Những báo cáo này bao gồm cả các vụ hành quyết thường dân và hạn chế quyền của phụ nữ cũng như đàn áp các cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của Taliban. Bà Michelle Bachelet không đưa ra chi tiết về các vụ hành quyết trong bài phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, nhưng kêu gọi thiết lập một cơ chế giám sát chặt chẽ các hành động của Taliban.
Bà cho hay, cách thức Taliban đối xử với phụ nữ sẽ là “lằn ranh đỏ cơ bản”.
Phiên họp khẩn cấp này được tổ chức theo yêu cầu của Pakistan và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) với lý do “có những nỗi sợ hãi nghiêm trọng đối với phụ nữ, đối với các nhà báo và thế hệ lãnh đạo xã hội dân sự mới trong những năm qua”.
|
Bà Michelle Bachelet. |
Bà Bachelet cho biết: “Các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo đa dạng của Afghanistan cũng có nguy cơ bị bạo lực và đàn áp, do các mô hình vi phạm nghiêm trọng trước đây dưới sự cai trị của Taliban và các báo cáo về các vụ giết người và tấn công có chủ đích trong những tháng gần đây”.
Các chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hợp quốc, trong một tuyên bố chung, nói rằng nhiều người đang ẩn náu vì sợ bị trả thù khi “Taliban tiếp tục lục soát từng nhà”. “Các cuộc tìm kiếm, bắt giữ, quấy rối và đe dọa cũng như tịch thu tài sản và trả thù đã được báo cáo”, họ cho hay.
Hội đồng sẽ xem xét một dự thảo nghị quyết, do Pakistan đệ trình thay mặt cho Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), bày tỏ lo ngại về các báo cáo vi phạm. Tuy nhiên, dự thảo không đề cập đến tên Taliban cũng như không khẳng định sẽ tìm hiểu sự thật các báo cáo.
Thay vào đó, dự thảo kêu gọi bà Bachelet báo cáo lại phiên họp Hội đồng vào tháng 3/2022 và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật nhân quyền bao gồm “sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của phụ nữ” và của các nhóm thiểu số.
Một nhà ngoại giao phương Tây bày tỏ với Reuters khi các cuộc đàm phán về dự thảo nghị quyết vẫn đang diễn ra nóng bỏng: “Chúng tôi đã hy vọng vào một văn bản cương quyết hơn, nhưng nó cực kỳ tối giản và chúng tôi rất thất vọng”.