'Lỗ hổng' bản quyền (Bài 1): Lối suy nghĩ 'hồn nhiên' trong làng nhạc Việt

(PLVN) - Sự vay mượn chỉ giúp nghệ sĩ làm đa dạng, hấp dẫn hơn sản phẩm của mình trong phút chốc, nhưng hậu quả của nó rất dai dẳng: Đối mặt với kiện tụng, mất danh dự, mất thời gian… 

Hiện tượng vi phạm bản quyền tại Việt Nam là không hiếm, có mặt trong mọi lĩnh vực. Nhưng có lẽ, trong âm nhạc, nó thể hiện rõ và đa dạng về cách thức vi phạm nhất. 

Càng quốc tế hóa, càng dễ bị kiện

Có không ít nghệ sĩ Việt trong thời gian qua “nếm quả đắng” vì vướng phải những vụ vi phạm bản quyền mang tính quốc tế. Vụ đình đám mới đây vào thời điểm cuối năm 2018 là việc nam ca sĩ Noo Phước Thịnh bị nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey gửi đơn kiện đến TAND TP HCM vì vi phạm bản quyền. 

Theo đó, tại MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” ra mắt vào năm 2017, mà cụ thể là trong phân cảnh từ khoảng phút 6:05 đến 7:30 đã cắt xén, sử dụng tác phẩm “The Way” để làm nhạc nền cho phân cảnh tai nạn xe hơi của các diễn viên. Theo nhạc sĩ người Mỹ, tác phẩm trên đang được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan của nhạc sĩ. 

Nhạc sĩ Zack Hemsey đã yêu cầu Noo Phước Thịnh các nội dung như: chấm dứt ngay và xóa vĩnh viễn MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” có sử dụng tác phẩm/ bản ghi âm “The Way” khỏi tất cả các phương tiện lưu trữ, các trang mạng và bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận. Bồi thường thiệt hại về vật chất 500 triệu đồng. Bồi thường thiệt hại tinh thần 50 triệu đồng. Thanh toán chi phí thuê luật sư 300 triệu đồng. Công khai xin lỗi nhạc sĩ Zack Hemsey. 

MV này của Noo Phước Thịnh ngay khi ra mắt đã trở thành một MV kỉ lục bảng xếp hạng, nhanh chóng đạt trên 30 triệu lượt xem (view). Tuy nhiên, sau đó, fan hâm mộ nam ca sĩ này ngỡ ngàng khi bỗng nhiên MV bị gỡ khỏi trang youtube, sau đó được biết là do vi phạm bản quyền như trên.

Cảnh trong MV của Noo Phước Thịnh có lồng đoạn nhạc của nhạc sĩ Zack Hemsey.
Cảnh trong MV của Noo Phước Thịnh có lồng đoạn nhạc của nhạc sĩ Zack Hemsey.

Cùng thời điểm, nữ ca sĩ Bảo Anh là một “đối thủ” của Noo Phước Thịnh trong cuộc đua lượt view MV trên Youtube, cũng đứng trước nguy cơ bị gỡ MV vì vi phạm bản quyền. 

Cũng tương tự ê kíp Noo Phước Thịnh, ê-kíp Bảo Anh đã thêm đoạn nhạc từ hai bản hoà âm “Icarus và Glimmer Of Hope” của nhà soạn nhạc phim Ivan Torrent vào MV mà không mua tác quyền. Tuy nhiên, Bảo Anh may mắn hơn ở chỗ, cô nhận được thư điện tử yêu cầu mua tác quyền từ phía Ivan. Bảo Anh đã nhanh chóng xử lý khủng hoảng bằng cách trả tiền tác quyền để MV không bị xóa cũng như bản thân không bị khởi kiện. 

Về chuyện phải gỡ MV khỏi youtube vì vi phạm bản quyền còn có MV của ca sĩ Mỹ Tâm, quán quân Sao Mai 2017 Thu Thu hay 3 MV hot của Min… vì bị dọa kiện từ các đơn vị liên quan.

Sơn Tùng, chàng ca sĩ thần tượng hàng đầu showbiz cũng không ít lần vướng thị phi khi liên tục bị chỉ ra những điểm “giống bất thường” trong phần nhạc hay hình ảnh các MV anh sản xuất với các sản phẩm từ thần tượng xứ Hàn. 

Một lần “vay mượn”, hậu quả dai dẳng

Cho dù nhiều “bài học nhãn tiền” từ nhiều vụ việc khá nghiêm trọng trong làng nhạc, nhưng một bộ phận nghệ sĩ có lẽ vẫn chưa thực sự ý thức tầm quan trọng của việc tuân thủ tác quyền. 

Ca sĩ Châu Đăng Khoa là một trường hợp như thế khi “vô tư” mượn phần lời của những bài thơ trên mạng xã hội. Để rồi, đến khi tác giả liên hệ trao đổi về việc vi phạm bản quyền, nam nhạc sĩ này lại né tránh. Sự việc lằng nhằng trong nhiều năm liền, khi dư luận bùng lên phản đối, nhạc sĩ trẻ vẫn không nhận lỗi, mà chỉ cho rằng mình có lỗi “chậm trả tác quyền” mà thôi.

Thậm chí nhiều fan của Châu Đăng Khoa còn cho rằng nhờ nhạc của Châu Đăng Khoa người ta mới biết đến thơ của hai nữ tác giả nói trên. 

Tương tự, “hiện tượng mạng” Hoa Vinh, khi sử dụng bản beat của Châu Khải Phong để hát, trở nên nổi tiếng, đi hát khắp nơi, thu âm… Nhưng đến khi Châu Khải Phong lên tiếng về tác quyền, anh này còn có vẻ thản nhiên cho rằng, nhờ mình hát mà bài hát của Châu Khải Phong mới được khán giả chú ý.

Hành xử và thái độ của những người trẻ nói trên phản ánh một lối suy nghĩ không thiếu trong làng nhạc Việt: Vô tư vay mượn, cho mình có quyền vay mượn, thậm chí còn cho rằng mình đã nổi tiếng, thì người ít nổi tiếng hơn còn phải “cảm ơn” vì đã nổi tiếng nhờ sự vay mượn của mình.

Có thể thấy, internet là mảnh đất màu mỡ, là bàn đạp của các nghệ sĩ trẻ có thể đưa sản phẩm âm nhạc của mình đến với khán giả trong nước và xa hơn là quốc tế hóa. Tuy nhiên, chính internet cũng sẽ khiến cho các vụ vi phạm bản quyền có thể phát hiện dễ dàng hơn bao giờ hết trong “thế giới phẳng”.

Sự vay mượn chỉ giúp nghệ sĩ làm đa dạng, hấp dẫn hơn sản phẩm của mình trong phút chốc, nhưng hậu quả của nó rất dai dẳng: Đối mặt với kiện tụng, mất danh dự, mất thời gian… 

Những bài học từ vụ việc của Noo Phước Thịnh, Bảo Anh, Châu Đăng Khoa… rất cần thiết, để giới showbiz có cái nhìn nghiêm túc, cẩn trọng hơn về vấn đề bản quyền. Nó cũng giúp nghệ sĩ hiểu rằng, muốn phát triển sự nghiệp âm nhạc, không chỉ cần tài năng, hay ngoại hình, mà kiến thức pháp luật trong nghệ thuật cũng là điều hết sức cần thiết.

(Còn tiếp)

Phiền phức nên… cho qua

Game show âm nhạc cũng là một nơi mà việc vi phạm bản quyền diễn ra nhan nhản. Tận dụng việc “đi thi”, các thí sinh chương trình âm nhạc thi nhau lấy bài hát của các nhạc sĩ đi hát, tạo dựng tên tuổi của mình. Chỉ một số nhạc sĩ lên tiếng, còn lại vì phiền phức nên đành “cho qua”.