Liên Hợp quốc: Vẫn còn tình trạng tra tấn tù nhân ở Guantanamo

(PLO) - Nhà điều tra nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc (LHQ) Nils Melzer cho biết ông có nhiều thông tin và bằng chứng cho thấy tù nhân trên đảo Guantanamo của Mỹ vẫn bị tra tấn, mặc dù phía Washington đã có lệnh cấm kỹ thuật tra tấn từ 10 năm trước.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 Tù nhân vẫn bị tra tấn

Theo Reuters, trong cuộc điều tra của Nils Melzer - một nhà điều tra nhân quyền độc lập và là một báo cáo viên đặc biệt của LHQ về vấn đề tra tấn - phạm nhân Ammar al-Baluchi, công dân Pakistan gốc Kuwait, cháu trai của Khalid Sheikh Mohammed - kẻ bị cáo buộc chủ mưu vụ khủng bố ngày 11/9/2001, bị cáo buộc là đồng phạm trong cuộc khủng bố này đã phải chịu đựng các hình thức tra tấn vốn bị cấm theo luật pháp quốc tế. 

Thêm nữa, theo điều tra của Thượng viện Mỹ năm 2014 cũng cho rằng nghi can Ammar al-Baluchi được cho là đã phải chịu đựng tra tấn tàn nhẫn trong ba năm rưỡi ở các nơi giam giữ của CIA trước khi được chuyển về nhà tù Guantanamo, nơi nghi phạm này bị giam trong hơn 10 năm qua. 

Nhà điều tra Malzer nói rằng lệnh cấm tra tấn và ngược đãi tù nhân là một trong những quy phạm cơ bản nhất của luật pháp quốc tế. Do vậy bất kỳ trường hợp tra tấn nào cũng là vi phạm và cần phải truy tố các quan chức Mỹ đã tiến hành các hành vi tra tấn. “Vì không truy tố những người có hành vi tra tấn tù nhân trong quá trình giam giữ của CIA, Mỹ đã vi phạm rõ ràng Hiệp định chống tra tấn và đang chuyển đi thông điệp nguy hiểm về sự tự mãn và không sợ bị trừng phạt đến các quan chức ở Mỹ và khắp thế giới”- theo ông Melzer nói trong một tuyên bố. 

Ông Melzer cũng đã yêu cầu một chuyến thăm tới Vịnh Guantanamo để phỏng vấn các tù nhân, nhưng ông và những người tiền nhiệm của ông trong vai trò điều tra liên tục bị từ chối. 

Được biết, khi nhận được báo cáo về cuộc điều tra , văn phòng nhân quyền LHQ đã đưa ra tuyên bố, “Có thông tin nói rằng việc tra tấn và ngược đãi tù nhân vẫn đang tiếp diễn. Ngoài những ảnh hưởng lâu dài từ những cuộc tra tấn trước đây, có thông tin tù nhân Ammar al-Baluchi vẫn đang tiếp tục chịu đựng hành vi tra tấn bằng tiếng ồn và chấn động, không cho ngủ, dẫn tới rối loạn về thể xác và tinh thần, mà không nhận được điều trị y tế”.

Mỹ bác bỏ cáo buộc 

Ngay sau khi nhận được cáo buộc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng các bỏ và nói rằng không có bằng chứng nào đáng tin cậy về những thông tin trên. Thiếu tá Ben Sakrisson, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho biết cáo buộc này là không đúng. “Những tuyên bố này được điều tra nhiều lần trong quá khứ và không có bằng chứng đáng tin cậy nào được đưa ra để chứng minh rằng các báo cáo của nhà điều tra Melzer là đúng”, ông Ben nhấn mạnh. 

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ khi nói về vấn đề này cũng đưa ra ý kiến rằng, hiến pháp Mỹ cấm các hình thức trừng phạt tàn ác và bất thường, bắt buộc phải đảm bảo điều kiện nhân quyền trong giam cầm. Đồng thời Mỹ cũng hoàn toàn ủng hộ công việc của các nhà điều tra viên LHQ. 

Được biết, nhà tù  Guantanamo được thành lập trong căn cứ Hải quân Mỹ ở vịnh Guantanamo thuê của Cuba dưới thời của cựu Tổng thống George W. Bush  nhằm giam giữ những nghi phạm khủng bố bị bắt trong cuộc tấn công ngày 11/9/2011. Việc tồn tại của nhà tù Guantanamo là đề tài tranh cãi khi các phạm nhân bị giam giữ lâu dài không qua xét xử. Từ 10 năm trước, nhà tù này trở thành một biểu tượng giam giữ khắc nghiệt với các cáo buộc tra tấn phạm nhân.

Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông đã ra sắc lệnh chỉ đạo chấm dứt sử dụng “các kỹ thuật hỗ trợ thẩm vấn”. Trong suốt nhiệm kỳ ông cũng di dời các tù nhân tới các nhà tù khác nhằm mục đích đóng cửa nhà tù này. Tuy nhiên, dù đã giảm số lượng tù nhân xuống còn 41 người, nhưng việc đóng cửa nhà tù vẫn không thực hiện được. 

Tuy nhiên, người kế nhiệm ông Obama hiện nay là Tổng thống Donald Trump lại có suy nghĩ trái ngược. Hồi đầu năm ông đã yêu cầu Quốc hội chi tiêu nhằm nâng cấp nhà tù và nói rằng ông muốn “những kẻ xấu” phải bị giam giữ ở đây.