Liên kết vùng kinh tế trọng điểm: “Đục trần” hay sửa sang chính sách hiện có?

(PLO) - Kết quả liên kết các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) còn nhiều bất cập, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng của các địa phương trong vùng, vấn đề được ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM), đặt ra là cần kiến nghị các cơ chế “đục trần” hay với sửa đổi, bổ sung những quy định hiện hành?
Vẫn chưa phát huy được thế mạnh của các địa phương trong liên kết vùng (Ảnh minh họa)
Vẫn chưa phát huy được thế mạnh của các địa phương trong liên kết vùng (Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo “Cơ chế phối hợp phát triển các vùng KTTĐ ở Việt Nam”, do CIEM phối hợp Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) phối hợp triển khai, Việt Nam hiện có ra 4 vùng KTTĐ là Vùng KTTĐ Bắc Bộ, KTTĐ miền Trung, KTTĐ phía Nam và KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cả 4 vùng KTTĐ này gồm 24 tỉnh thành  với diện tích 90 nghìn km2, chiếm 27% dân số cả nước và trên 50% dân số  nhưng thành tựu tăng trưởng kinh tế không đồng đều và vô cùng bất tương xứng.  Số liệu năm 2015 cho thấy, tổng đóng góp vào xuất khẩu của cả 4 vùng chỉ đạt 80,6%, trong đó vùng KTTĐ Bắc Bộ và KTTĐ phía Nam đã chiếm tới 78,1%, 2 vùng còn lại chỉ chiếm 2,5%.

Số liệu của nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra các vùng KTTĐ phát triển kinh tế - xã hội vô cùng kém và hầu hết các chỉ tiêu đều chưa đạt. Ví dụ  như chỉ tiêu GDP, cơ cấu kinh tế, đô thị hóa, tỉ lệ hộ nghèo…, tất cả gần như đều không đạt chỉ có Vùng KTTĐ Bắc Bộ đạt chỉ tiêu ở 2 lĩnh vực GDP và đô thị hóa.

Nguyên nhân được chỉ ra do trình độ phát triển kinh tế ở địa phương còn kém, cơ chế chính sách cho vùng KTTĐ chưa hoàn thiện và không thực quyền, nhận thức về lợi ích của các chủ thể liên quan chưa đầy đủ, đặc biệt là thiếu cơ chế phối hợp…

Trước thực trạng đó, CIEM được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị định về phát triển kinh tế vùng/nghị định về cơ chế phối hợp liên kết các vùng KTTĐ. 

“Bài toán của chúng ta là không sửa Hiến pháp mà với thẩm quyền của Chính phủ, muốn hành động ngay thì Chính phủ nên làm gì?”- Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu đưa ra đề bài với các chuyên gia. Theo ông Trần Trung Hiếu – Phó trưởng ban Thể chế kinh tế (CIEM), vấn đề hiện nay là việc chia cắt không gian vùng quá nhỏ với 63 tỉnh, thành trên cả nước khiến cơ chế phối hợp giữa các vùng rất khó khăn, manh mún và “không ai bảo được ai”. Đó là lý do cần phải xây dựng cơ chế phối hợp.

Nguyên Viện trưởng CIEM, ông Lê Xuân Bá cho rằng ngoài Hà Nội và TP HCM có đặc thù riêng, còn các địa phương khác, chức năng nhiệm vụ theo pháp luật là như nhau. Chuyên gia này đề nghị cần làm rõ khái niệm “phối hợp” và “liên kết”. Theo ông, việc phối hợp giữa chính quyền các địa phương với các vùng là việc khác, còn nếu phối hợp cả chính quyền với doanh nghiệp lại là câu chuyện khác. Rồi các viện, các trưởng … “Chắc chắn một cơ chế phối hợp giữa các chính quyền với vùng khác rất nhiều so với cơ chế phối hợp chính quyền với các doanh nghiệp. Thực chất mà nói là DN theo cơ chế thị trường, Nhà nước có hướng dẫn đúng thì tôi nghe, tôi theo, còn không  cũng chẳng thể làm gì được tôi cả…”- ông Bá nói

Cũng theo ông Bá, cơ chế phối hợp giữa địa phương với vùng  cũng phải có 2 loại: Bắt buộc và tự nguyện.Và quan trọng nhất là phải tìm được nguyên nhân gốc rễ làm cho  việc phối hợp hoặc là liên kết chưa tốt.

Ông Bùi Quang Tuấn  - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng gốc rễ của vấn đề chính là lợi ích: “Vì không rõ cơ sở lợi ích nên chẳng địa phương nào tích cực tham gia. Trong liên kết vùng hiện nay chưa xây dựng được chuyên môn hóa, dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau, không xây dựng được xúc tiến thương mại cho vùng mà chỉ manh mún, mạnh tỉnh nào tỉnh nấy làm…”- ông Tuấn phát biểu. Ngoài ra, việc thiếu chế tài và không đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động cho Ban chỉ đạo kinh tế vùng, không có thực quyền cả về quyền hành chính và quyền phân bổ nguồn lực cũng là nguyên nhân khiến cho liến kết KTTĐ vẫn còn nhiều hạn chế…

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều quyết định về liên kết vùng. Gần đây, Luật Quy hoạch đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 4 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 quy định, quy hoạch vùng sẽ được lập để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Về thí điểm liên kết vùng, ngoài các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP (ngày 17/11/2017) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu…

“Rất nhiều văn bản pháp lý quy định về liên kết vùng nhưng vì sao việc liên kết chưa tốt?”- nguyên Viện trưởng CIEM, ông Lê Xuân Bá đặt vấn đề. Theo các chuyên gia, vấn đề liên kết vùng với cơ sở pháp lý hiện nay chưa có kết quả vì cần được điều chỉnh ở văn bản cấp cao hơn, thậm chí phải “đụng chạm đến Hiến pháp mới có thể giải quyết được bài toán này một cách cơ bản!” - ông Bùi Quang Tuấn,  nhận định.

Đọc thêm