Liên quan đến Quy hoạch điện VII: Chuyển nhiều hồ sơ vụ việc sang công an

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 25/12, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Ảnh minh họa về điện mặt trời. (Nguồn ảnh: Công Thương)
Ảnh minh họa về điện mặt trời. (Nguồn ảnh: Công Thương)

Kết luận thanh tra đánh giá công tác quản lý, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân… Tuy vậy, công tác quản lý, thực hiện Quy hoạch điện VII, nhất là trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã để xảy ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm.

Bổ sung hàng trăm dự án không có quy hoạch

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án điện mặt trời (ĐMT) với tổng công suất 4.166MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, 92 dự án với tổng công suất 3.194MW phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào Quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh, xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư. Có tới 15/23 tỉnh không quy hoạch đầu tư ĐMT trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có quy hoạch ĐMT đến năm 2020 của 63 tỉnh, TP. Do đó, việc phê duyệt các dự án này là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch (không có quy hoạch).

Cũng theo cơ quan Thanh tra, tổng công suất nguồn ĐMT đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh là 850MW. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư, trong khi không lập Quy hoạch phát triển ĐMT quốc gia đến năm 2020 theo yêu cầu tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg. Vì vậy, việc phê duyệt 54 dự án này cũng không có căn cứ pháp lý về quy hoạch…

Những vi phạm nêu trên còn dẫn tới tổng công suất đặt nguồn ĐMT dự kiến vận hành thương mại trước năm 2020 đã ký hợp đồng mua bán điện là 5.088MW, vượt xa mục tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850MW).

Đáng chú ý là sự không đồng bộ giữa việc bổ sung quy hoạch từng dự án, không có quy hoạch tổng thể và không đồng bộ với lưới điện đi kèm - với tiến độ xây dựng các công trình lưới điện từ 3 - 5 năm, chậm hơn nhiều so với tiến độ vận hành của ĐMT, dẫn đến khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện, có khả năng gây quá tải cục bộ và trên diện rộng khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Gia lai, Đắk Lắk, buộc các nhà máy điện phải giảm phát.

Chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Với rất nhiều vi phạm, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu 8 vụ việc để xem xét, điều tra xử lý theo quy định. Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận kiến nghị này của TTCP.

Trong đó, việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt bổ sung 154 dự án ĐMT với tổng công suất 13.837MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Việc Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng ban hành nội dung khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg trái với nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ và không đúng với nội dung kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 402/TB-VPCP, làm tăng chi phí mua điện, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (EVN); việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án ĐMT, điện gió trên đất Quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia/Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận…

TTCP cũng chuyển thông tin, kèm theo tài liệu đến Bộ Công an để xem xét đối với Bộ Công Thương trong việc ban hành hướng dẫn và tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà có những sơ hở, khuyết điểm, vi phạm, dẫn đến nhiều hệ thống, cụm hệ thống ĐMT mái nhà đã đầu tư xây dựng nhanh với công suất lớn (xấp xỉ 1MW) trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng lại được hưởng cơ chế ưu đãi của hệ thống ĐMT mái nhà (giá FIT 8,38 Uscent/kWh, áp dụng trong 20 năm).

Cũng theo Thông báo Kết luận thanh tra, TTCP chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

Đọc thêm