‘Lính thủy đánh bộ’ ở dự án giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ý tưởng một Ban quản lý dự án (PMU) giao thông phải “đá” được nhiều “sân” đã có từ thời Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa. Tức một PMU chuyên ngành về đường bộ có thể điều hành dự án đường sắt, và các PMU hàng hải, đường thủy thì có thể tham gia quản lý các dự án đường bộ…
Ít việc, PMU các dự án đường thủy, giờ từng bước chuyển sang điều hành dự án đường bộ (trong ảnh: Kênh nối Đáy-Ninh Cơ, một dự án PMU này làm đại diện chủ đầu tư)
Ít việc, PMU các dự án đường thủy, giờ từng bước chuyển sang điều hành dự án đường bộ (trong ảnh: Kênh nối Đáy-Ninh Cơ, một dự án PMU này làm đại diện chủ đầu tư)

5 năm trước, khi Bộ GTVT thực hiện cuộc sắp xếp về mặt tổ chức lớn chưa từng có trong lịch sử các PMU, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa khi đó đã đưa ra ý tưởng nói trên với PMU Thăng Long - thời điểm Ban này vừa hợp nhất với PMU1, sinh ra một bộ máy hàng trăm con người nhưng việc làm rất ít.

Giám đốc PMU Thăng Long - ông Dương Viết Roãn lúc bấy giờ đã tuyên bố sẽ tìm kiếm và mở rộng việc làm sang lĩnh vực quản lý dự án đầu tư ngoài đường bộ như là đường sắt và đường thủy nội địa…

Tuy nhiên, chủ trương này chưa kịp triển khai thì một thời gian sau đó, các PMU thuộc Bộ GTVT bắt đầu rải rác có việc làm trở lại. Đặc biệt, sau khi Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chính thức khởi động, các PMU thuộc Bộ GTVT dường như bị “cuốn” theo đại công trường, với các hợp phần dự án thuộc tuyến đường bộ trị giá hơn 110 ngàn tỷ đồng.

Trên thực tế, chỉ 2 PMU chuyên ngành hàng hải và đường thủy là rơi vào cảnh trầm lắng vì ít dự án, thiếu việc làm.

Cụ thể, sau khi Dự án luồng sông Hậu giai đoạn 1 kết thúc, ở PMU Hàng hải vô cùng đìu hiu, thậm chí “chảy máu” chất xám nghiêm trọng, khi nhiều cán bộ kĩ sư lần lượt xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác.

PMU các dự án đường thủy cũng “đói” việc, nợ lương nhiều năm… vì ngoài Dự án kênh nối Đáy - Ninh cơ, Ban này chẳng có nhiều công trình để điều hành, triển khai sau thời điểm hợp nhất 2 PMU đường thủy phía Bắc, phía Nam từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về trực thuộc Bộ GTVT.

Mãi tới đầu năm 2022, Bộ GTVT mới chính thức để “lính thủy đánh bộ” khi ra quyết định chuyển giao Dự án cải tạo, mở rộng QL2 (đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì) từ PMU2 về PMU các dự án đường thủy để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, là gần thời điểm quyết định chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư dự án này về PMU các dự án đường thủy, Bộ GTVT đã điều động 2 nhân sự từ nơi khác về PMU các dự án đường thủy làm Phó Giám đốc PMU này. Trong số đó có một Phó Giám đốc được luân chuyển từ PMU2, do vị này đã đủ 2 nhiệm kỳ và không thể tiếp tục ở lại PMU2.

Luồng sông Hậu là một trong số ít dự án, PMU Hàng hải được giao đại diện chủ đầu tư trong thời gian gần đây

Luồng sông Hậu là một trong số ít dự án, PMU Hàng hải được giao đại diện chủ đầu tư trong thời gian gần đây

Với quyết định điều chuyển Dự án QL2 nói trên, Bộ GTVT muốn san việc để từng bước tạo sự đa năng, chuyên nghiệp trong quản lý dự án cho các PMU thuộc Bộ hay vì điều người nên phải điều việc đi theo?

Trao đổi với PLVN xung quanh vấn đề này, ông Dương Thanh Hưng - Giám đốc PMU các dự án đường thủy - cho biết, Ban ông nhân lực có hạn, bấy lâu quen điều hành các dự án dưới nước nên giờ được Bộ bố trí các công trình “vừa sức”.

“Ở lĩnh vực đường bộ, chúng tôi chỉ được giao các công trình quy mô như một số tuyến tránh hoặc như Dự án nâng cấp QL2 sắp được triển khai thôi”, Giám đốc Hưng nói.

Được biết, Dự án nâng cấp QL2 vừa chuyển về PMU các dự án đường thủy là đường bộ cấp III đồng bằng, tổng mức đầu tư gần 800 tỷ từ ngân sách nhà nước, thuộc nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đọc thêm