Chỉ “khai tử” 18 nhà máy điện than
Sau hơn 1 năm hiệu chỉnh, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 hiệu chỉnh (QHĐ VII HC) sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016 đã được chia sẻ và cập nhật.
QHĐ VII HC định hướng chính sách phát triển nguồn điện trong giai đoạn tới tập trung vào “giảm công suất và số lượng các nhà máy nhiệt điện than”, “giảm bớt nhu cầu nhiên liệu hóa thạch”, “sử dụng các công nghệ tiên tiến trong nhà máy nhiệt điện (tăng hiệu suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải), “tăng mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện”.
Đáng chú ý, trong QHĐ VII HC đã có một số thay đổi liên quan tới việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT), giảm bớt nhu cầu nhiên liệu hóa thạch, giảm bớt công suất và số lượng nhà máy nhiệt điện than... trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam.
Theo đó, số lượng các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than giảm 18 nhà máy và tổng công suất nguồn nhiệt điện than từ trên 75GW giảm xuống còn xấp xỉ 55GW, tương đương giảm khoảng 20GW ở năm 2030, theo đó tỷ trọng công suất nhiệt điện than chiếm 42,7% tổng công suất đặt (so với tỷ trọng 52% trong QHĐ VII, giảm 10%).
Trong khi đó, công suất của nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) tăng từ khoảng 13GW trong QHĐ VII lên tới 27,2GW ở năm 2030, đạt khoảng 62% so với mục tiêu của Chiến lược NLTT (nếu kể cả thủy điện lớn và vừa, tỷ trọng công suất nguồn NLTT chiếm 37,9% tổng công suất đặt).
Vẫn lệ thuộc nước ngoài
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) quan tâm về QHĐ VII HC và đã thực hiện hàng loạt nghiên cứu liên quan tới chính sách phát triển năng lượng và đóng góp những khuyến nghị chính sách cho QHĐ VII HC nhằm hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.
Bình luận với PLVN về nội dung QHĐ VII HC, VSEA cho rằng định hướng điều chỉnh này của Chính phủ rất phù hợp với nguyện vọng của người dân cũng như xu thế chung của thế giới hướng đến phát triển năng lượng sạch và bền vững.
Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu nguồn điện trong QHĐ VII HC, nhiệt điện than vẫn dự kiến chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng điện sản xuất trong mười và mười lăm năm tới. Khối lượng than nhập khẩu để phát điện dự kiến vào năm 2030 lên tới hơn 85 triệu tấn, cao gần gấp đôi so với lượng than cung ứng nội địa.
Bà Nguyễn Thu Trang, điều phối viên VSEA lo lắng: “Kịch bản này đặt ra câu hỏi lớn với an ninh năng lượng của Việt Nam. Liệu an ninh năng lượng quốc gia có được đảm bảo khi theo phương án hơn một nửa hệ thống điện phụ thuộc vào nhiệt điện than, trong đó 2/3 nguồn nhiên liệu phụ thuộc vào bên ngoài?”.
Theo bà Trang, trên thực tế, đây là nguồn điện không được cộng đồng trong nước và quốc tế ủng hộ tiếp tục phát triển vì là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Bên cạnh đó, những quan ngại về ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới sức khỏe do sản xuất điện than cũng là bài học lớn từ trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 – Việt Nam, cũng như từ kinh nghiệm của Trung Quốc và các quốc gia đã và đang phụ thuộc vào nhiệt điện than.
Đại diện VSEA cũng cho rằng, nguồn điện này hiện đang có giá thành được cho là rẻ ở Việt Nam vì những tác động và ảnh hưởng vô cùng to lớn tới môi trường sinh thái và xã hội chưa được đánh giá đầy đủ và tính toán vào giá thành. Trong khi tỷ trọng của NLTT nhất là năng lượng gió và mặt trời là hai nguồn NLTT được mong đợi phát triển nhất thì vẫn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong QHĐ VII HC.
VSEA nhấn mạnh, thực tế phát triển NLTT trên thế giới đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, cao gấp hai lần so với đầu tư vào nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2015. Lần đầu tiên trong năm 2015, đầu tư vào NLTT của các quốc gia không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cao hơn 20% so với các nước phát triển. Kỹ thuật - công nghệ trong lĩnh vực này đặc biệt là với điện năng lượng mặt trời đang được cải thiện hàng ngày, giá thành công nghệ giảm nhanh có thể cạnh tranh được với điện từ nhiên liệu hóa thạch.
Từ những quan sát trên, VSEA cho rằng để hiện thực hóa các định hướng mà QHĐ VII HC đã đề ra và khắc phục những khoảng trống hiện thời, trước tiên cần cải cách chính sách tính giá điện.
“Giá điện cần phải minh bạch và bao gồm đầy đủ các chi phí ngoại biên về môi trường, xã hội và thuế carbon. Ngoài ra, cần thường xuyên nghiên cứu hiệu quả đầu tư của các nhà máy điện theo các kịch bản phát triển khác nhau để tạo sự đột phá cho phát triển NLTT trong Quy hoạch điện VIII giai đoạn sắp tới” - bà Trang khuyến nghị.
Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng chưa được đề cập rõ ràng, cụ thể trong QHĐ VII HC. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) về dự báo nhu cầu điện của Việt Nam đến năm 2030 có tính tới kịch bản tiết kiệm năng lượng, nhu cầu điện có thể giảm tới 33,8% so với QHĐ VII, lớn hơn nhiều con số 18% mà QHĐ VII HC đưa ra. VSEA khuyến cáo Việt Nam cần khẩn trương ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế đối với nhà máy nhiệt điện than mới.