'Liều thuốc' mới có điều trị hữu hiệu 'bệnh' trục lợi bảo hiểm?

(PLO) - Trục lợi bảo hiểm (BH) đang là vấn đề báo động. Tuy nhiên, từ cơ chế hành chính, dân sự cho đến hình sự hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong việc xử lý, từ đó ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp BH cũng như của những khách hàng đang có hợp đồng BH. 
'Liều thuốc' mới có điều trị hữu hiệu 'bệnh' trục lợi bảo hiểm?

Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung hành vi trục lợi BH như một tội danh hình sự có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù. Liệu đây có phải là “liều thuốc” hữu hiệu để “đặc trị căn bệnh” đang phổ biến này? Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, các trường hợp cố ý trục lợi từ BH diễn ra rất đa dạng ở hầu hết các loại hình BH, như BH về tài sản (công trình xây dựng, ô tô, xe máy…); BH về sức khỏe, tính mạng con người; BH về trách nhiệm nghề nghiệp… 

Kỳ vọng vào “phương thuốc” mới

Thưa Luật sư, trục lợi BH gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng mỗi năm mà chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe. Vừa qua, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung hành vi trục lợi BH như một tội danh hình sự có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù. Liệu đây có phải là “liều thuốc” hữu hiệu để “đặc trị căn bệnh” đang phổ biến này?

- Theo quy định tại Điều 213 của Bộ luật Hình sự năm 2015, dự kiến có hiệu lực thực hiện trong năm tới đây thì hành vi gian lận trong kinh doanh BH có chế tài xử phạt bằng tiền cao nhất là 300 triệu đồng và hình phạt tù với mức cao nhất là 7 năm tù giam. Tôi cho rằng việc đưa các hành vi liên quan đến trục lợi về BH quy định trong Bộ luật Hình sự là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều năm vừa qua hiện tượng trục lợi BH đã diễn ra phổ biến với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt gây ảnh hưởng xấu đến môi trường hoạt động lành mạnh của ngành BH, gây thất thoát, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp BH. 

Quy định hiện hành chỉ cho phép xử lý hành chính đối với đại đa số hành vi trục lợi BH bị phát hiện sớm chưa chi trả quyền lợi BH nên chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm. Vì vậy, chế tài xử lý về hình sự đối với các hành vi trục lợi về BH sẽ ngăn chặn và xử lý có hiệu quả đối với các vi phạm phổ biến như: Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi BH để giải quyết bồi thường BH, trả tiền BH trái pháp luật; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền BH khi sự kiện BH đã xảy ra; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền BH; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi BH …

Luật sư Hà trả lời phỏng vấn.
Luật sư Hà trả lời phỏng vấn.

Với mức phạt tù cao nhất là 7 năm tù giam cho hành vi trục lợi BH, một số ý kiến cho rằng, chế tài trên vẫn còn nhẹ, cần tăng hình phạt cao hơn nữa. Quan điểm của Luật sư thế nào?

- Hiện Bộ Luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực thực hiện, các điều luật quy định về tội phạm liên quan đến lĩnh vực BH như Điều 213 về “Tội gian lận trong kinh doanh BH”, Điều 214 về “Tội gian lận BH xã hội, BH thất nghiệp”, Điều 215 về “Tội gian lận BH y tế”… chưa có thực tế để kiểm nghiệm, đánh giá xem mức phạt tiền là nặng hay nhẹ, hình phạt tù là cao hay thấp. Việc nhà làm luật quy định mức hình phạt áp dụng đối với mỗi tội phạm là cao hay thấp, nhiều hay ít phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả gây ra cho xã hội nói chung và người bị hại nói riêng. 

Vì chưa có hiệu lực thực hiện nên việc đánh giá việc áp dụng mức hình phạt cao hay thấp vào thời điểm hiện nay là quá sớm, chưa có cơ sở để đưa ra ý kiến về vấn đề này.

Gian lận BH là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, bởi vậy việc điều chỉnh bằng luật hình sự là cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Nhưng để hạn chế hành vi này, các cơ quan chức năng cần có biện pháp gì để ngăn chặn, thưa Luật sư?

- Việc phòng, chống, hạn chế các hành vi gian lận trong lĩnh vực BH là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm chính từ các doanh nghiệp kinh doanh BH, các cơ quan chức năng quản lý về BH từ cấp quận, huyện đến cấp tỉnh và Trung ương. Trong đó cơ quan thẩm định chi trả, thanh toán chế độ BH có vai trò đặc biệt quan trọng bởi lẽ đây là đơn vị có đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan, có điều kiện tìm hiểu rõ xác định được tính chính xác hay không chính xác, tính hợp lệ hay không hợp lệ của từng hồ sơ yêu cầu BH trong phạm vi quản lý của mình.

Để việc phòng, chống, hạn chế tình trạng trục lợi BH có hiệu quả, theo tôi phải có những giải pháp mang tính tổng thể, phải có sự đồng tâm góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi công dân. Cụ thể, đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cần tiếp tục lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia, luật sư để sửa đổi, bổ sung các quy định về chế tài xử lý, mức xử phạt vi phạm đối với hành vi trục lợi BH theo hướng sát với tình hình thực tiễn, tăng mức xử phạt tiền để đạt được mục tiêu răn đe, phòng ngừa và giáo dục chung trong xã hội.

Đối với cơ quan thẩm định chi trả, thanh toán chế độ BH phải kiên quyết lập hồ sơ xử lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trục lợi về BH. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm hình sự thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra có thẩm quyền, đề xuất xử lý hình sự đối với các trường hợp có hành vi trục lợi BH.

Khách hàng bị phụ thuộc vào hợp đồng soạn sẵn?

Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến số vụ gian lận nhằm trục lợi BH hiện nay đang gia tăng là do qui trình thanh toán BH còn lỏng lẻo. Theo Luật sư, đây có phải là kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng?

- Theo quan điểm của riêng tôi, quy trình thanh toán chế độ BH lỏng lẻo không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gian lận BH gia tăng trong thời gian vừa qua. Chúng ta thường hay đỗ lỗi cho quy trình thiếu, quy trình yếu, quy trình lỏng lẻo nhưng lại quên đi nguyên nhân chủ quan xuất phát từ yếu tố con người. Quy trình có chính xác, có đầy đủ bao nhiêu đi chăng nữa nhưng người thực hiện, người vận hành lại cố tình làm sai lệch, hiểu méo mó… thì vẫn luôn làm không đúng hoặc không đầy đủ để lại hậu quả xấu cho xã hội.

Năm 2013 tôi đã được tham gia nhóm các luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam rà soát, sửa đổi, bổ sung, loại bỏ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHYT, BHXH. Tôi đánh giá quy trình thanh toán BHYT, BHXH hiện nay là rất chặt chẽ. Quy trình giải quyết yêu cầu BH của các doanh nghiệp kinh doanh BH trong nước và doanh nghiệp BH nhân thọ của nước ngoài tại Việt Nam cũng rất chặt chẽ, khó có kẽ hở lớn cho các đối tượng trục lợi BH. Tuy nhiên thủ đoạn của các đối tượng trục lợi BH ngày càng chuyên nghiệp hơn, tinh vi hơn nên các doanh nghiệp BH khó tránh khỏi bị thiệt hại về kinh tế do hành vi gian dối có chủ đích gây ra.

Câu hỏi này liên quan đến quyền lợi thụ hưởng của người mua BH: đứng trên phương diện pháp luật thì vì sao khách hàng khi mua BH lại không được tham gia vào quá trình soạn thảo, điều chỉnh Quy tắc và Điều khoản sản phẩm BH trong hợp đồng BH của mình mà vấn đề này lại phụ thuộc vào doanh nghiệp kinh doanh BH, thưa Luật sư?

- Hợp đồng BH là sự thỏa thuận giữa bên mua BH và doanh nghiệp BH, theo đó bên mua BH phải đóng phí BH, doanh nghiệp BH phải trả tiền BH cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được BH khi xảy ra rủi ro thuộc phạm vi BH.

Theo khía cạnh pháp lý, bản chất Hợp đồng BH là một loại hợp đồng dân sự tuân thủ nguyên tắc tự do thỏa thuận giữa các bên tham gia giao kết hợp đồng với nhau. Khách hàng hoàn toàn có quyền tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung ý kiến của mình vào hợp đồng do doanh nghiệp kinh doanh BH đưa ra trên nguyên tắc hợp tác, thiện chí, bình đẳng và tuân thủ pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Quy tắc BH và điều khoản sản phẩm là các quy định, văn bản mang tính đặc thù riêng của từng doanh nghiệp kinh doanh BH; thể hiện triết lý kinh doanh và bí quyết kinh doanh riêng của doanh nghiệp BH đó, của từng sản phẩm riêng biệt và mang tính khuôn mẫu được áp dụng chung đối với mọi khách hàng. Vì vậy, việc mỗi khách hàng đơn lẻ lại có yêu cầu tham gia vào quá trình soạn thảo, điều chỉnh các văn bản đặc thù riêng đó của doanh nghiệp BH là điều không thể thực hiện được.

Xin cảm ơn Luật sư!

Đọc thêm