Lo sợ an toàn với cây cầu xây hơn 10 tỷ đồng nhưng thiết kế thách thức “tử thần”

(PLVN) - Cầu Thiết Tràng (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 10 tỷ đồng nhưng thiết kế rất “quái dị”, thách thức “tử thần” khiến người dân không dám sử dụng.
Cầu Thiết Tràng bê tông cốt thép kiên cố bắc qua sông Kôn với thiết kế thách thức “tử thần”.
Cầu Thiết Tràng bê tông cốt thép kiên cố bắc qua sông Kôn với thiết kế thách thức “tử thần”.

Bao đời nay, cây cầu gỗ Thiết Tràng bắc qua sông Kôn là con đường độc đạo qua lại của người dân 5 thôn: Thiết Tràng, Hòa Phong, Đại Bình, Tân Kiều, Thuận Đức (xã Nhơn Mỹ). Mùa nắng, cầu tre gập ghềnh chông chênh trên sông. Mùa mưa, nước lũ dâng cao cuốn trôi cầu nên hàng năm, người dân đều phải làm lại cầu. Do vậy, người dân luôn mong mỏi có cây cầu bê tông cốt thép kiên cố bắc qua sông để việc đi lại được thuận tiện, an toàn hơn.

Cầu gỗ Thiết Tràng bắc qua sông Kôn trước đây.

Cầu gỗ Thiết Tràng bắc qua sông Kôn trước đây.

Đầu năm 2019, hơn 1.700 hộ dân với hơn 5.200 nhân khẩu thuộc 5 thôn nói trên vui mừng khi nghe tin một cây cầu kiên cố sẽ được xây dựng thay cho cầu gỗ Thiết Tràng. Đến ngày 30/1/2019, đơn vị thi công là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Đạt Tiến (tỉnh Quảng Ngãi) đã tiến hành khởi công xây dựng cầu Thiết Tràng bằng bê tông cốt thép trong niềm hân hoan của hàng nghìn hộ dân nơi đây.

Đến nay, việc thi công xây dựng cầu Thiết Tràng đã cơ bản hoàn thành và sắp bàn giao. Thế nhưng, người dân nơi đây lại tỏ ra bất an khi qua lại trên cây cầu này. Họ gọi đây là cây cầu “trên trời”, bởi cầu mới cao chót vót. Điều đáng nói, vị trí lên cầu thay vì nối thẳng ra đường lớn lại thụt lùi vào bên trong. Cũng vì vậy, vị trí này được nối với một con đường mới, có độ dốc lớn và tạo thành khúc cua cùi chỏ, thách thức “tử thần”.

Vị trí lên cầu thay vì nối thẳng ra đường lớn lại thụt lùi vào bên trong và được nối với một con đường mới, có độ dốc lớn.

Vị trí lên cầu thay vì nối thẳng ra đường lớn lại thụt lùi vào bên trong và được nối với một con đường mới, có độ dốc lớn.

Đầu tháng 6 vừa qua, tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Bình Định và HĐND thị xã An Nhơn ở xã Nhơn Mỹ, cử tri các thôn nói trên cho biết, 2 bên đầu cầu Thiết Tràng có độ dốc cao và gấp khúc cua rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên cầu. Mép cầu đổ đất lỡ cỡ tạo thành các hố, gập ghềnh rất nguy hiểm, đặc biệt là các cháu học sinh ngày ngày qua lại trên cầu đi học.

Lo sợ nguy hiểm đến tính mạng khi tham gia lưu thông trên cầu Thiết Tràng mới, cử tri kiến nghị cơ quan chức năng và đơn vị thiết kế lại 2 bên đoạn cầu cho đường ngay và độ dốc an toàn. Đồng thời, xây thêm hành lang an toàn cầu để người tham gia giao thông được an toàn.

Theo ông Lê Từ - Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, cầu Thiết Tràng nằm trong dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục đường bộ (thuộc Bộ Giao thông vận tải) xây dựng, với kinh phí 10,125 tỷ đồng từ Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vốn vay.

Công trình này được giao cho Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục đường bộ) làm đại diện chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án 3 hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Đạt Tiến thi công công trình. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông Bình Định.

Khúc cua cùi chỏ, thách thức “tử thần” ở vị trí lên cầu.
 Khúc cua cùi chỏ, thách thức “tử thần” ở vị trí lên cầu.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông Bình Định Lê Thanh Bảo cho biết, đề xuất ban đầu, cầu Thiết Tràng có 4 nhịp, mỗi nhịp dài 33m và nằm ngay tại vị trí cầu gỗ cũ. Tuy nhiên, do kinh phí LRAMP cấp hạn chế nên thiết kế được duyệt chỉ được làm 3 nhịp, mỗi nhịp dài 33m. Đồng thời, vị trí xây cầu được di chuyển đến vị trí mới và có đường khúc cua hiện tại.

“Việc cầu phải xây cao như hiện nay là bởi dự án LRAMP xây cầu vượt lũ dân sinh nên họ yêu cầu rất khắt khe về các tiêu chí vượt tần suất lũ mỗi năm. Nếu không đảm bảm độ cao, LRAMP sẽ rút vốn đi nơi chỗ khác. Do đó, không thể làm thấp theo yêu cầu của người dân”, ông Bảo cho biết.

Cũng theo ông Bảo, theo thiết kế, cầu Thiết Tràng có hộ lan 2 bên cầu. Hiện nay, chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công hoàn thành lắp hộ lan 2 bên đoạn cầu cho đường ngay và độ dốc an toàn, nhằm đảm bảo an toàn  cho người, phương tiện tham gia lưu thông trên cầu.  

Cầu được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 10 tỷ đồng nhưng thiết kế rất “quái dị”.

Cầu được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 10 tỷ đồng nhưng thiết kế rất “quái dị”.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ Đặng Văn Lành cho biết, phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng. Trước khi xây cầu, chủ đầu tư không lấy ý kiến của người dân. Ngoài ra, quá trình khảo sát thiết kế và xây dựng, địa phương không được mời tham gia. Xã chỉ làm nhiệm vụ thực hiện giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.

“Hiện tại, cầu Thiết Tràng vẫn chưa bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng. Dù vậy, UBND xã cũng đang làm tờ trình lên UBND thị xã An Nhơn, sau khi nhận bàn giao cầu sẽ bỏ tuyến đường có khúc cua lên cầu. Bởi nếu để khúc cua như hiện tại thì khi người dân tham gia giao thông rất dễ xảy ra tai nạn. Ngoài ra, đến mùa mưa lũ, khi nước lũ chảy mạnh, khúc cua này rất dễ bị cuốn trôi” - Đặng Văn Lành nói.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ cho rằng, đến mùa mưa lũ, khi nước lũ chảy mạnh, khúc cua này rất dễ bị cuốn trôi.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ cho rằng, đến mùa mưa lũ, khi nước lũ chảy mạnh, khúc cua này rất dễ bị cuốn trôi.

Phương án UBND xã Nhơn Mỹ đưa ra sau khi bỏ tuyến đường có khúc cua lên cầu là mở một tuyến đường mới, hạ độ cao, dẫn thẳng từ cầu đi qua đất sản xuất của người dân, rồi ra đường lớn. Tuyến đường này dự kiến dài khoảng 30m. Do đó, chính quyền địa phương cũng đang lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân.

Cầu Thiết Tràng được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 10 tỷ đồng và chưa được bàn giao đưa vào sử dụng. Thế nhưng, với khúc cua thách thức “tử thần” ở vị trí lên cầu, chính quyền địa phương đang lên “kịch bản” để bỏ tuyến đường đơn vị thi công vừa xây xong và mở tuyến đường mới, nhằm bảo đảm tính mạng cho người dân tham gia giao thông trên cầu. Điều này đồng nghĩa với việc, địa phương sẽ phải bỏ ra số tiền ngân sách khá lớn để khắc phục điểm bất hợp lý này.

Như vậy, có thể nhìn thấy ở công trình cầu Thiết Tràng sự lãng phí nguồn vốn từ WB hỗ trợ vốn vay và ngân sách của Nhà nước. Việc này, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Đọc thêm