Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21: Ban tổ chức thiếu chuyên nghiệp, nghệ sỹ và khán giả bị coi thường?

(PLVN) - Tối qua (23/11), Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 đã khai mạc tại Vũng Tàu. Ngay từ chương trình khai mạc, đã có những "hạt sạn" không đáng có và "hạt sạn" lớn nhất là sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, khiến cả nghệ sỹ, khán giả đều thấy bị coi thường.
Giám khảo Trương Ngọc Ánh  cùng ban giám khảo phim truyện tại khai mạc Liên hoan phim Việt Nam 21. - Ảnh Tuổi trẻ.
Giám khảo Trương Ngọc Ánh cùng ban giám khảo phim truyện tại khai mạc Liên hoan phim Việt Nam 21. - Ảnh Tuổi trẻ.

Từ cuộc họp báo coi thường phóng viên

Ngay khi cuộc họp báo khai mạc Liên hoan phim Việt Nam (LHP VN) lần thứ 21 được tổ chức tại khách sạn Pull man, thành phố Vũng Tàu vừa bắt đầu lúc 15h00, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban tổ chức LHP đã thông báo, rằng BTC còn rất nhiều việc phải làm, và sẽ còn làm việc đến đêm, đêm có khi vẫn còn chưa hết việc, vì vậy cuộc họp báo sẽ kết thúc sớm vào lúc 16h.

Sau phần khai mạc Họp báo của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông, trưởng ban chỉ đạo LHP - là phần giới thiệu công tác tổ chức LHP của tỉnh  Bà Rịa-Vũng Tàu do Phó Giám đốc Sở VH&TT giới thiệu.

Tiếp đó là phần được các nhà báo đợi chờ nhất từ sau họp báo LHP lần thứ nhất tại Hà Nội: Giới thiệu Chương trình Lễ Khai mạc và Bế mạc của LHP do bà Bảo Lê, đại diện Kênh Vietnam Journeys của Đài tiếng nói Việt Nam thuyết trình.

Tuy nhiên, phần giới thiệu của bà Lê chỉ có  vài hình ảnh sơ lược phối cảnh về sân khấu không có chút ấn tượng nào như tiêu chí của LHP đề ra “Xây dựng nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”,  và cũng không có phần giới thiệu nào về tính đặc sắc của sân khấu, của chương trình Lễ Khai mạc, Bế mạc của LHP như đã từng hứa hẹn.

Bà Bảo Lê, người được Trưởng Ban Tổ chức LHP giới thiệu là đạo diễn Chương trình Lễ Khai mạc và Bế mạc đã tỏ ra khá “khờ khạo” khi giải thích với các nhà báo rằng, những người làm chương trình muốn bí mật tên tuổi ca sĩ, bí mật những nét mới của lễ khai mạc, bế mạc để tạo bất ngờ.

Ý kiến này đã bị các nhà báo đánh giá là sự giấu giiếm, làm giảm rất nhiều công tác tuyên truyền quảng bá cho LHP.

Nhiều nhà báo cũng đã tỏ ra bức xúc trong phần hỏi-đáp của phóng viên với Ban Tổ chức. Phóng viên báo Tuổi trẻ có đặt câu hỏi với nữ diễn viên, nhà sản xuất phim Trương Ngọc Ánh, thành viên BGK phim truyện - hai câu hỏi, trong đó có một câu với nội dung đại ý:  Chị nghĩ như thế nào khi chấm phim của các nhà làm phim trẻ cùng thời với chị như Ngô Thanh Vân chẳng hạn.

Tuy nhiên, nhà báo vừa dứt lời, ông Tạ Quang Đông đã lên tiếng, yêu cầu Diễn viên Trương Ngọc Ánh không được trả lời câu hỏi này, chỉ trả lời câu hỏi về cảm nghĩ khi được tham gia Ban Giám khảo.

Không rõ, vị thứ trưởng lo ngại điều gì về chất lượng phim của những người làm phim trẻ, hay đánh giá thấp trình độ của một thành viên Ban Giám khảo phim truyện do chính Ban Tổ chức mời, đó là Nữ diễn viên, Nhà sản xuất phim nổi tiếng trong giới điện ảnh Việt Nam?

Không chỉ thiếu tôn trọng thành viên Ban Giám khảo, Ban Tổ chức còn  thiếu tôn trọng nhà báo khi cuộc họp báo Khai mạc LHP vừa diễn ra lúc 15h00 và vẫn còn rất nhiều câu hỏi của phóng viên không được đáp ứng nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Ban Tổ chức LHP đã tuyên bố kết thúc họp báo vào lúc 16h15 phút, dù chương trình họp báo đã thông báo là đến 17h00.

Các nhà báo “chưng hửng” nhìn nhau, có nhà báo đã lên tiếng “đến họp báo Chính phủ” thì mọi thông tin đều được minh bạch, rõ ràng, các câu hỏi của nhà báo đều được trả lời công khai. Liên hoan phim Việt Nam chỉ là một trong nhiều sự kiện văn hoá trong năm 2019, nhưng cũng đã không được BTC chú trọng quảng bá, giới thiệu.

Đến Lễ khai mạc coi thường khán giả, coi thường nghệ sỹ

Không chỉ gây bức xúc, tỏ ra thiếu chuyên nghiệp trong cuộc họp báo, ngay tại Lễ khai mạc LHP Việt Nam lần 21 cũng đã thể hiện nhiều sai sót không đáng có trong một sự kiện tầm quốc gia.

Sự luộm thuộm, thiếu tôn trọng nghệ sĩ và khán giả là ấn tượng tiêu cực tác động trực tiếp tới những người có mặt tại buổi lễ Khai mạc LHP Việt Nam lần thứ 21 khi chứng kiến hàng loạt những sai sót, sự cố do không chuẩn bị tốt của những người thực hiện chương trình.

Đầu tiên, chương trình thảm đỏ mở màn cho Lễ khai mạc quá tệ với nhiều sai sót. MC thảm đỏ giới thiệu sai lệch chức vụ của lãnh đạo cấp cao của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; không giới thiệu rất nhiều nghệ sĩ có mặt trong từng đoàn làm phim hoặc giới thiệu sai, lệch tên các đoàn phim, các nghệ sĩ.

Ngay đến Ban Giám khảo cũng chỉ được giới thiệu lỗ mỗ một số người; mất tiếng phần truyền hình trực tiếp phát trên 2 màn hình tại phòng chính lễ và hành lang tầng 2 của khách sạn Pullman trong 5-7 phút đầu tiên.

Tiếp đến là việc cờ Liên hoan phim màu trắng với biểu tượng bông sen được kéo lên đã gây thất vọng cho đông đảo nghệ sĩ bởi sự nhàu nhĩ của nó. Lá cờ có biểu tượng bông sen màu hồng là màu của bộ nhận diện LHP mùa trước, không phải màu vàng như bộ nhận diện LHP Việt Nam lần thứ 21 đã được BTC LHP giới thiệu tại Họp báo Khai mạc LHP ngày 22/11 vừa qua.

"Hạt sạn" thứ ba là các ca khúc và tiết mục múa hầu hết không được giới thiệu trang trọng tác giả, tác phẩm, ca sĩ biểu diễn; hoặc giới thiệu sau với cách phát âm không tròn vành rõ chữ, lướt qua rất nhanh của hai MC sân khấu khiến khán giả không thể biết được tên tuổi các tác giả.

Ngoại trừ bài hát “Vũng Tàu biển hát” mở màn cho Lễ Khai mạc LHP do ca sĩ Mỹ Linh trình bày thì chương trình không có thêm bất cứ nội dung nào thể hiện được “ý tưởng về chủ đề Biển đảo Việt Nam” như phần giới thiệu của Trưởng ban tổ chức LHP tại buổi họp báo trước đó.

Một bài hát về nhà trường và học trò gây bức xúc cho các bậc làm cha mẹ khi để nhóm múa hát mặc đồng phục trắng, thắt khăn quàng đỏ nhảy nhót đọc ráp bài hát với những ca từ không phù hợp tuổi đội viên thiếu niên như các ca khúc “Trường mình cái quái gì cũng xảy ra”; “Trường mình là cái gì thế”; “Ôi giai đẹp, yêu em đi”.  Được biết đây là bài hát trong bộ phim Thạch Thảo, phim dự thi LHP được phổ biến với giới hạn “C16” ( không dành cho khán giả dưới 16 tuổi).

Tiếp đó, việc ca khúc “Gánh mẹ” đang dính tranh chấp về bản quyền tác giả đã được chọn để biểu diễn trong Lễ khai mạc cũng là vấn đề phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp của Ban Tổ chức.

Ngoài ra, một loạt các vấn đề khác xảy ra tại LHP lần thứ 21 khiến khán giả khó chịu như việc MC sân khấu thường xuyên nói nhầm, nói sai. MC nam liên tục nói “Hội đồng ban giám khảo”, hoặc “thành viên Hội đồng Ban Giám khảo” trong khi tên gọi Chính xác là “Ban Giám khảo”; MC nữ do vội vã đã tuyên bố “Chương trình LHP Việt Nam lần thứ 21 đến đây kết thúc” thay vì chỉ nói Lễ Khai mạc LHP kết thúc tại đây.

Sân khấu và chương trình Lễ Khai mạc đã không được nhà sản xuất là Kênh truyền hình Vietnam Journeys của Đài Tiếng nói Việt Nam tiết lộ trong buổi họp báo Khai mạc LHP, hòng làm nên sự bất ngờ cho khán giả như bà Bảo Lê - được giới thiệu là đạo diễn chương trình - tuyên bố, thì thực tế đã gây thất vọng cho nghệ sĩ và khán giả bởi sự rời rạc, không có ý tưởng kết nối xuyên suốt của chương trình. Các ca sĩ biểu diễn (trừ ca sĩ Mỹ Linh), phần lớn chưa xứng tầm của một sự kiện văn hoá cấp quốc gia và thiết kế sân khấu giản tiện đến bôi bác với vài cánh sen mô phỏng đơn điệu.

Cuối cùng, khán giả đang xem truyền hình trực tiếp Lễ khai mạc LHP Việt Nam lần thứ 21 trên kênh Vietnam Journeys thì sửng sốt vì bị cắt ngang bởi một clip giới thiệu về gốm Bát Tràng. Thì ra kênh truyền hình được Ban Tổ chức LHP tin cậy trao gửi thực hiện sự kiện điện ảnh lớn nhất của ngành đã bị gián đoạn, không đảm bảo truyền dẫn trực tiếp.