'Liều thuốc mạnh'với thị trường bất động sản

(PLVN) - “Thị trường bất động sản (BĐS) cần những “liều thuốc mạnh” và thực chất hơn”, là kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp vừa diễn ra về tình hình thị trường BĐS.
Ảnh minh hoạ.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, thời gian qua, giá BĐS tiếp tục xu hướng tăng, đặc biệt xuất hiện tình trạng tăng giá nhanh cục bộ tại một số địa phương sau thông tin sáp nhập, đặt cơ quan hành chính mới. Nguồn cung BĐS vẫn mất cân đối về cơ cấu, giá tăng cao, nên chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân. Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, thời gian thực hiện trình tự, thủ tục kéo dài. Một số DN BĐS gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn triển khai dự án.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận thị trường BĐS tồn tại nhiều vướng mắc kéo dài, “lúc thì đóng băng, lúc lại sốt nóng bất thường” dẫn tới biến động lớn về giá cả và gây ảnh hưởng dây chuyền tới tín dụng, tài chính. Hiện nay, thị trường BĐS vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn.

Mặc dù Chính phủ và Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo và đề xuất giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo nào rõ ràng được trình bày. Nhiều vấn đề tồn tại vẫn chưa được giải quyết. Nhiều cuộc họp, hội thảo đã được tổ chức, nhiều kết luận đã được ban hành, nhưng thực tế cho thấy chuyển biến rất chậm. “Thị trường BĐS cần những “liều thuốc mạnh” và thực chất hơn”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tại cuộc họp, một số biện pháp cụ thể đã được lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, giao nhiệm vụ cụ thể. Đó là các Bộ: Xây dựng, Tài chính, NN&MT phối hợp rà soát toàn bộ quy trình liên quan phát triển nhà ở; bố trí nguồn tín dụng; làm rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh.

Với thủ tục đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Tài chính rà soát, tiếp tục đơn giản hóa các bước. Thủ tục nào chưa cắt được thì chỉ rõ lý do, vướng mắc ở đâu và kiến nghị sửa đổi ở mức nghị định hay luật. Bộ NN&MT khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu giá đất đến 2026, tiến tới áp dụng một giá đất (không còn chênh lệch giữa giá thực và giá kê khai) để bảo đảm minh bạch, công bằng, xử lý hiện tượng “thổi giá” và đầu cơ. Bộ Xây dựng thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về cung - cầu nhà ở, BĐS, làm cơ sở dự báo và điều tiết thị trường. Không để tình trạng thiếu công khai dẫn đến đầu cơ, “thổi giá”, gây rối loạn thị trường. Nhà nước cũng cần có chế tài mạnh như thu hồi đất, tăng thuế.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp đánh giá nợ xấu liên quan BĐS, có giải pháp xử lý phù hợp. Với DN BĐS không còn khả năng phục hồi thì cần tính đến phương án xử lý tài sản thế chấp, như bán lại, hoặc chuyển giao nhà đầu tư mới có năng lực, thậm chí chuyển thành dự án nhà ở xã hội.

Trong bối cảnh một số nghiên cứu cho rằng tốc độ tăng giá BĐS ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong khi khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng giảm, là một thực trạng rất đáng lo ngại; những quan điểm chỉ đạo, biện pháp cụ thể như nêu trên của lãnh đạo Chính phủ là vô cùng cần thiết. Dứt khoát phải hạn chế đến mức tối đa tình trạng tiền đổ vào đầu cơ nằm trong BĐS, phải tăng cơ hội có nhà cho mọi người; vừa góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh tế - xã hội, vừa đạt mục tiêu nhà đất cho người có nhu cầu thực.

Đọc thêm