Lo quá tải khi “di tản” các trường đại học ra ngoại thành

 Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có chủ trương đưa các trường đại học (ĐH) ở các thành phố lớn (như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) ra ngoại thành khi mà “chiếc áo” của các trường hiện đã quá chật. PGS.Trần Trọng Hanh - Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia - Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có những góc nhìn rất riêng về chủ trương này.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có chủ trương đưa các trường đại học (ĐH) ở các thành phố lớn (như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) ra ngoại thành khi mà “chiếc áo” của các trường hiện đã quá chật. PGS.Trần Trọng Hanh - Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia - Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có những góc nhìn rất riêng về chủ trương này.

Cần nhìn xa và rộng

Bộ GD&ĐT đang có chủ trương đưa các trường ĐH ở các thành phố lớn ra ngoại thành, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Hiện nay, lượng sinh viên ngày một lớn đang gây áp lực lên giao thông đối với các thành phố như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Quỹ đất để các trường phát triển trong nội thành cũng không còn. Do đó, chủ trương này hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, thành công hay không còn phụ thuộc vào cách làm.

PGS.Trần Trọng Hanh
PGS.Trần Trọng Hanh

Bởi lẽ, các trường ĐH được hình thành và phát triển trong khu vực nội thành, có những trường đã hàng trăm năm với vị trí, thương hiệu, điều kiện tuyển sinh, đội ngũ giảng viên... là vô cùng thuận lợi để cho trường duy trì và phát triển. Nếu đi chỗ khác, trường vẫn giữ tên nhưng khác hẳn về điều kiện. Thứ nữa, đi ra ngoại thành thì cần một giai đoạn chuẩn bị công phu về cơ sở vật chất, kinh phí, thiết kế đầu tư nên không thể tính trong một năm, hai năm mà hàng chục năm mới có thể ra nổi.

Hơn thế nữa, điều kiện giao thông để ra ngoại thành cũng rất khó. Các cơ sở công trình phụ trợ như kí túc xá, thư viện, điều kiện thực tập như công sở, tòa án, cơ quan trước đó đã gắn bó với trường chặt chẽ trong quá trình tạo lập. Vả lại một số trường đặc thù không nhất thiết phải ra vì họ có thể tạo lập thêm những chi nhánh khác. Bởi cái “gốc” cũ hết sức có giá trị. Do đó phải có quy hoạch kỹ, chuẩn bị đầu ra thật tốt thì mới giải quyết được vấn đề này. Đồng thời còn đòi hỏi sự phối hợp giữa các ngành.

Do đó, nêu ra vấn đề này phải hết sức thận trọng, xem xét từng trường cụ thể. Nếu thành chủ trương lớn nhưng không thực hiện được thì sẽ rất mang tiếng. Không những thế, sẽ gây tư tưởng không tốt đối với giảng viên và sinh viên. Nửa ở, nửa đi sẽ khiến họ không yên tâm. Ví dụ như Trường ĐH Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh định đi hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được. Đưa các trường ĐH ra ngoại thành quả thật giải quyết được một số vấn đề nhưng cần nhìn xa hơn, rộng hơn thì hãy có những quyết định.

Không triệt để, sẽ quá tải hơn

Thực tế quỹ đất của các trường ĐH hiện nay đã trở thành những “chiếc áo” quá chật do quy mô sinh viên phát triển, không đáp ứng được điều kiện học tập, ông nghĩ sao?

- Điều đó lại ở một nghĩa khác. Đối với các trường ĐH trên thế giới, không ai phát triển một chỗ từ đầu. Họ có rất nhiều chi nhánh nhỏ khác, kể cả Harvard hay RMIT. Điều này khác với từ di dời, hay giải tỏa. Nếu chúng ta có di dời được thì cũng rất khó có nguồn lực để làm. Đất cũ của trường nếu bán cho một doanh nghiệp nào đó thì lập tức họ sẽ lại xây nhà và giao thông lại bị quá tải. Để trường ĐH  thì ban đêm còn yên tĩnh, để họ xây nhà cao tầng thì rất nguy hiểm. Giống như bài toán cải tạo chung cư hiện nay. Nếu không bao cấp, bắt buộc họ phải nâng lên. Công suất, áp lực lại đè nén nên nội thành vốn đã ọp ẹp, ốm yếu.

Theo ông, trong thời gian tới, ngoài xây dựng các chi nhánh thì tại các trụ sở chính, họ sẽ phải quy hoạch như thế nào?

- Muốn giải quyết vấn đề này phải có đầu ra. Việc nghìn năm trồng người là của quốc dân, không thể đổ cho mấy trường ĐH. Phải tạo các khu ĐH bên ngoài và các trường có thể tạo lập các chi nhánh ở những nơi thích hợp. Còn để cho các trường, các trường cũng không lo được. Đây là sự nghiệp của toàn dân, phải chăm lo cho kết cấu hạ tâng giáo dục. Không thể đổ trách nhiệm cho một nhóm người.

Xin cảm ơn ông!

“Nhưng kiến trúc và quy hoạch là một biến số thay đổi theo điều kiện kinh tế xã hội và sự phát triển của loài người. Nếu có công trình nào đó minh tạo ra lạc hậu thì đừng lấy đó làm buồn. Nên vui vì thấy rằng nhịp độ phát triển của xã hội đã phát triển, những điều mình suy nghĩ thích ứng với giai đoạn đó đã không còn”.

PGS.Trần Trọng Hanh

Uyên Na (thực hiện)

Đọc thêm