Lò gạch hoạt động bất chấp lệnh cấm ở Quốc Oai, Hà Nội

Hàng loạt lò gạch thủ công vẫn ngày đêm nhả khói trên địa bàn xã Sài Sơn (Quốc Oai), mặc cho “lệnh” của chính quyền địa phương cấm các chủ lò đỏ củi hoạt động…

 Hàng loạt lò gạch thủ công vẫn ngày đêm nhả khói trên địa bàn xã Sài Sơn (Quốc Oai), mặc cho “lệnh” của chính quyền địa phương cấm các chủ lò đỏ củi hoạt động… 

Lò gạch thủ công vẫn tồn tại phổ biến ở Sài Sơn.

Theo thống kê của UBND xã Sài Sơn, trên địa bàn xã Sài Sơn hiện nay đang tồn tại hơn 60 lò gạch thủ công. Hầu hết các lò gạch này do người dân địa phương tự ý xây dựng  và đã hoạt động trong suốt thời gian gần chục năm qua. Sức chứa của mỗi lò từ vài vạn viên gạch đến vài chục vạn viên.

Như PLVN trước đây đã có bài phản ánh, việc sản xuất gạch bằng lò thủ công tại đây chưa được quản lý chặt chẽ đã xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường khi đốt lò, tai nạn lao động nghiêm trọng, nguồn nguyên liệu đất sét bị khai thác bừa bãi, lãng phí. Đáng chú ý, việc khai thác đất làm gạch nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu từ việc hạ cốt ruộng, đào kênh mương, hồ, ao, nuôi trồng thuỷ sản do không có quy hoạch, thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương nên đã vi phạm nghiêm trọng vào diện tích đất canh tác.

Trở lại cánh đồng xã Sài Sơn vào một ngày đầu tháng 5/2012, ghi nhận của phóng viên cho thấy các lò gạch thủ công ở đây đang ra sức hoạt động. Mỗi lò gạch có từ 20 đến 30 công nhân  “thi đua” đào xới mặt bằng  để lấy đất làm gạch. Nhiều thửa ruộng đã bị đào xới một cách nham nhở, tạo thành những cái hố rộng hàng chục mét vuông, sâu tới vài ba mét trông thật xót xa. Anh Nguyễn Văn T, chủ một lò gạch ở thôn Thuỵ Khuê, xã Sài Sơn, cho hay đã nhận được thông báo của UBND xã yêu cầu tháo dỡ lò gạch và ngừng sản xuất gạch từ trong năm 2011.

Tuy nhiên, chủ lò gạch này cũng nêu khó khăn “cả cơ ngơi của gia đình tôi ở cái lò gạch này, tiền vay vốn ngân hàng để đầu tư vào lò gạch lên tới trăm triệu đồng, nếu ngừng sản xuất gạch  thì gia đình tôi không biết lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để trả nợ ngân hàng”...

Theo ông Đào Tiến Tuyến - Phó chủ tịch UBND xã Sài Sơn, thì  ngay sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành chỉ thị về việc kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch thủ công trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND huyện Quốc Oai đã ra thông báo yêu cầu các xã, thị trấn trong địa bàn huyện tiến hành cuộc họp với các chủ lò gạch, ra thông báo các chủ lò gạch phải ngừng sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, tiến tới xoá bỏ toàn bộ các lò gạch thủ công.

“Tuy nhiên, sau nhiều lần thông báo, nhắc nhở đến nay tình trạng sản xuất gạch thủ công trên địa bàn xã Sài Sơn chẳng những không chấm dứt mà còn diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn”, ông Tuyến, nói.

Ông Tuyến cũng nói rằng, nguyên nhân dẫn đến các lò gạch vẫn hoạt động là do chính quyền địa phương chưa có biện pháp mạnh tay, buộc các chủ lò gạch thủ công phải tự tháo dỡ. Mặt khác, lò gạch thủ công là cả một khối tài sản lớn đối với họ, nay yêu cầu họ phải giải tán thì không thể một sớm một chiều là họ giải tán ngay được...

Việt Hưng

Đọc thêm