Đã đăng ký bản quyền mà vẫn thiệt thòi
Bộ truyện tranh nổi tiếng Thần đồng đất Việt ra đời bởi sự hợp tác giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị, ra mắt lần đầu vào năm 2002. Họa sĩ Lê Linh xác nhận, năm 2002, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả, ghi nhận quyền tác giả thuộc về đồng tác giả là ông Lê Phong Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, quyền tài sản (các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm…) thuộc về Công ty Phan Thị. Đến thời điểm hiện tại, giấy chứng nhận này vẫn đang có hiệu lực.
Theo ông Lê Linh, ông và bà Mỹ Hạnh cùng ký vào đơn đăng ký bản quyền nhằm mục đích là để hai bên cùng nhau thực hiện, sau này cùng chia sẻ quyền lợi từ việc kinh doanh hình ảnh các nhân vật trong bộ truyện tranh.
Nhưng họa sĩ Lê Linh cho biết, ông chỉ sáng tạo ra 78 tập truyện Thần đồng đất Việt từ năm 2002-2005, sau đó đã ngừng cộng tác với Công ty Phan Thị bởi nhiều lý do. Tuy vậy, các tập tiếp theo của bộ truyện vẫn tiếp tục ra đời, không hề đề tên tác giả hay họa sĩ.
Phía bà Mỹ Hạnh lập luận rằng mình là chủ sở hữu, có các quyền tài sản đối với tác phẩm nên có thể tổ chức xuất bản các tập tiếp theo mà không cần ý kiến của tác giả. Phía họa sĩ Lê Linh phản biện rằng ông cũng là tác giả nên có quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm, không ai có quyền sáng tác các tập tiếp theo dựa trên các nhân vật trong truyện của ông. Không đạt được tiếng nói chung, họa sĩ chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị vào năm 2007 và hòa giải không thành.
Sau đó, họa sĩ Lê Linh quyết định sáng tác một bộ truyện tranh hoàn toàn mới lấy tên là Long Thánh thì bị Công ty Phan Thị kiện lại vi phạm bản quyền vì sử dụng hình vẽ nhân vật thuộc quyền sở hữu của Công ty Phan Thị mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả. Sau đó, người họa sĩ “đằng đẵng” theo đuổi vụ kiện với Công ty Phan Thị suốt 12 năm qua. Cho đến ngày 28/12 mới được đưa ra xét xử công khai tại TAND quận 1, TP HCM.
Sự việc này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các tác giả truyện tranh về việc cần phải quan tâm đúng mức hơn đến vấn đề đăng ký bản quyền. Khi nộp đơn đăng ký bản quyền cho tác phẩm cần có sự tìm hiểu rõ ràng, tránh phạm phải “bút sa gà chết”.
Chia sẻ trên trang cá nhân của họa sĩ Lê Linh tóm tắt lại vụ việc |
Lại nói, có nhiều tác giả dù đã đăng ký bản quyền cho nhân vật của mình như Thành Phong, Mèo mốc, Mèo mun…, nhưng truyện của họ vẫn bị xâm phạm bản quyền, đặc biệt trên nhiều trang thông tin, diễn đàn, mạng xã hội sử dụng hình ảnh nhân vật mà không xin phép tác giả.
Trong những trường hợp này, cá nhân tác giả phải gửi thông tin lên đối tượng xâm phạm bản quyền để yêu cầu gỡ hình ảnh. Nghịch lý, việc đồng ý gỡ bỏ hay không lại tùy thuộc vào ý muốn của đối tượng xâm phạm.
Mặt khác, cũng từng có nhiều vụ tranh chấp tác quyền giữa tác giả truyện tranh và đơn vị phát hành, nhưng vì chưa đăng ký bản quyền nên người thiệt đầu tiên vẫn chính là tác giả. Điển hình nhất phải nói tới vụ việc họa sĩ Bùi Đình Thăng (Thăng Fly), “tố” chương trình “Quà tặng cuộc sống” của Đài Truyền hình Việt Nam vi phạm bản quyền khi sử dụng nhiều hình ảnh, lời thoại và ý tưởng trong tác phẩm “Ba Tôi” giống hệt tác phẩm “Cả nhà thương nhau” của anh.
Đáng lưu ý, họa sĩ Thăng Fly khẳng định, anh có đầy đủ bằng chứng để chứng minh đây là tác phẩm của mình; tuy nhiên bởi tác phẩm này chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ, nên chưa đủ bằng chứng pháp lý khi có tranh chấp xảy ra.
Mức xử phạt “rẻ như cho”
Trên thực tế, hiếm thấy các phiên tòa liên quan đến sở hữu trí tuệ ở Việt Nam nói chung, chứ chưa nói riêng tới các vụ tranh chấp tác quyền truyện tranh. Khi vi phạm bản quyền ở mức độ nhẹ, cá nhân họa sĩ có thể giải quyết được.
Nhưng khi sự việc phức tạp và căng thẳng hơn, khó khăn và thiệt thòi vẫn luôn thuộc về người tác giả trong việc đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình, mặc dù, có hay không, đã đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm khi sáng tác và xuất bản.
Họa sĩ truyện tranh Dương Khánh, đã hoạt động trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh từ năm 2004, từng chia sẻ: “Rất ít họa sĩ truyện tranh gắn bó được với nghề. Các họa sĩ thường khó đoán biết được số phận của tác phẩm mình làm ra có thành công, được đón nhận hay không, nên ít ai nghĩ đến chuyện đăng ký bản quyền”.
Về góc độ pháp lý, theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền nhân thân của tác giả được bảo vệ vô thời hạn nhưng vì lý do nào đó họ chưa đăng ký bản quyền, bị người khác xâm phạm; thì tác giả phải chứng minh với tòa án mình là tác giả thật sự của tác phẩm. Nếu chứng minh được, Cục Bản quyền tác giả sẽ hủy giấy đăng ký bản quyền của người sai phạm.
Trường hợp vụ việc phức tạp, Cục Bản quyền tác giả không giải quyết được thì Thanh tra văn hóa của Bộ VHTT&DL sẽ vào cuộc. Song trên thực tế, các tác giả phải chứng minh như thế nào mới “thuyết phục” được các cơ quan chức năng vẫn là vấn đề còn chưa rõ ràng.
Còn về chế tài xử phạt đối với cá nhân, đơn vị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, được quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng và buộc phải cải chính, đặt lại đúng tên (Điều 9); nếu xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm bị phạt từ 3-5 triệu đồng (Điều 10).
Theo tác giả Lê Linh, ông sáng tạo ra 78 tập truyện Thần đồng đất Việt từ năm 2002-2005 |
Nhưng nhiều tác giả lại bức xúc, so với lượng tri thức và công sức để sáng tạo một tác phẩm, mức xử phạt như vậy quá “rẻ bèo”; chưa kể các thủ tục hành chính thường mất nhiều thời gian, các văn bản pháp lý lại chồng chéo khó hiểu. Vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị cũng khiến đông đảo công chúng phải “khó hiểu” về trình tự tố tụng dân sự khi kéo dài hơn 12 năm cho một vụ việc “rõ mười mươi” như vậy.
Nhiều họa sĩ cho biết mình theo đuổi vụ việc khiếu nại, tố tụng về quyền tác giả không vì lý do tài chính mà muốn tìm lại niềm tin cho nhiều họa sĩ truyện tranh trong nghề vì họ bị ăn cắp bản quyền quá nhiều.
Song, hiếm hoi có tác giả nào thành công. Như họa sĩ Lê Linh chia sẻ trên trang cá nhân: “Vì sao tôi lại đành lòng dứt bỏ những đứa con mà mình rút ruột đẻ ra, yêu thương chăm chút với tất cả con tim và khối óc ... đơn giản chỉ vì một lí do là không thể chịu đựng nổi sự dối trá và những uất ức đã bóp nghẹt niềm cảm hứng sáng tác”.
Những câu chuyện kể trên là những “bài học xương máu” từ thế hệ đi trước tới thế hệ họa sĩ trẻ muốn “dấn thân vào nghiệp vẽ đầy chông gai” để biết cách bảo vệ tác quyền của mình; đồng thời đặt ra những nghi vấn sâu sắc đối với các cơ quan chức năng về việc xử lý các vụ việc liên quan tới sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo một môi trường sáng tạo lành mạnh.