Muôn kiểu trục lợi bảo hiểm xe cơ giới

(PLO) - Nhiều vụ tai nạn xảy ra vào mùa đông, nhưng bản ảnh hiện trường trong hồ sơ thì cảnh sát giao thông lại mặc áo cộc tay; xe lao xuống vực, bung túi khí nhưng lái xe không hề hấn gì, cây cỏ xung quanh cũng không hề giập nát... chỉ là 2 trong vô vàn chiêu trò nhằm trục lợi bảo hiểm xe cơ giới./.
Cảnh sát giao thông kiểm tra bảo hiểm của chủ xe
Cảnh sát giao thông kiểm tra bảo hiểm của chủ xe
Doanh nghiệp bảo hiểm không tự bảo vệ được mình
Thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, năm 2008, tổng số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới mới chỉ hơn 150 tỷ đồng, nhưng năm 2013 con số này đã tăng hơn 300 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã phát hiện hàng chục vụ đòi bảo hiểm có nhiều dấu hiệu bất thường. Tình trạng trục lợi bảo hiểm xe cơ giới đang gia tăng cả về số lượng lẫn quy mô. Nhưng nghiêm trọng hơn đó là tính chất của hành vi trục lợi ngày càng tinh vi và được sắp xếp có hệ thống. 
Sau hơn 7 năm kinh doanh liên tục thua lỗ với mức lỗ lên tới cả nghìn tỷ đồng mỗi năm, bảo hiểm xe cơ giới - một loại hình bảo hiểm bắt buộc hiện vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi tình cảnh này.  Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thời gian qua đã chỉ ra nhiều lý do dẫn đến sự thua lỗ, trong đó có một lý do quan trọng là các doanh nghiệp bảo hiểm không thể kiểm soát được tình trạng trục lợi bảo hiểm của các chủ xe cơ giới. 
Liên Bộ Tài chính - Công an thậm chí đã có hẳn một Thông tư liên tịch trong đó có quy định về việc phối hợp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi trục lợi và gian lận bảo hiểm. Thế nhưng, vi phạm này vẫn diễn ra khá phổ biến với hình thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi với số tiền thiệt hại hàng năm ước tính từ 300 đến 500 tỷ đồng. 
Ông Vũ Chí Huy, Phó Tổng Giám đốc Hội sở phía Bắc Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) nhận định: Tình hình gian lận bảo hiểm xe cơ giới ngày càng tăng về số lượng với những hình thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn. Chỉ giở qua vài tập hồ sơ, ông Huy đã dẫn ra một loạt vụ trục lợi bảo hiểm tinh vi mà GIC kịp thời “phanh” lại. 
Ông Huy vẫn nhớ như in trường hợp một xe ô tô bị tai nạn ngày 26/12/2011 tại Khu công nghiệp Như Quỳnh, Hưng Yên. Theo khai báo là do lái xe không quan sát tốt nên lùi xuống mương thoát nước trong công ty. Khi xảy ra tai nạn, lái xe không thông báo cho bảo hiểm và khai là không biết xe có tham gia bảo hiểm. Đến khi xe được kéo về Hyundai Bắc Việt, giám định viên của GIC đã xuống kết hợp với khách hàng để giám định. 
Bằng nghiệp vụ, giám định viên đã phát hiện xe bị bó máy và cháy máy do xe bị hết dầu, khách hàng muốn trục lợi bảo hiểm nên đã khai báo sai sự thật và đổ nước vào máy tạo hiện trường giả, trong khi chi phí sửa chữa và thay thế cho xe này lên tới 70 triệu đồng. 
Trường hợp khác, một xe biển 98A bị tai nạn ngày 27/05/2012 tại đoạn cánh đồng 3 Cây, Việt Tiến, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Theo khai báo của lái xe thì nguyên nhân dẫn tới tai nạn là do trời tối, đường trơn, lái xe mất lái nên đã lao xuống mương và bị lật ngược xe. 
Căn cứ vào lời khai và trình báo của lái xe, Công ty bảo hiểm nghi vấn vụ tai nạn trên nên cử cán bộ Phòng Kinh doanh xuống địa điểm để xác minh lại vụ việc. Sau khi xác minh, phát hiện ra lái xe trong vụ tai nạn là một người không có bằng lái. Sau khi đấu tranh cùng khách hàng, khách hàng đã thừa nhận sự việc. Chi phí sửa chữa thay thế cho chiếc xe 98A lên tới  230 triệu đồng. 
Đây là những trường hợp trục lợi “vụng về” bị bảo hiểm phát giác. Còn trong nhiều trường hợp, những hồ sơ được gửi đến công ty bảo hiểm thường đã “hoàn hảo” và cán bộ bảo hiểm dù có kinh nghiệm đến đâu cũng khó lòng phát hiện sơ hở. 
Hòa cả làng
Hiệp hội Bảo hiểm phản ánh, các công ty bảo hiểm đã phát hiện nhiều trường hợp chủ xe cấu kết với xưởng hoặc gara sửa chữa xe để khai tăng giá sửa chữa hoặc thay mới khi không cần thiết, ghi khống hạng mục sửa chữa… để trục lợi. Ông Vũ Chí Huy nhận định: “Khách hàng thuộc diện này thường là những người rất am hiểu Luật và nghiệp vụ bảo hiểm để hợp lý hóa ngày tai nạn, thay đổi tình tiết, tạo hiện trường giả, khai tăng số tiền tổn thất, lập hồ sơ khiếu nại nhiều lần, cố ý gây tai nạn...”. 
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người được bảo hiểm thông đồng, cấu kết với những bên liên quan để làm sai lệch hồ sơ vụ việc. Đặc biệt, có cả  những nhân viên, đại lý bảo hiểm cũng tiếp tay cho chủ xe gian lận. Theo ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới hàng năm vào khoảng 15% tổng mức bồi thường. Đại diện các đơn vị bảo hiểm đều cho rằng, hiện tượng gian lận, trục lợi bồi thường bảo hiểm tuy rất phổ biến và đang biến tướng thành một dạng tội phạm có tổ chức nhưng doanh nghiệp bảo hiểm lại không nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của một số cơ quan chức năng. 
Nguyên nhân của tình trạng này là do hiện nay, nếu phát hiện đối tượng nào trục lợi bảo hiểm thì công ty bảo hiểm chỉ có thể khép hồ sơ, không trả bảo hiểm chứ cũng không có cớ gì để làm to chuyện. Tức là nếu không phát hiện ra thì doanh nghiệp bảo hiểm “tiền mất, tật mang”, còn nếu phát giác hành vi trục lợi thì tất cả đều “hòa cả làng”, chẳng ai làm sao cả. 
Để tự bảo vệ mình, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tự chỉ cho nhau các “bí kíp” phát hiện hồ sơ giả mạo, đồng thời siết chặt quy trình nghiệp vụ. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ hữu hiệu được phần nào mà thôi.

Đọc thêm