Cuộc họp diễn ra sau khi kênh truyền hình CNN hồi tuần trước đã đăng tải một đoạn video ghi hình những người di cư châu Phi đang mắc kẹt tại Libya bị đưa ra chợ bán đấu giá như những nô lệ. Một trong 2 thanh niên trong đoạn video là công dân Nigeria, khoảng 20 tuổi nhưng không rõ danh tính. Theo lời người đấu giá, người đàn ông Nigeria này thuộc “một nhóm thanh niên khỏe mạnh” bị đấu giá để làm việc nông.
Video này ngay lập tức đã tạo ra làn sóng phản đối trên toàn cầu trong khi lãnh đạo một số quốc gia châu Phi như Guinea, Senegal kịch liệt lên án hành động này đồng thời yêu cầu chính phủ Libya điều tra, khởi tố những kẻ đứng sau các hoạt động này.
Buôn bán người như hàng hóa
Theo CNN dẫn lời Tổng thư ký LHQ António Guterres, “Trong những ngày gần đây chúng tôi cảm thấy kinh hoàng trước hình ảnh những người nhập cư châu Phi bị đem bán như hàng hóa ở Libya. Chế độ nô lệ và những hành vi lạm dụng nhân quyền quá mức không thể tồn tại ở thế kỷ 21”.
“Hình ảnh trên CNN khiến tôi bị sốc khi thấy cảnh những người di dân bị đem ra mua bán như một thứ hàng hóa, một câu chuyện bi thảm chỉ diễn ra ở thời Trung cổ nhưng lại hiện hữu ngay trong thời đại hôm nay, thật quá khủng khiếp!”, ông Matthew Rycroft, đại sứ Anh tại LHQ cho hay.
Được biết, trong bản báo cáo đầu năm nay của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hàng trăm người châu Phi bị những kẻ buôn người ép buộc trở thành nô lệ. Những người di cư, chủ yếu từ các nước Nigeria, Senegal và Gambia, muốn thoát khỏi những cuộc xung đột và bất ổn kinh tế tại quê nhà, thực hiện cuộc hành trình đầy thử thách từ Libya, qua Địa Trung Hải để vào châu Âu. Nhưng vì sự thắt chặt an ninh của lực lượng bảo vệ bờ biển Libya, nhiều người không thể vượt biên, bị kẹt lại trong các kho chứa hàng, mà bọn buôn người gọi là “hàng hóa dư thừa”. Một số trong đó bị giữ làm con tin cho đến khi gia đình họ nộp tiền chuộc và một số khác bị rao bán trên thị trường lao động.
Được biết, một nhóm phóng viên của CNN đã đến Libya vào tháng 10 để điều tra và đã tận mắt chứng kiến hàng chục người đàn ông bị đem đi bán đấu giá tại một cuộc đấu giá mua người nô lệ với chỉ 400USD. Ngay sau đó, chính quyền Libya đã tiến hành điều tra chính thức về những cuộc đấu giá dưới sự giám sát của chính phủ nước này và cơ quan chống nhập cư bất hợp pháp.
Chính phủ Libya bắt đầu vào cuộc
Nguyên nhân gốc rễ của nạn buôn bán người bao gồm: quốc gia không ổn định, nghèo đói, thiếu thực thi pháp luật và lợi nhuận cao từ buôn bán người… Trung úy Naser Hazam thuộc cơ quan chống nhập cư bất hợp pháp của Libya thừa nhận rằng, tình trạng này vẫn đang diễn ra ở Libya và các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang điều hành các đường dây buôn người. “Bọn buôn người nhồi lên mỗi thuyền 100 người. Chúng không quan tâm điều gì khác miễn là nhận được tiền. Người nhập cư có thể đến được châu Âu hoặc chết trên biển”, ông Hazam cho biết.
Mới đây, quan chức Bộ Ngoại giao Libya phụ trách các vấn đề châu Phi, ông Abu-Rgiga, cho biết các băng nhóm tội phạm lợi dụng điểm yếu về trật tự trị an để thực hiện những hoạt động phạm pháp như trung gian vận chuyển lậu người di cư qua Địa Trung Hải hoặc tuyển người di cư cho mạng lưới khủng bố. Ông Abu-Rgiga cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác với Libya chống nạn buôn người và cùng áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả thay vì chỉ trích chính quyền Tripoli. Ông cũng cho biết vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và những dữ liệu điều tra liên quan sẽ được công bố minh bạch và không trì hoãn.
Trước đó, Phó Thủ tướng Libya Ahmad Metig đã lên án mạnh mẽ hoạt động buôn người đặc biệt là việc người di cư châu Phi bị đưa tới các “chợ nô lệ” bên ngoài Tripoli. Ông Metig cũng cho biết một ủy ban đặc biệt sẽ được thành lập để điều tra và bắt giữ những đối tượng liên quan.
LHQ cũng vào cuộc
Không chỉ Chính phủ Libya, Hội đồng Bảo an LHQ cũng thông qua một nghị quyết nhằm giải quyết nạn buôn người và nô lệ. Tổng thư ký LHQ Guterres đã trích dẫn một báo cáo của LHQ cho biết ngày càng có nhiều nạn nhân bị buôn bán từ Iraq, Syria và Somalia đang xuất hiện ở châu Á, châu Âu và Trung Đông, đồng thời nói rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của LHQ mà các nước cũng cần chung tay ngăn chặn bọn buôn người, đồng thời tăng cường viện trợ nhân đạo và cho phép người tị nạn di cư nhiều hơn đến các nước phát triển.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley và các nhà ngoại giao khác cũng đã yêu cầu một cuộc điều tra nhằm đưa những kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đại sứ Rycroft của Anh cho biết, “Việc có một phản ứng được phối hợp trong toàn bộ gia đình LHQ sẽ là một phần quan trọng trong các biện pháp quốc tế để chống lại chế độ nô lệ”.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, ngày 22/11, Rwanda đề nghị tiếp nhận khoảng 30.000 người di cư châu Phi đang bị lạm dụng và bị đối xử như nô lệ ở Libya. Cùng ngày, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy thông báo đã cứu được khoảng 1.100 người di cư lênh đênh trên biển. Những người này đi từ Libya vượt Địa Trung Hải trên 10 chiếc thuyền cao su và một thuyền gỗ nhỏ. Trong số những người được cứu, có 1 phụ nữ vừa sinh con trên một chiếc thuyền cao su.