Linh hoạt cung cấp tín dụng nhưng không hạ chuẩn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã được đẩy nhanh nhưng số liệu cập nhật đến ngày 13/12/2023 cho thấy tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với định hướng điều hành 14% trong năm nay… Tại Thông báo mới đây, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng nhưng không được hạ chuẩn tín dụng.
Tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh nhưng còn thấp so với cùng kỳ 2022. (Ảnh minh hoạ/Phạm Hùng)
Tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh nhưng còn thấp so với cùng kỳ 2022. (Ảnh minh hoạ/Phạm Hùng)

Vì sao tăng trưởng tín dụng thấp?

Thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 diễn ra mới đây, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 13/12, tín dụng đã tăng 9,87% so với cuối năm 2022. So với số liệu cập nhật trước đó (đến 31/10 tăng 7,39% so với cuối năm 2022) thì tốc độ tăng trưởng tín dụng đã nhanh hơn song vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành (15%).

Theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, trong 6 nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này của năm 2023 vẫn còn thấp có nguyên nhân do: Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DN nhỏ và vừa (DNNVV); Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, DN khó chứng minh hiệu quả, tổ chức tín dụng (TCTD) rất khó khăn trong quyết định cho vay…

Tại Thông báo 527/TB-VPCP ngày 18/12/2023 của Văn phòng Chính phủ, trong rất nhiều nguyên nhân được Thủ tướng đề cập đến, người đứng đầu Chính phủ cho rằng nguyên nhân từ phía DN và người dân là: Một số DN có nhu cầu vay, nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay, nhất là nhóm DNNVV gặp khó khăn; Mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả; Quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng thương mại còn thiếu linh hoạt trong khi phải bảo đảm, kiểm soát các tiêu chuẩn tín dụng theo quy định, không hạ chuẩn tín dụng…

Điều hành tín dụng cần kịp thời, linh hoạt

Tại Thông báo 527/TB-VPCP, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ là các TCTD cần phải bám sát, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ SXKD, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, ban hành các cơ chế chính sách tín dụng phải sát với tình hình theo tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chủ thể liên quan, không duy ý chí, bảo thủ và không chủ quan, lơ là, thiếu thực tế.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các chủ thể có liên quan từ Chính phủ đến các Bộ, ngành,NHNN, các TCTD, DN, người dân phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức đồng lòng, càng khó khăn phải càng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau…

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng. “Không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh việc điều hành thông qua các công cụ theo nguyên tắc thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ các công cụ mang tính hành chính trong điều hành và quản lý hệ thống các TCTD…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, lời giải cho “bài toán” này không chỉ với riêng ngành Ngân hàng, song vẫn còn dư địa để ngành này cải cách bởi thực tế hồ sơ cho vay hiện vẫn còn phức tạp, khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà; Lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của DN, nhất là lãi suất cho vay.

Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng tiêu cực, sở hữu chéo tại các TCTD, nhất là việc cấp tín dụng, lãi suất ưu đãi cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các ngân hàng thương mại.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), TS Nguyễn Quốc Hùng nhận định: "Ngân hàng có thể chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nhưng không thể hạ chuẩn điều kiện cho vay. Mọi điều kiện, nguyên tắc, thủ tục cho vay phải đáp ứng thì DN mới tiếp cận được vốn vay".

Theo đại diện VNBA, 10 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành Ngân hàng đạt trên 7%, nhưng riêng đối với lĩnh vực xuất NK là 11,61%, cao hơn so với năm 2022 và so với cùng kỳ năm 2022.

“Chính phủ cũng như ngành Ngân hàng đã tháo gỡ khó khăn, dành hẳn một nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho lĩnh vực này, chẳng hạn như gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Trong giai đoạn hiện nay, các DN đáp ứng đủ điều kiện hoàn toàn có thể tiếp cận được nguồn vốn này…” - ông Hùng khẳng định.

Nhắc lại việc không thể hạ chuẩn tín dụng, nhưng các điều kiện, nguyên tắc để bảo đảm có thể là hậu kiểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, có thể cho vay nhưng kiểm tra sau và có một thái độ rất nghiêm khắc khi DN sử dụng vốn không đúng mục đích…

Đọc thêm