinh học tiêu diệt người dân Hoa Kỳ tại San Diego, miền nam California với hy vọng xoay chuyển tình thế. Cuối cùng, toàn bộ kế hoạch đã không bao giờ hoàn thành bởi Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh vào ngày 15/8/1945.

Đến năm 1950, một số mầm bệnh khác vẫn được tiếp tục nghiên cứu làm vũ khí sinh học tại một số phòng thí nghiệm tại Anh, Mỹ. Tuy nhiên, đứng trước sự nguy hiểm của vũ khí sinh học, đa số các quốc gia đều ủng hộ sự hủy bỏ của loại vũ khí diệt chủng khó kiểm soát này. Đến tháng 9/2018, 182 quốc gia trên thế giới đã đồng ý ký Hiệp ước của Liên Hợp quốc về việc không phát triển sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh học.

Đọc thêm