Lĩnh vực phân bón ngành Dầu khí: Vượt thử thách đạt kết quả ấn tượng

(PLVN) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có hai đơn vị chuyên sản xuất phân bón là Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) với thương hiệu Đạm Phú Mỹ và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) với thương hiệu Đạm Cà Mau. Năm qua, lĩnh vực sản xuất phân bón của PVN đã nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Người lao động tại Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau.
Người lao động tại Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau.

Khẳng định chất lượng phân Urê 

Sản xuất phân bón nằm trong lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN. Đây là một trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của PVN, mắt xích quan trọng tạo nên chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh của ngành Dầu khí Việt Nam từ khâu Tìm kiếm thăm dò, Khai thác - Khí - Điện - Chế biến - Phân phối sản phẩm và dịch vụ dầu khí, cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế đất nước.

Năm 2020, lĩnh vực phân bón của PVN dưới tác động kép do dịch bệnh và giá dầu suy giảm đã trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức. Ngoài ra, năm 2020 cũng là biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác nông nghiệp và thị trường nông sản, khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm mạnh. “Sức mua giảm, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng hoành hành khiến thị thường phân bón cạnh tranh ngày càng gay gắt”, đại diện PVN nói và cho biết, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng hai đơn vị phân bón của PVN đã biết cách khắc phục, vượt qua thử thách để có kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng, góp phần vào sự thành công chung của PVN trong năm 2020. 

Trong năm vừa qua, Đạm Phú Mỹ do tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi khi giá nguyên liệu giảm cùng các thời cơ của thị trường, sản lượng sản xuất và kinh doanh sản phẩm chủ lực Urê Phú Mỹ vượt kế hoạch năm. Trong đó sản lượng sản xuất đạt 868.000 tấn, đạt 111% kế hoạch năm 2020; sản lượng tiêu thụ đạt 807.000 tấn, đạt 103% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 840 tỷ, nộp ngân sách nhà nước đạt 279 tỷ đồng, đạt 175% kế hoạch.

Theo PVFCCo, một điểm sáng nổi bật khác của đơn vị này trong năm qua  là công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm tiết giảm tối đa các chi phí về quản lý, giá thành sản phẩm được chỉ đạo, thực hiện tốt. Kết quả, tổng giá trị tiết kiệm năm 2020 trong toàn PVFCCo ước 417 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Đạm Phú Mỹ, năm 2021, mục tiêu sản lượng của đơn vị này là đạt 766.000 tấn Urê Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ đạt 150.000 tấn…. Ngoài ra, năm 2021, PVFCCo có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2021 đạt 7.859 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 419 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 355 tỷ đồng.

Tận dụng giá khí thấp để giảm giá thành

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau mới đây, ông Văn Tiến Thanh – Tổng Giám đốc PVCFC cho biết, năm 2020, Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất duy trì ở mức 110% công suất và là lần đầu tiên trong hành trình 9 năm, Phân bón Cà Mau cán mốc 928,49 nghìn tấn sản lượng ure quy đổi, đạt 104% và về đích trước 14 ngày so kế hoạch. 

Về kinh doanh, năm 2020, sản lượng tiêu thụ ure ước tính đạt 930,65 nghìn tấn, đạt 107% kế hoạch và tăng 16% so cùng kỳ năm 2019. Các mặt hàng tự doanh, sản phẩm mới và phế phẩm phụ trợ cũng ghi nhận khả quan với hơn 1.100 nghìn tấn bán ra. Sản lượng xuất khẩu năm 2020 đạt gần 300 nghìn tấn, trong đó thị trường Campuchia tăng 32% so với năm 2019, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Brazil...

Về doanh thu, do tận dụng lợi thế giá khí thấp, Phân bón Cà Mau tiết giảm chi phí giá thành, cộng với sản phẩm tiêu thụ tốt, giá hợp lý mang về doanh thu 7.256 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch đề ra, cao hơn 2019. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 657 tỷ đồng, tăng 29% so chỉ tiêu 2020 và tăng 43% so năm trước. “Nhìn chung các mục tiêu tài chính quan trọng bao gồm sản xuất, kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận mà Tập đoàn giao phó đều được hoàn thành tốt”, ông Thanh cho biết.

Tổng giám đốc Đạm Cà Mau nhận định, năm 2021 vẫn là một năm khó khăn, đơn vị sẽ tập trung vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau hiệu quả, an toàn, ổn định tối ưu công suất; vận hành và khai thác hiệu quả phân xưởng NPK, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, đặc biệt phát triển hiệu quả ở thị trường Tây Nam Bộ; Xây dựng mô hình kinh doanh mới để gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...

Đọc thêm