Linh hoạt xử lý hành chính với đối tượng nghiện ma túy là người chưa thành niên

(PLVN) - Chiều 4/2, Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo về những nội dung lớn, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Cùng dự, có Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ.

Báo cáo một số nội dung lớn, Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn nêu các ý kiến khác nhau xung quanh việc bổ sung thẩm quyền xử phạt cho các chức danh mới chưa được quy định trong Luật XLVPHC hay cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm chính là áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC)

Theo đó, dự án Luật sẽ sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các BPXLHC: Quy định cụ thể các hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; rà soát, bỏ các hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà Bộ luật Hình sự đã quy định “nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đồng thời, làm rõ hơn quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng”, thống nhất trong cách áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; loại trừ việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy; bỏ quy định về việc đối tượng phải vi phạm “02 lần trong 06 tháng” là điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc để tránh kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp này…

Cục trưởng Đặng Thanh Sơn báo cáo một số nội dung lớn
Cục trưởng Đặng Thanh Sơn báo cáo một số nội dung lớn 

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng các BPXLHC nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc; sửa đổi các quy định tại khoản 1 Điều 98, khoản 3 Điều 99, khoản 3 Điều 101 và khoản 3 Điều 103 của Luật hiện hành liên quan đến thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các BPXLHC theo hướng cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ.

Trong đó, riêng đối tượng áp dụng là người chưa thành niên cần lưu tâm để xử lý phù hợp. Ông Sơn cho biết, theo Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, Việt Nam phải tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng cũng cần tính đến với hoàn cảnh của Việt Nam trước thực trạng trẻ hóa người nghiện. Bối cảnh hiện nay rõ ràng chúng ta chưa thể từ bỏ cai nghiện bắt buộc bởi nếu chỉ có cai nghiện tại cộng đồng dễ ảnh hưởng không tốt đến xã hội.

Ông Sơn đề xuất bổ sung điều khoản áp dụng với đối tượng đặc biệt này như: trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu thì xử phạt, lần 2 hoặc 3 thì giáo dục tại xã, phường, thị trấn,, còn sau đó tiếp tục “lún” sâu thì phải cai nghiện bắt buộc, tập trung.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc 

Tại cuộc họp, các ý kiến đã phát biểu nhiều vấn đề khác nhau. Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Vũ Văn Đoàn đề nghị có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu là tài sản công khi Luật XLVPHC và Luật Đấu giá tài sản chưa đồng bộ với nhau. Về biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề có thời hạn, theo ông Đoàn, vấn đề không lớn nhưng sửa như dự thảo sẽ khó khăn khi triển khai, nhất là phải trả lại giấy phép thì ai sẽ chịu trách nhiệm trả lại, nên chăng có thể xử lý bằng thông báo công khai áp dụng biện pháp này.

Từ thực tiễn thanh tra chuyên ngành, Phó Chánh Thanh tra Bộ Đoàn Văn Hường phản ánh, khi các đoàn thanh tra chuyên ngành về địa phương thông thường phải mất 10 – 15 ngày làm việc nên hay bị vi phạm về thời hạn, đòi hỏi sửa đổi, bổ sung về thời hạn, đáp ứng yêu cầu của công tác thanh tra. Đối với tình tiết vi phạm nhiều lần, ông Hường đề xuất trừ trường hợp Chính phủ quy định còn không tới đây cần bỏ tình tiết tăng nặng này và sửa ngay trong Điều 3 của Luật, để không phát sinh trường hợp khó hiểu, áp dụng sai nguyên tắc.

Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu kết luận
 Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu kết luận

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu đơn vị chủ trì tập trung các vấn đề sửa đổi, bổ sung theo 3 chính sách lớn hoặc thành các nhóm vấn đề theo Tờ trình. Mỗi nhóm vấn đề lại có những vấn đề cụ thể như tái phạm, vi phạm nhiều lần; tăng mức phạt, thẩm quyền xử phạt để làm rõ điểm mới so với hiện hành, nắm sâu thêm về nội dung sửa đổi, bổ sung.

Lưu ý cân nhắc một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng cũng quan tâm đến thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các BPXLHC. Theo Bộ trưởng, trong nhiều chuyến công tác, nhiều nơi phản ánh vướng mắc về thủ tục kiểm tra tính pháp lý này nên cần cố gắng xử lý, cũng là để đảm bảo công tác quản lý được tốt hơn.

Riêng BPXLHC với người dưới 18 tuổi, Bộ trưởng nhất trí trước hết đề xuất phương án để thảo luận, còn từ thực tế cần phải cung cấp thêm số liệu, thậm chí có thể phải tính đến việc đưa vào Luật Phòng, chống ma túy…

Đọc thêm