Lo có "sự kiện siêu lây nhiễm", Mỹ đề nghị Liên hợp quốc họp trực tuyến

(PLVN) -  Hoa Kỳ đang đề nghị các quốc gia thành viên Liên hợp quốc họp trực tuyến thay vì họp trực tiếp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng tới để ngăn chặn tuần lễ cấp cao hàng năm của tổ chức này có thể trở thành "một sự kiện siêu lây nhiễm COVID-19".
Liên hợp quốc đang chuẩn bị cho Tuẫn lễ cấp cao vào tháng 9. Ảnh: Pixabay

Hơn 150 quốc gia đang có kế hoạch cử lãnh đạo quốc gia hoặc một bộ trưởng Chính phủ đến New York tham dự Tuần lễ cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng tới.

Một thông báo từ Phái bộ Hoa Kỳ gửi đến 192 quốc gia thành viên Liên hợp quốc khác cũng kêu gọi tất cả các cuộc họp và sự kiện bên lề khác do Liên hợp quốc tổ chức nên diễn ra trên nền tảng internet. Nguyên nhân vì các cuộc họp song song này thường thu hút khách du lịch đến New York một cách “không cần thiết vào thời điểm dịch COVID-19, có thể làm tăng rủi ro cho cộng đồng người dân New York và những người khác".

Thông báo của Hoa Kỳ, cho biết chính quyền Tổng thống Biden đặc biệt lo ngại về việc Tổng thư ký Antonio Guterres và Chủ tịch Đại hội đồng sắp tới Abdulla Shahid tổ chức các sự kiện trực tiếp cấp cao về biến đổi khí hậu, vaccine, kỷ niệm 20 năm ngày Hội nghị thế giới của LHQ về chống phân biệt chủng tộc, hệ thống lương thực và năng lượng.

“Hoa Kỳ sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực để biến những sự kiện quan trọng này về các ưu tiên được chia sẻ thành công theo hình thức trực tuyến”, thông báo cho biết.

Vào cuối tháng 7, Liên Hợp Quốc đã quyết định tổ chức cuộc họp thường niên (cuộc thảo luận chung) trực tiếp từ ngày 21 - 27/9, hoặc thực hiện các bài phát biểu được ghi âm trước nếu các đại biểu không thể đến Mỹ do các qui định về hạn chế di chuyển do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dự kiến sẽ có 127 nguyên thủ quốc gia và chính phủ dự định tham dự Hội nnghij trực tiếp bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Emmanuel Macron của Pháp, Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Nicolas Maduro của Venezuela, cũng như các Thủ tướng Boris Johnson của Anh, Israel Naftali Bennett và Narendra Modi của Ấn Độ, cùng 26 bộ trưởng khác bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và Phó Thủ tướng Trung Quốc Han Zheng.

Trong số 38 nhà lãnh đạo lên kế hoạch ghi âm bài phát biểu có các tổng thống của Iran, Ai Cập và Indonesia.

Mỹ lo ngại nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 khi diễn ra các hoạt động trực tiếp trong Tuần lễ cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng tới. Ảnh: AP

Hoa Kỳ khuyến nghị, “Trước những lo ngại về dịch COVID-19, các trưởng phái đoàn nên cân nhắc chuyển phát biểu của họ tới Cuộc thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bằng video. Nếu các phái đoàn chọn đến New York cho Cuộc tranh luận Chung, Hoa Kỳ yêu cầu các phái đoàn mang theo số lượng đại biểu tối thiểu”.

Hoa Kỳ cho biết đại dịch COVID-19 “tiếp tục gây ra nguy cơ sức khỏe đáng kể trên toàn thế giới,” với độc lực của biến thể delta ảnh hưởng đến cả những người đã được tiêm phòng và chưa được tiêm chủng. Số người nhập viện vì COVID-19 đang gia tăng đáng kể ở Hoa Kỳ. “Tất cả các quận ở Thành phố New York hiện được đánh giá là có mức độ lây truyền cộng đồng cao nhất,” thông báo của Hoa Kỳ cho biết.

Đối với những người đến trụ sở Liên hợp quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã khuyến cáo bắt buộc phải đeo khẩu trang mọi lúc, giãn cách 6 mét, chỗ ngồi cố định, có xác nhận tình trạng âm tính với COVID-19 và đã tiêm chủng (nếu có).

Người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết hôm 18/8 rằng Liên hợp quốc đã áp dụng một số biện pháp để đối phó với biến thể delta, bao gồm đeo khẩu trang bắt buộc tại trụ sở Liên hợp quốc và báo cáo tình trạng tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19 dương tính. Đồng thời cũng có các yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với một số nhân sự, bao gồm cả những người phục vụ các cuộc họp liên chính phủ trước tuần lễ cấp cao.

Ông Dujarric cho biết sẽ không có sự kiện trực tiếp nào diễn ra tại khu phức hợp của Liên Hợp Quốc trong tuần lễ cấp cao, nhưng ông không đề cập đến các sự kiện cấp cao về biến đổi khí hậu, hệ thống lương thực, phân biệt chủng tộc và các vấn đề khác.

"Tổng thư ký sẽ tiếp tục tập trung vào việc giữ an toàn cho mọi người trong cộng đồng Liên hợp quốc" - Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc cho biết.

Đọc thêm