Liệu đồng USD có bị 'soán ngôi'?

0:00 / 0:00
0:00
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch thương mại và dự trữ, đe dọa vị thế dẫn đầu của đồng bạc xanh...
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch thương mại và dự trữ, đe dọa vị thế dẫn đầu của đồng bạc xanh...

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch thương mại và dự trữ, đe dọa vị thế dẫn đầu của đồng bạc xanh...

Gần đây, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và những thay đổi địa chính trị sâu sắc, các nỗ lực nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD ngày càng gia tăng.

Nỗ lực giảm phụ thuộc

Theo tờ The Hindu (Ấn Độ) ngày 4/5, Ấn Độ và Malaysia đồng ý sử dụng đồng Rupee để thanh toán cho các giao dịch thương mại giữa hai nước. Trước đó, Brazil và Trung Quốc nhất trí tăng cường thanh toán bằng đồng bản tệ vào tháng 2/2023. Mới đây, Saudi Arabia và UAE tuyên bố chấp nhận các đồng tiền thay thế khác ngoài USD trong xuất khẩu dầu mỏ trong khi Iraq tuyên bố cấm thực hiện các giao dịch cá nhân hoặc kinh doanh bằng đồng USD ở trong nước...

Hiện nay, Nga và Trung Quốc là hai quốc gia đi đầu trong nỗ lực phi USD hóa. Trong chuyến thăm Nga tháng Ba vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố nhất trí tăng cường hợp tác song phương trên lĩnh vực kinh tế, trong đó nổi bật là thúc đẩy sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) trong giao dịch hai nước. Tổng thống Putin khẳng định ủng hộ “sử dụng đồng NDT trong thanh toán giữa Nga và các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh”.

Trước đó, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 14 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) diễn ra vào tháng 6/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất nghiên cứu khả năng thành lập một loại tiền dự trữ quốc tế dựa trên các đồng tiền quốc gia của các nước BRICS. Ý tưởng của Tổng thống Putin được các thành viên của nhóm ủng hộ, đặc biệt là Trung Quốc và Brazil.

Theo tờ Bloomberg, trong tháng Hai và Ba vừa qua, NDT đã chính thức vượt qua USD trở thành đồng tiền được giao dịch chính tại Nga. Trước đó, tỷ lệ các khoản thanh toán bằng đồng Ruble và NDT đã tăng lên đáng kể, đạt 47% vào tháng 3/2023 trong các giao dịch giữa hai nước. Đồng NDT cũng được thúc đẩy trong các giao dịch tài chính giữa các nước ASEAN, khu vực là đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng đồng NDT trên toàn cầu hiện nay còn thấp. Đồng tiền này chỉ chiếm 2,19% trong tổng các thanh toán toàn cầu; 3,5% trong các giao dịch ngoại hối; 2,69% dự trữ trong các ngân hàng trung ương, và 12,28% trong rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Từ USD đến "Petrodollars"

Dựa vào sức mạnh kinh tế, quân sự hùng mạnh và quyền sở hữu 80% dự trữ vàng thế giới, sau Thế chiến II, Mỹ đã thiết lập hệ thống Bretton Woods, gắn giá trị đồng USD với giá vàng. Từ đây, đồng USD bắt đầu thay thế đồng bảng Anh và trở thành loại tiền tệ có vị thế hàng đầu.

Sau đó, Mỹ tiến hành tái thiết châu Âu với Kế hoạch Marshall kéo dài trong bốn năm, viện trợ cho EU hơn 13 tỷ USD. Trong số đó, 90% được viện trợ dưới dạng “quà tặng” và chỉ 10% là các khoản vay khiến đồng USD bắt đầu bén rễ ở châu Âu rồi vươn ra toàn cầu.

Tuy nhiên, đến cuối những năm 1960, do chi tiêu cho quân sự quá lớn, buộc chính phủ Mỹ phải in và phát hành đồng USD với số lượng lớn khiến nó bắt đầu mất giá. Để ngăn chặn thiệt hại, các nước sử dụng đồng USD lần lượt bán tháo USD dự trữ để mua vàng khiến đồng USD mất giá thảm hại. Mỹ bị thất thoát lượng vàng dự trữ lớn, từ hơn 20 tỷ ounce khi Bretton Woods ra đời năm 1944 xuống còn 250 triệu ounce năm 1971, khi Bretton Wood kết thúc.

Dưới áp lực kinh tế, chính phủ Mỹ phải đưa ra chính sách kinh tế mới, chấm dứt việc chính phủ hoặc ngân hàng trung ương nước ngoài có thể sử dụng đồng USD để đổi lấy vàng của Mỹ. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố tách đồng USD khỏi bản vị vàng khiến hệ thống Bretton Woods chính thức sụp đổ. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Bretton Woods không đồng nghĩa với việc nước Mỹ từ bỏ vị thế hàng đầu thế giới của đồng USD.

Khi chiến tranh Trung Đông lần thứ tư nổ ra năm 1973 giữa Ai Cập, Sirya và Israel, cơ hội để Mỹ lấy lại vị thế bá chủ của đồng USD đã đến. Dưới ảnh hưởng của Mỹ, năm 1973, Saudi Arabia là nước đầu tiên ký thỏa thuận với Mỹ, nhất trí sử dụng đồng USD để thanh toán trong xuất khẩu dầu mỏ. Hai năm sau, tất cả các nước thành viên của OPEC đều đồng ý sử dụng đồng USD trong các giao dịch. Kể từ đó, đồng USD tách khỏi vàng và hình thành sự kết hợp mới với dầu mỏ, dựa trên giá trị giao dịch dầu mỏ, trở thành đồng "Petrodollars".

Để mua dầu mỏ, các nước buộc phải chuẩn bị dự trữ lượng lớn đồng USD, điều này khiến nhu cầu đối với đồng tiền này liên tục tăng. Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ sử dụng Petrodollars để mua trái phiếu và các sản phẩm tài chính liên quan của Mỹ, khiến lượng lớn đồng USD lại quay về Mỹ. Chính phủ Mỹ không còn phải lo lắng việc đồng USD mất giá nhanh như trước.

Trên thực tế, ngoài việc Petrodollars và nợ công của Mỹ cùng hỗ trợ đồng USD, hai thể chế được giữ lại sau khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ là IMF và Ngân hàng thế giới (WB) cũng giúp đồng USD lấy lại vị trí thống trị trên thị trường quốc tế.

Trong rổ tiền tệ SDR được IMF xây dựng sau đó, đồng USD chiếm tỷ trọng lên đến 70%. Mỹ cũng là cổ đông lớn nhất của WB và có quyền phủ quyết về các vấn đề quan trọng của hai tổ chức này. Bên cạnh đó, các khoản cho vay thông qua cơ chế của IMF và WB đều sử dụng USD làm cơ sở để định giá. Điều này khiến đồng USD tiếp tục được các nước vay nợ ủng hộ rộng rãi.

Các nước BRICS đang hướng đến việc đưa ra đồng tiền mới nhằm cạnh tranh với đồng USD. (Nguồn: Chinadaily.com.cn)

Các nước BRICS đang hướng đến việc đưa ra đồng tiền mới nhằm cạnh tranh với đồng USD. (Nguồn: Chinadaily.com.cn)

Công cụ duy trì sức mạnh

Đồng "Petrodollar" dù gắn chặt với “bản vị dầu mỏ” nhưng nguồn tài nguyên này lại nằm trong nay nước khác. Để giám sát việc sử dụng đồng USD trong quá trình lưu thông, năm 1974, ba năm sau khi Bretton Woods kết thúc, Mỹ lập nên Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Mặc dù SWIFT là một tổ chức phi lợi nhuận trung lập, nhưng về cơ bản, các giao dịch qua hệ thống này đều sử dụng USD làm công cụ thanh toán. Trong khi các loại tiền giao dịch khác thông qua SWIFT với số lượng không nhiều, do đó trên thực tế dòng tiền lưu chuyển qua hệ thống này vẫn được Mỹ kiểm soát và chi phối.

Việc đồng USD được giao dịch rộng rãi và dự trữ chủ yếu trong các nền kinh tế cũng khiến nhiều quốc gia gặp phải vấn đề. Khi USD tăng giá đồng nghĩa với việc các đồng tiền khác mất giá, dẫn đến lạm phát. Ngược lại, khi đồng USD mất giá lại khiến đồng tiền khác tăng giá, có lợi cho sự quản lý ở các nền kinh tế khác. Do các mặt hàng chiến lược đều sử dụng đồng USD để định giá, nên khi đồng tiền này mất giá sẽ làm giá cả tăng lên, kéo theo lạm phát nhập khẩu lan rộng.

Việc Fed kiểm soát việc in tiền nhưng Bộ Tài chính Mỹ lại sử dụng đồng USD để cho vay khiến ngân hàng trung ương các nước vay nợ buộc phải mua trái phiếu Mỹ. Trong trường hợp đồng USD mất giá, các quốc gia vay nợ thông qua trái phiếu chính phủ Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận bị giảm sút tài sản dự trữ.

Mỹ có thể sử dụng SWIFT để ngăn cản các nước bị trừng phạt sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế, thậm chí loại các “quốc gia không thân thiện” ra khỏi SWIFT. Thêm vào đó là các yêu cầu cải cách chính sách, “viên thuốc đắng” đối với một số nước đang phát triển qua các khoản vay của IMF và cảnh báo thường xuyên đối với những nước này.

Vì những lý do trên, nhu cầu tìm kiếm cơ chế thanh toán không dựa trên USD ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với sức mạnh kinh tế và vai trò địa chính trị của nước Mỹ, ảnh hưởng và vị thế của đồng USD vẫn rất khó để thay thế. Hiện nay, Mỹ là nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn trên thế giới, đứng đầu thế giới về lượng vàng dự trữ với hơn 8.000 tấn, có năng lực đổi mới công nghệ mạnh mẽ. Chức năng chi phối thị trường của đồng USD vẫn rất mạnh. Trong số 81 loại giá nguyên vật liệu do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố, chỉ có năm loại không được định giá bằng USD.

Về phương diện lưu thông, theo thống kê của SWIFT, trong thanh toán quốc tế hiện nay, thị phần của đồng USD là 41,1%; trong tài trợ thương mại xuyên biên giới, tỷ trọng đồng USD lên đến 84,32%; trong giao dịch ngoại hối toàn cầu, đồng USD chiếm 88%; trong hoạt động giao dịch tài chính, 47% nợ quốc tế được định giá bằng đồng USD và có tới 58% dự trữ quốc tế là tài sản được định giá bằng đồng USD. Xét về tỷ trọng các chỉ số trên, đồng USD đều đứng đầu.

Trong bối cảnh như vậy, mặc dù nhiều nền kinh tế đang nỗ lực “phi USD hóa”, nhưng chừng nào các nền kinh tế phát triển còn sử dụng đồng USD trong đầu tư và thương mại song phương, thì nỗ lực này của các nước, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi vẫn gặp phải những hạn chế. Chắc chắn, trong một thời gian dài nữa, đồng USD vẫn là đồng tiền có vị trí hàng đầu trong thương mại và dự trữ của thế giới.

Đọc thêm