Văn hóa & Pháp luật

Linh thiêng Thăng Long tứ trấn đền Bạch Mã

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đền Bạch Mã có lịch sử hơn 1.000 năm, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê với 52 vị vua định đô tại Thăng Long, đến nay đền Bạch Mã là nơi chứng kiến đầy đủ nhất quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Đền Bạch Mã có lịch sử hơn 1.000 năm, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê với 52 vị vua định đô tại Thăng Long
Đền Bạch Mã có lịch sử hơn 1.000 năm, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê với 52 vị vua định đô tại Thăng Long

Ngựa trắng giúp Vua cách đắp thành

Đền Bạch Mã được xây dựng ở huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền thờ thần Long Đỗ - vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long, trấn giữ phía Đông (thành hoàng Hà Nội).

Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9 để thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) - vị thần gốc của Hà Nội cổ. Tương truyền, năm 1010, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần thành đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra... Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Thần được Vua Lý Thái Tổ phong làm Thành hoàng của kinh thành Thăng Long. Các triều sau đều theo đó, phong Thần là Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần.

Tượng Bạch Mã trong đền.

Tượng Bạch Mã trong đền.

Đền Bạch Mã có lịch sử hơn 1.000 năm, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê với 52 vị vua định đô tại Thăng Long, đến nay đền Bạch Mã là nơi chứng kiến đầy đủ nhất quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Đền Bạch Mã được nhân dân từ xưa tới nay tin rằng rất linh thiêng. Đến nay, trong đền còn lưu giữ bài thơ của Thái sư Trần Quang Khải ca ngợi về điều này: "Đại vương xưa nức tiếng oai linh/Nay mới hay rằng ma quỷ kinh/Lửa tụ ba khu không cháy miếu/Gió lay một trận chẳng nghiêng mình/Khiến sai bọn quỷ ba nghìn đứa/Đánh dẹp loài ma trăm vạn binh/Nhờ cậy dư uy trừ giặc Bắc/Giúp ngay đất nước được thanh bình".

Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỉ thứ 9, mang vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm với nền tường vàng, cánh cửa làm bằng gỗ đỏ được chạm khắc rồng vàng. Điểm nổi bật của nét kiến trúc bên trong ngôi đền là toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, bộ đỡ mái đều được làm theo đúng kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”, nét chạm khắc tỉ mỉ, chắc, khỏe...

Đền được xây theo hình chữ “Tam”, bên ngoài là phương đình 8 mái. Điểm đặc sắc của công trình kiến trúc này chính là hệ thống mái hình vỏ cua (hình mai con cua) liên kết giữa các hạng mục kiến trúc. Điều này tạo sự khép kín, liên hoàn, tăng thêm không gian cho di tích, tạo điểm nhấn khác biệt, hiếm thấy của di tích so với nhiều di tích vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Nhà đại bái đền Bạch Mã đặt áng thờ chế tác tinh xảo và được chạm khắc chi tiết rồng phượng sơn son thếp vàng. Đặc biệt các chi tiết đầu rồng, hoành phi, câu đối không chỉ thếp vàng rực rỡ mà còn vô cùng tinh xảo, sống động. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử to lớn như: 15 tấm bia văn ghi lại những điển tích, thần thoại xây dựng đền và nghi lễ cúng thần, các lần tôn tạo trong hơn 1000 năm qua. Ngoài ra còn có: Bia đá, sắc phong, hương án, độc bình, đôi phổng, chuông đồng hay kiệu rước, hạc thờ, đôi phỗng.

Trải qua hơn một nghìn năm, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được cảnh quan uy nghiêm và những dấu tích cổ hiếm thấy, mang những giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt. Năm 2010, công trình tu bổ tôn tạo di tích đền Bạch Mã được khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ giữ gìn cho con cháu mai sau một di sản văn hóa quý báu của cha ông mà góp phần tạo thêm nhịp cầu nối không gian lễ hội trên địa bàn thành phố nói riêng và trong cả nước nói chung.

Trong không gian linh thiêng ấy của đền Bạch Mã, giữa những nhộn nhịp của đất Hà thành, dường như đền Bạch Mã đã trở thành vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt vốn có của phố cổ, trở thành điểm đặc sắc chỉ riêng ở phố cổ Hoàn Kiếm, Hà Nội mới có.

Vị thần có công xây dựng và bảo vệ kinh thành Thăng Long

Lễ hội đền Bạch Mã thường tổ chức vào ngày 12-13 tháng 2 âm lịch thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tấm lòng thành kính với công đức của cha ông và tôn thờ thần Long Đỗ - tương truyền là vị thần đã có công trong việc xây dựng và bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Lễ rước theo nghi lễ truyền thống qua các tuyến phố như Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Chĩnh, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Lê Thạch, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường. Đi đầu là đội múa rồng, sư tử; tiếp đến là đội cờ, trống chiêng, sinh tiền, đánh bồng, bát âm; đội kiệu bát cống đền Bạch Mã với đầy đủ tàn, tán, lọng; đội tế nam quan phường Hàng Buồm.

Lễ rước kiệu đền Bạch Mã đã diễn ra trên nhiều tuyến phố cổ Hà Nội.

Lễ rước kiệu đền Bạch Mã đã diễn ra trên nhiều tuyến phố cổ Hà Nội.

Đặc biệt, trong đoàn rước còn mô phỏng Lễ tiến Xuân Ngưu - dâng Trâu mùa Xuân - một nghi thức quan trọng của Lễ hội đền Bạch Mã từ xa xưa, với hình ảnh mục đồng, mô hình trâu có kích thước bằng trâu thật, quan tri phủ và hai quan tri huyện thành Thăng Long, cùng các lính hầu.

Tiếp đó là 5 kiệu lễ vật gồm hương đăng, thanh bông hoa quả; kiệu long đình, kiệu võng và sau cùng là khối quần chúng gồm các cụ bô lão, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh, thiếu niên, học sinh, đại diện cho các tầng lớp nhân dân quận Hoàn Kiếm.

Sau lễ dâng hương tại đền Bạch Mã, đội sư tử và thần Trâu tiếp tục diễu hành từ đền về bờ sông Hồng làm lễ “hóa” tiến Xuân Ngưu theo nghi thức truyền thống.

Lễ hội còn có chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc như chầu văn, ca trù, chèo, quan họ; trình diễn võ thuật phục vụ nhân dân tại sân khấu ngoài trời và trong phương đình đền Bạch Mã.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị An, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đền Bạch Mã là một ngôi đền tọa lạc trong khu phố cổ Hà Nội, nơi thu hút sự tham gia thực hành tín ngưỡng của nhiều đối tượng người dân như: thương nhân, công chức, du khách, nơi có sự hiện diện của nhiều pho tượng minh chứng cho biết bao biến đổi các vị thần chủ, biết bao truyền thuyết về sự tích các vị thần của di tích này, nơi chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử và biến đổi văn hóa khiến ngôi đền này mở rộng quy mô từ thành hoàng làng đến thành hoàng đô phủ và thành hoàng quốc đô theo với đà phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian. Tất cả những thay đổi chính trị, xã hội từ bên ngoài tác động vào và những biến đổi văn hóa từ bên trong diễn ra làm nên diện mạo đa diện, chứa đựng khá nhiều bí ẩn của tín ngưỡng ở ngôi đền này.

Cũng theo PGS.TS Trần Thị An, theo dòng lịch sử, người dân Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng tạo nên cho mình một không gian thiêng độc đáo chứa đựng nhiều lớp đắp bồi của lịch sử và nhiều trầm tích văn hóa được lưu giữ tại đền Bạch Mã trong niềm tin tưởng của mình vào linh khí núi sông. Người dân đã sáng tạo nên các truyền thuyết kiến tạo nên các không gian thiêng, trong đó các vị thần chủ được ngưỡng vọng và thờ cúng.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã tập trung dành nguồn lực, huy động các nguồn lực xã hội để phát huy các di sản phi vật thể, khôi phục các phố nghề, tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm nhằm mục tiêu gìn giữ các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần của người dân gắn với phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển du lịch.

Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội cho bảo tồn các di sản văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa một cách bền vững, tạo nguồn lực để xây dựng thương hiệu du lịch quận Hoàn Kiếm có bản sắc, để Hoàn Kiếm là điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế; để thành phố Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, trung tâm sáng tạo có vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Đền Bạch Mã đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1986.

Ngày 18/6/2022, Quận Ủy – HĐND - UBND – UBMTTQ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn đền Bạch Mã. “Thăng Long tứ trấn” gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý, là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch, ngày đêm bảo vệ cho Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình. Đó là đền Bạch Mã trấn ở phía Đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.