Liên tiếp nhiều trẻ bị hóc dị vật đe dọa tính mạng

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Thời gian qua, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ bị hóc, sặc dị vật đe doạ tính mạng, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Bác sĩ khuyến cáo các phương pháp sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật.

Hình ảnh dị vật là cùi nhãn được gắp ra khỏi đường thở của bệnh nhi
Hình ảnh dị vật là cùi nhãn được gắp ra khỏi đường thở của bệnh nhi

Liên tiếp nhiều trẻ hóc dị vật

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi bị suy hô hấp cấp do hóc dị vật đường thở. Tuy nhiên, sau khi dị vật là cùi nhãn được gắp ra, bệnh nhi vẫn bị suy hô hấp nặng, có nguy cơ ngừng tim nên các bác sỹ phải đặt nội khí quản và hỗ trợ hô hấp bằng thở máy và duy trì các biện pháp hồi sức tích cực.

Khi tình trạng hô hấp, tuần hoàn của bệnh nhi ổn định, bệnh nhi được hội chẩn và chuyển về điều trị tiếp theo chuyên khoa tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ. Hiện bệnh nhi đã tỉnh táo hoàn toàn và được ra viện.

Bác sĩ cho biết, trường hợp bệnh nhi nói trên rất may mắn khi được đưa đến viện cấp cứu kịp thời.

Ngày 13/3, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cũng tiếp nhận một ca hóc dị vật tương tự. Theo lời kể của gia đình, trước nhập viện 1 ngày, trẻ ăn hạt đậu phộng da cá và ho sặc sụa, tím tái, được người nhà sơ cứu và hồng hào trở lại bình thường. Đến chiều hôm sau, trẻ ăn cháo xong thì ho nhiều, tím tái, khó thở nên được đưa vào bệnh viện đa khoa huyện. Chẩn đoán trẻ bị hóc dị vật, bệnh viện cho trẻ thở oxy và chuyển viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhi được thăm khám và được chỉ định nội soi gắp dị vật ngay trong đêm. Các bác sỹ đã gắp được 1/2 hạt lạc ở phế quản. Sau hơn 1 ngày thở máy, trẻ được cai thở máy và tiếp tục được theo dõi toàn trạng tại khoa Hồi sức cấp cứu.

Bệnh viện Nhi đồng TP HCM thời gian qua cũng cấp cứu kịp thời 2 ca trẻ em bị hóc dị vật. Trường hợp đầu tiên là hóc hạt đậu đũa, trường hợp thứ 2 là hóc mảng xương cá khi đang ăn cháo.

Hóc dị vật không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong

Theo chuyên gia y tế, trẻ bị hóc dị vật đường thở nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí có thể tử vong.

Điển hình là tháng 12/2023, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM tiếp nhận bé trai 7 tuổi, quê ở Đồng Nai nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở sau khi ăn một miếng bánh bông lan. Dù được các bác sỹ nỗ lực hồi sức trong 30 phút nhưng bé trai đã không qua khỏi.

Hóc dị vật đường thở là một tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra đặc biệt là khi trẻ đang ăn uống một thứ gì đó. Hóc dị vật đường thở thường gặp nhất ở trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi do trẻ thường đưa đồ vật vào miệng. Tuy nhiên, tai nạn này vẫn có thể xảy ra ở nhóm trẻ lớn từ 7 - 10 tuổi do những bất cẩn trong sinh hoạt, học tập, vui chơi.

Qua những trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo bố mẹ, ông bà hay người trông trẻ cần hết sức cảnh giác với những đồ ăn, đồ chơi xung quanh trẻ có hình tròn, trơn nhẵn như quả vải, quả nhãn, viên kẹo, viên bi… và tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi đùa vì rất dễ gây sặc.

Khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật cần thực hiện các biện sơ cứu đúng cách và kịp thời; đồng thời phải nhanh chóng kêu người hỗ trợ, vừa thực hiện sơ cấp cứu vừa đưa trẻ đến các cơ sở y tế ở gần nhất để được hỗ trợ chuyên sâu.

Một số phương pháp xử trí hóc dị vật

Nhận biết hóc dị vật ở trẻ không quá khó, nhưng cần sự chú ý từ bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ để có thể xử lý nhanh cho trẻ. Cần chú ý khi trẻ đang ăn hoặc đang chơi đột nhiên ho nhiều, ho sặc sụa, tình trạng nghẹn, muốn nôn trớ, nôn khan, chảy dãi… Nhiều trẻ có thể còn có hiện tượng mặt đỏ hoặc tím tái, người toát mồ hôi, thở khó hoặc đôi khi là mất ý thức.

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đưa ra một số phương pháp để xử trí hóc cho trẻ như:

Phương pháp vỗ lưng ấn ngực được sử dụng với các trẻ sơ sinh nhằm phòng tránh nguy cơ chấn thương cho trẻ do thực hiện sơ cứu. Cách thực hiện như sau:

- Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc trên đùi của người hỗ trợ, đầu trẻ đặt ở phần bàn tay và chân trẻ ở phần bắp tay, đầu thấp hơn chân. Người hỗ trợ xác định vị trí lưng giữa hai xương bả vai của trẻ. Sau đó, dùng gốc bàn tay còn lại vỗ 5 lần lên lưng bé.

- Kiểm tra miệng bé xem có dị vật không và thực hiện tiếp nếu miệng bé không có dị vật. Khi đó, cần lật trẻ sang cánh tay còn lại hoặc đặt trẻ ngửa trên đùi, vẫn tư thế đầu thấp hơn chân. Hãy xác định và ấn ngực trẻ 5 lần ở vị trí dưới xương ức với tần suất 1 lần/giây.

- Sau khi thực hiện ấn ngực, người thực hiện sơ cứu một lần nữa quan sát khoang miệng của trẻ xem dị vật đã được đẩy lên hay chưa. Nếu dị vật chưa ra, hãy tiếp tục thực hiện việc vỗ lưng – ấn ngực cho đến khi cấp cứu đến.

- Trong trường hợp dị vật chưa ra khỏi hầu họng nhưng trẻ đã qua cơn khó thở nguy kịch, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở tai mũi họng gần nhất để được các bác sĩ hỗ trợ gắp dị vật.

Thủ thuật Heimlich: Đây là phương thức sơ cứu quen thuộc trong chữa hóc dị vật được áp dụng với trẻ lớn trên 2 tuổi và người trưởng thành. Trong tình trạng trẻ đang nguy kịch, thực hiện phương pháp sơ cứu hóc này như sau:

- Đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa trên nền phẳng. Người sơ cứu ngồi đối diện trẻ ở tư thế hai chân ở vị trí 2 má ngoài đùi của trẻ.

- Đặt hai tay chồng lên nhau và đặt gót bàn tay phía dưới ở vùng xương ức của trẻ và nhấn mạnh theo hướng lên trên 5 lần.

- Nếu trẻ mất ý thức, ngưng thở, cần thực hiện việc thông khí cho trẻ. Trong trường hợp đường thở trẻ bị tắc nghẽn hoàn toàn, không thông khí được bằng nội khí quản thì cần cân nhắc mở khí quản hoặc chọc nhẫn giáp.

Đọc thêm