Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 3,07 tỷ USD, nhập khẩu 6,57 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng chủ yếu nhập từ Thái là hàng điện gia dụng và linh kiện; rau quả; ô tô nguyên chiếc; xăng dầu; chất dẻo nguyên liệu; linh kiện phụ tùng ô tô.
Theo Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng Việt Nam tự sản xuất được nhưng người tiêu dùng Việt vẫn ưa thích sử dụng sản phẩm Thái nên nhập khẩu nhiều. Một nguyên nhân khác khiến hàng hóa Thái Lan nhập nhiều vào Việt Nam là do thuế suất ưu đãi theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực. Ngoài ra, Thái Lan đã thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua quan và tiếp tục có kế hoạch mở rộng ở thị trường nước ta.
Trước việc hàng hóa Thái nhập mạnh vào Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cách tốt nhất để giữ cán cân thương mại là phải tăng cường xuất khẩu sang Thái Lan. Một số giải pháp quan trọng đã được lãnh đạo Bộ Công Thương bàn họp. Theo đó, Việt Nam sẽ siết chặt các biện pháp quản lý nhập khẩu nhằm đảm bảo chất lượng các sản phẩm nhập từ Thái Lan; đề nghị các siêu thị do doanh nghiệp Thái Lan sở hữu tăng cường hỗ trợ giới thiệu, bán các sản phẩm Việt Nam; hợp tác với tác tập đoàn bán lẻ Thái Lan tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Việt Nam…
Đối với mặt hàng nông sản, trái cây, về lâu dài muốn cạnh tranh với sản phẩm Thái Lan cần tập trung xây dựng vùng quy hoạch; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm theo hướng chất lượng tốt, đồng đều, đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.