Cần quy định cụ thể các căn cứ áp dụng tránh tùy tiện
Theo Tờ trình dự thảo Luật do Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn trình bày, Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành mới chỉ quy định việc áp dụng các BPKCTT từ khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện cho tòa án mà chưa quy định việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện.
Trong quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nhiều đại biểu Quốc hội, các thành viên Ban soạn thảo đã đặt ra vấn đề quy định các BPKCTT trước khi khởi kiện trong một dự án luật riêng vì không thuộc quy trình tố tụng dân sự. Chính bởi vậy đây là dự án Luật rất quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Các BPKCTT trước khi khởi kiện được quy định trong dự án Luật gồm: kê biên tài sản; cấm chuyển dịch quyền về tài sản; cấm thay đổi hiện trạng tài sản; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; thu giữ, niêm phong cấm di chuyển hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó…
Ngoài các biện pháp liên quan đến việc bảo toàn tài sản mà dự thảo Luật đã quy định, VKSNDTC đề nghị cần cân nhắc quy định các biện pháp có thể bảo vệ ngay lập tức quyền nhân thân của con người.
Như vậy, “để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, tránh tùy tiện, cần quy định cụ thể các căn cứ áp dụng đối với từng biện pháp, giấy tờ, tài liệu người yêu cầu phải nộp cho Tòa án để làm cơ sở áp dụng” – đại diện VKSNDTC đề nghị.
Thẩm phán cũng “e dè” vì sợ “thân bại danh liệt”
Việc áp dụng các BPKCTT trước khi khởi kiện là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo toàn tài sản, bảo vệ chứng cứ, giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra trong việc giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra trong dự án Luật còn rất mới, chưa có tổng kết thực tiễn khiến ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk, Ủy viên Ủy ban Tư pháp lo ngại, “trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh trên thương trường vô cùng khốc liệt nên không loại trừ nguy cơ tổ chức, cá nhân lạm dụng Luật để hại nhau. Vì thế Thẩm phán các địa phương rất ngại và e dè về áp dụng các biện pháp này vì nếu làm sai dễ bị “thân bại danh liệt”.
Nhận định các BPKCTT “can thiệp quá sâu vào quyền nhân thân, quyền tài sản của tổ chức, cá nhân” nên bà Nguyễn Thu Trang - đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Ủy ban Tư pháp có sự cân nhắc đầy đủ trong việc quyết định có nên có Luật này hay không.
Nếu có Luật thì giới hạn ở những lĩnh vực nào, và các điều kiện phải chặt chẽ để có thể yêu cầu áp dụng các BPKCTT để các biện pháp này không bị lạm dụng trước những “mánh khóe” có thể ảnh hưởng rất lớn tới lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh, nơi rất nhiều những tranh chấp, mâu thuẫn tài sản.
Tuy đề nghị “cân nhắc kỹ lưỡng” về tính cần thiết và thời điểm ban hành Luật này nhưng ông Lương Anh Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ bày tỏ quan điểm: “ Nếu chúng ta chỉ nhìn một mặt thấy khó thực hiện, dễ bị lạm dụng mà không thực hiện được nên không ban hành thì sẽ là một thiếu sót.
Trong điều kiện hiện nay nên ban hành Luật này, nhưng làm thế nào để thực thi hiệu quả vì nếu không ban hành sẽ có những phức tạp sau này cho công tác thi hành án. Còn việc có thể gây hậu quả cho người bị áp dụng thì chúng ta cần xem xét quy định chế định chặt chẽ”.
Tòa án nơi có tài sản được quyền áp dụng các BPKCTT
Thẩm quyền quyết định các BPKCTT trước khi khởi kiện cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Song theo Nhóm nghiên cứu, khi áp dụng các BPKCTT trước khi khởi kiện thì trong giai đoạn này, tòa án chưa giải quyết về nội dung tranh chấp. Do đó, tòa án có thẩm quyền áp dụng là tòa án nơi có tài sản bị yêu cầu áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện là hợp lý.
Theo quan điểm này, việc xác định tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện phải căn cứ vào từng biện pháp cụ thể để đảm bảo tính hợp lý, khả thi và hiệu quả.
Trường hợp xác định được nơi có tài sản bị yêu cầu áp dụng BPKCTT thì tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng là tòa án cấp huyện nơi có tài sản; trường hợp tài sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì tòa án có thẩm quyền là tòa án cấp huyện một trong những nơi có tài sản đó; đối với các trường hợp khác thì tòa án có thẩm quyền là tòa án cấp huyện nơi cư trú của người yêu cầu.
Hôm qua (29/3), trong ngày làm việc đầu tiên của Phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) đã thẩm tra dự án Luật Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) trước khi khởi kiện.