Lĩnh vực văn hóa khiến nhiều ĐBQH lo lắng

(PLVN) - Bên cạnh đánh giá cao những thành tựu đạt được của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, tại phiên thảo luận ngày 29/3 của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự lo lắng đối với lĩnh vực văn hóa.
Các đại biểu dự phiên thảo luận ngày 29/3.
Các đại biểu dự phiên thảo luận ngày 29/3.

Tán thành nhiều nội dung trong báo cáo Chính phủ, Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) chia sẻ Chính phủ nhiệm kỳ này là một Chính phủ có khát vọng vì một Việt Nam hùng cường với hình ảnh Thủ tướng xông xáo, năng động.

Tính chủ động, chủ công của Chính phủ được thể hiện rất nổi bật trong phòng chống đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh thế giới đang lúng túng ứng phó với đại dịch, Việt Nam đã có những cách thức chống dịch rất đặc biệt tự chủ và tự lực.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau).
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau).

Đại biểu Vân đồng thời kiến nghị, trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ quan tâm đến 3 vấn đề. Trong đó, Chính phủ cần quan tâm, củng cố các quan hệ đạo đức văn hóa, xã hội, thậm chí pháp điển hóa để xử lý, giải quyết căn cơ tình trạng xuống cấp về đạo đức, văn hóa, lối sống.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP HCM) cho rằng, thành công lớn nhất trong nhiệm kỳ qua là Chính phủ đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện mục tiêu kép, không gây ra đổ vỡ; cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Châu, điểm chưa được là sự đến nơi đến chốn trong công tác cải cách, nhất là những cải cách quan trọng ảnh hưởng đến cả xã hội, chẳng hạn cải cách về giáo dục – đào tạo khi mà đến giờ các cháu học sinh lớp một vẫn phải đi học thêm. Còn lĩnh vực văn hóa xã hội chưa có sự bứt phá, nếu không nói là thụt lùi.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).

Còn Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhìn lại những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, Đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc phát triển văn hóa chưa tương xứng với việc phát triển kinh tế, mặc dù đã đầu tư nhiều khoản kinh phí cho việc phát triển văn hóa.

Báo cáo của Chính phủ đã nêu rất rõ các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Kết thúc một nhiệm kỳ, mở đầu nhiệm kỳ mới, Đại biểu Nga đề nghị có giải pháp tổng thể, hiệu quả để phát triển văn hóa, từ đó huy động sức mạnh to lớn để đưa đất nước vượt qua các khó khăn. “Việc bồi đắp văn hóa là việc cần làm mọi lúc, mọi nơi và không có điểm dừng”, bà Nga nhấn mạnh.

Đọc thêm