Liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chỉ đạo 'nóng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Món cơm gà bán tại quán cơm T.A ở Nha Trang.
Món cơm gà bán tại quán cơm T.A ở Nha Trang.

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị.

Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…). Ngoài ra, nguyên nhân còn do nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ. Quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách. Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Đặc biệt, nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch... cũng là nguyên nhân.

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.

Trong đó, cần chú ý ngộ độc do nấm độc vào mùa xuân hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (nhất là các tỉnh/thành phố khu vực Miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên); chú ý ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ (nhất là các tỉnh/thành phố ven biển). Đặc biệt chú ý đối tượng là đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.

Đồng thời xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Công khai các hành vi vi phạm để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

"Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum...", Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý I/2024, trên toàn quốc đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong.

Mới đây nhất, ngày 5/4, một vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khiến 1 học sinh tử vong và nhiều em khác nhập viện.

Trước đó, vào tháng 3/2024, có 369 người bị ngộ độc sau ăn tại quán cơm gà T.A tại thành phố Nha Trang. Cơ quan chức năng cho rằng không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là thức ăn nguyên nhân. Chỉ có thể nhận định thức ăn nguyên nhân là cơm gà, gồm các món: cơm, gà xé, gà nướng, mắm, sốt trứng, rau dưa chua, hành phi, súp canh.

Tháng 9/2023, sau khi ăn bánh su kem mừng Trung thu, 61 người tại TP HCM bị ngộ độc. Trong đó có 25 người nhập viện điều trị, 36 người tự mua thuốc uống ở nhà và một trẻ 6 tuổi tử vong.

Vụ ngộ độc tại Trường iSchool Nha Trang khiến 665 người nhập viện và 1 học sinh tử vong gây xôn xao dư luận xảy ra vào năm 2022. Trong đó, món cánh gà chiên bị nhiễm vi khuẩn salmonella được xác định là tác nhân gây ngộ độc.

Đọc thêm