Liên Hợp quốc trừng phạt Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên như thế nào?

(PLO) - Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2270 được cho là nghiêm khắc nhất từ trước đến nay nhằm trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này tiến hành thử hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa đạn đạo. Đây là nghị quyết thứ 6 của cơ quan này đối với Triều Tiên kể từ khi nước này tiến hành thử hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006. 
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông qua nghị quyết mở rộng trừng phạt Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông qua nghị quyết mở rộng trừng phạt Triều Tiên.

Nghị quyết đã đạt được sự đồng thuận cao của các thành viên sau 7 tuần đàm phán kéo dài giữa Mỹ và “đồng minh” duy nhất của Triều Tiên (Trung Quốc), được đánh giá là đã góp phần lấp đầy những lỗ hổng trong các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên trước đó của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc (LHQ) đồng thời áp đặt thêm những biện pháp mới. 

Kiểm tra mọi chuyến hàng

Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng tới và rời Triều Tiên đều sẽ bị kiểm tra. Nghị quyết cũng cấm các tàu của Triều Tiên bị tình nghi là chở những mặt hàng phi pháp rời các bến cảng trên khắp thế giới, đồng thời thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí để cản trở cả những nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Bình Nhưỡng. Văn kiện này cũng cấm Triều Tiên xuất khẩu các mặt hàng như than đá, quặng, vàng, titan và đất hiếm đồng thời cấm các quốc gia trên thế giới cung cấp cho Triều Tiên nhiên liệu sử dụng trong ngành hàng không, chế tạo tên lửa.

Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, Nghị quyết 2270 bắt buộc (thay vì khuyến khích như trong các nghị quyết trước đây) các quốc gia phải phong tỏa tài sản của các cá nhân và thực thể có liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nghị quyết cấm tất cả các quốc gia cho phép các ngân hàng Triều Tiên mở chi nhánh, văn phòng đại diện mới, đồng thời cấm các thể chế tài chính thành lập liên doanh, thiết lập hay duy trì quan hệ với các ngân hàng Triều Tiên.

Nghị quyết cũng yêu cầu các quốc gia đóng cửa tất cả chi nhánh của các ngân hàng Triều Tiên cũng như chấm dứt các giao dịch ngân hàng với nước này trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, nghị quyết này không nhằm vào mặt hàng dầu lửa bán cho Triều Tiên, đồng thời cho phép có một số ngoại lệ đối với một số mặt hàng xuất khẩu nếu các nước chứng minh được rằng chúng không được sử dụng cho mục đích quân sự.

Theo các nghị quyết trước đây, Triều Tiên bị cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ hạt nhân hoặc tên lửa cũng như hàng hóa xa xỉ. Nghị quyết lần này mở rộng những mặt hàng bị cấm, bổ sung các mặt hàng xa xỉ như: đồng hồ đắt tiền, xe trượt tuyết, môtô lướt sóng và đồ pha lê, đồng thời bổ sung vào “Danh sách Đen” 17 cá nhân và 12 thực thể của Triều Tiên - tất cả đều bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại.

Chỉ vài giờ sau khi có nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lại tiếp tục phóng một số tên lửa tầm ngắn.
Chỉ vài giờ sau khi có nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lại tiếp tục phóng một số tên lửa tầm ngắn.

Phản ứng của chính giới

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi việc HĐBA LHQ thông qua nghị quyết về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, coi các biện pháp trừng phạt mới là “một sự đáp trả kiên quyết, đồng lòng và thích đáng”: “Cộng đồng quốc tế, với chung một tiếng nói, đã gửi đến Bình Nhưỡng một thông điệp đơn giản: Triều Tiên phải từ bỏ những chương trình nguy hiểm này và lựa chọn một con đường tốt đẹp hơn cho người dân của họ”. 

Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft thì nói rằng: “Đó là những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất mà chúng tôi nhất trí thông qua đối với một quốc gia trên thế giới và chắc chắn là lệnh trừng phạt nặng nhất đối với Triều Tiên”. Theo Nghị quyết 2270, các thành viên LHQ sẽ có quyền trục xuất các nhà ngoại giao Triều Tiên nếu họ bị phát hiện có liên quan đến các hoạt động bị cấm. Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ Oh Joon cho biết Bình Nhưỡng đã chi khoảng 4 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định rằng số tiền đó có thể tương đương các khoản hỗ trợ nhân đạo trong 40 năm. 

Đại sứ Nhật Bản tại LHQ miêu tả Nghị quyết 2270 giống như “sự động thổ”, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc triển khai thực hiện” (nghị quyết) của Trung Quốc cũng như các nước khác. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ thì nói rằng Nghị quyết 2270 là “điểm khởi đầu mới và là bước tiến vững chắc” để nối lại cơ chế đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin coi nghị quyết này là nhằm “ngăn chặn mọi nguồn tài chính” giúp Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và buộc nước này phải trở lại bàn đàm phán. Trong các cuộc đàm phán kéo dài 7 tuần trước đó, Trung Quốc luôn lưỡng lự trong việc áp đặt lệnh trừng phạt mạnh đối với Triều Tiên do lo ngại sẽ khiến chế độ ở Bình Nhưỡng sụp đổ và tạo ra sự hỗn loạn ở khu vực biên giới Trung - Triều.

Ngay sau khi Nghị quyết 2270 được thông qua, chính quyền Mỹ cũng bổ sung các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Cụ thể, Washington đã quyết định bổ sung thêm 11 cá nhân và 5 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, trong đó có cả Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên (cơ quan quyền lực cao nhất theo Hiến pháp của nước này).

Theo công bố của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ, 4 thực thể khác gồm Học viện Quốc phòng, Bộ Công nghiệp Năng lượng Nguyên tử, Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia và Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Trong số các cá nhân bị đưa vào “Danh sách Đen” của Mỹ còn có cả ông Hwang Pyong-so, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên, nhân vật quyền lực thứ hai tại nước này. 


Còn những “lỗ hổng”?

Tuy nhiên, theo tin của Tổ chức phân tích thông tin tình báo “Stratfor” ngày 3/3, ngay cả khi được thực thi, những biện pháp trừng phạt này vẫn khó có thể ngăn cản được tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Thoạt nhìn, nghị quyết trừng phạt mới có vẻ rất cứng rắn; tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn sẽ thấy nghị quyết có nhiều “lỗ hổng” khá lớn. Chẳng hạn như không khó để né quy định thanh sát các chuyến hàng đi qua lãnh thổ Trung Quốc trên đường tới và rời Triều Tiên, cũng không có cơ chế để thực thi lệnh cấm nhập khẩu các khoáng sản của Triều Tiên, vốn chiếm một nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD của nước này sang Trung Quốc mỗi năm. Việc chứng thực Triều Tiên dùng tiền xuất khẩu khoáng sản để tài trợ cho các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân cũng là điều rất khó. 

Hãng tin Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 3/3 đưa ra nhận định, Nghị quyết 2270 áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Triều Tiên song đây không phải là mục đích của Nghị quyết mà chỉ là các cách thức để Triều Tiên thay đổi động lực trong chương trình hạt nhân của nước này. Trung Quốc từ trước tới nay đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này phản đối bất cứ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng phải được giải quyết thông qua đối thoại. 

E ngại phản ứng ngược

Chuyên gia về Triều Tiên Roberta Cohen của Viện nghiên cứu Brookings nói rằng, Trung Quốc và có thể là cả Nga “sẽ tìm ra những “lỗ hổng” giống như họ vẫn thường làm” để tránh việc thực hiện đầy đủ lệnh trừng phạt Triều Tiên. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng theo dõi sát những động thái của liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn.

Theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay thì cơ chế đàm phán sáu bên với sự tham gia của Mỹ, Nga, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên vẫn là cách thức hữu hiệu nhất để hiện thực hóa vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong chuyến công du mới đây tới Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra đề xuất tiến hành đồng thời hai giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên: Phi hạt nhân hóa và ký kết hiệp ước hòa bình thay cho thỏa thuận đình chiến.

Giới chuyên gia ở Trung Quốc ủng hộ việc nối lại cơ chế đàm phán sáu bên nhưng cũng nhấn mạnh thêm rằng, đề xuất nói trên của Bắc Kinh sẽ góp phần đạt được giải pháp cuối cùng cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong vòng 8 năm qua, kể từ khi cơ chế đàm phán sáu bên bị ngưng trệ, Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa, vi phạm trắng trợn các nghị quyết của HĐBA.

Nhà nghiên cứu Wang Junsheng của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) lưu ý thêm rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt của LHQ, Triều Tiên đã đi quá xa trong vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân, và rằng “không chỉ dựa vào các lệnh trừng phạt mà có thể thuyết phục được Triều Tiên từ bỏ việc thử hạt nhân”.

Zhao Tong, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua nói rằng, các lệnh trừng phạt mới sẽ có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của Triều Tiên cũng như các mối quan hệ đối ngoại của nước này. Nếu các cuộc đàm phán không diễn ra thì các biện pháp đó cũng chỉ khiến Triều Tiên tiến xa hơn trong việc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên, chuyên gia Zhao cho rằng các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ và Triều Tiên, cần xem xét lại chính sách của mình, đồng thời có các biện pháp thiết thực để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn. Ngoài ra, các bên cũng cần cân nhắc đến đề xuất thực hiện hai giải pháp đồng thời nói trên của Bắc Kinh bởi nó không chỉ phù hợp với đường hướng phi hạt nhân hóa mà còn thể hiện được mối lo ngại của tất cả các bên liên quan. 

Trong bối cảnh tác động của các lệnh trừng phạt trở nên ngày càng rõ rệt hơn, ông Kim Jong-un có thể có hành động khiêu khích để thể hiện quyết tâm thách thức với áp lực từ bên ngoài. Rốt cục, các lệnh trừng phạt sẽ chỉ có tác dụng ngược là khiến chế độ Bình Nhưỡng ngày càng trung thành với cá nhân ông Kim và sự cai trị của đảng Lao động Triều Tiên hơn…

Đọc thêm