Giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo một số quan điểm đánh giá, việc tiếp cận vốn tín dụng hiện nay rất khó khăn. Việc khó vay vốn xảy ra không chỉ với người dân có nhu cầu mà ngay cả với một số DN đang thực hiện dự án đầu tư công. Và cũng do vậy, ở một số nơi, “tín dụng đen” vẫn còn hoành hành.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Tăng trưởng tín dụng 11 tháng năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa kịp thời theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, là đánh giá tại Thông báo số 527/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi.

Tại văn bản này, Chính phủ lưu ý, tín dụng cho vay trung và dài hạn tiếp tục gặp khó khăn; tăng trưởng tín dụng còn thấp, mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, DN tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn, trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng là rất lớn... Đó là chưa nói đến chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là khoản 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội.

Nguyên nhân có cả hai phía, tổ chức tín dụng (cho vay) và DN, người dân (có nhu cầu vay).

Với các tổ chức tín dụng thì lãi suất cho vay mặc dù đã giảm, song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của DN, với người có nhu cầu vay vốn, không đáp ứng được điều kiện cho vay, nhất là nhóm DN vừa và nhỏ.

Đi vay để cho vay là nghiệp vụ thông thường của tổ chức tín dụng; do vậy, tổ chức tín dụng nào cũng lo lắng về nợ xấu. Tuy nhiên, điều đáng lo là hiện tượng tiêu cực, sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, nhất là việc cấp tín dụng, lãi suất ưu đãi cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các ngân hàng thương mại vẫn còn đó; hồ sơ cho vay vẫn còn phức tạp, khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà; công tác điều hành tín dụng chưa kịp thời, linh hoạt.

Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhắc đến tinh thần kịp thời, ứng phó và phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả. Đáng tiếc, trong lĩnh vực tín dụng, trên thực tế vẫn còn sự chủ quan, lơ là.

Vụ án tại SCB vừa được hoàn tất kết luận điều tra cho thấy, với lĩnh vực ngân hàng phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng; nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Kỳ vọng cuộc thanh tra đầu tháng 12 do Thanh tra Chính phủ thực hiện về việc quản lý, giám sát tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong hai năm 2022 và 2023 sẽ chỉ ra được nhiều vấn đề cần chấn chỉnh trong điều hành hoạt động tín dụng.

Đọc thêm