Khu vực FDI tiếp tục chiếm ưu thế
Các thống kê vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố cho thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng vượt bậc 9,7%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước (2016: 6,72%; 2017: 4,17%). Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho khu vực này với mức tăng rất cao 13,56%.
Nếu nhìn từ kim ngạch xuất khẩu cũng cho thấy sự nổi trội của khu vực FDI. Theo đó, nếu như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I ước đạt 54,31 tỷ USD thì xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu, khi đạt 39,34 tỷ USD, chiếm 72,4% tổng kim ngạch và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy, trong tổng số 618 dự án cấp mới trong quý I, có tới 225 dự án nằm ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Đáng nói, số dự án này gần gấp đôi ngành đứng thứ hai (225 so với 136) về thu hút đầu tư FDI.
Cụ thể, một số dự án FDI lớn trong quý I đều thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo, bao gồm: dự án Nhà máy LG Innitek Hải Phòng (vốn bổ sung 501 triệu USD), dự án Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (vốn bổ sung 260 triệu USD) và dự án Nhà máy điện gió Hanbaram tại Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD.
Nhìn từ dòng vốn đầu tư nước ngoài, lượng vốn giải ngân cũng đạt mức 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Mức tăng này được cho là gần gấp đôi so với quý IV/2017 (4,6%), trong khi lượng vốn đăng ký mới và vốn đăng ký bổ sung giảm mạnh so với quý I/2017. Cụ thể, vốn đăng ký mới chỉ đạt 2,12 tỷ USD (giảm 27,3%) và vốn đăng ký bổ sung đạt 1,79 tỷ USD (giảm tới 54,6%). Theo VEPR, sự sụt giảm này tuy chỉ mang tính tạm thời nhưng vẫn gây lo ngại về tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam khi sự phụ thuộc của toàn nền kinh tế vào khu vực FDI là rất lớn.
Mừng ít, lo nhiều
Một thống kê cũng hết sức đáng lưu ý, trong quý I/2018, Hàn Quốc tiếp tục khẳng định mình là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1,835 tỷ USD và 220 dự án cấp mới. Tính lũy kế tới hết tháng Ba, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số một về đầu tư FDI vào Việt Nam với trên 59 tỷ USD, theo sau là Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.
Riêng Samsung Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo. Cụ thể, giá trị hàng xuất khẩu (điện thoại và linh kiện) của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng tới 58,8% so với cùng kỳ năm 2017 trong khi quý I/2017 tăng trưởng thấp hơn nhiều do khi đó sản lượng của Samsung còn thấp). Điều này giải thích một phần nguyên nhân GDP Việt Nam quý I tăng trưởng mạnh.
Nhận định tăng trưởng kinh tế quý I nhờ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là Samsung càng được củng cố khi số liệu nghiên cứu độc lập của VEPR cũng có đánh giá tương tự. Theo VEPR, nếu nhìn vào biến động của các thành phần cấu thành, có thể thấy chỉ số sản xuất công nghiệp IPI đóng vai trò quan trọng giúp VEPI (chỉ số hoạt động kinh tế độc lập do VEPR xây dựng dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng, đầu tư và chỉ số sản xuất công nghiệp IPI) tăng cao trong quý I với mức tăng trưởng 11,6% (2017: 4,2%; 2016: 6,3%).
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nói rằng không cần nghi ngờ khu vực công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là các sản phẩm điện thoại và linh kiện, chính là động lực đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế rất cao của quý I năm nay. “Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ra những thách thức cho việc duy trì đà tăng trưởng trong các quý sau cũng như cho cả năm 2018 và xa hơn nữa, khi chỉ tiêu tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng lệ thuộc vào khu vực này.”- TS. Thành nhấn mạnh.
“Samsung Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo. Cụ thể, giá trị hàng xuất khẩu (điện thoại và linh kiện) của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng tới 58,8% so với cùng kỳ năm 2017 trong khi quý I/2017 tăng trưởng thấp hơn nhiều do khi đó sản lượng của Samsung còn thấp). Điều này giải thích một phần nguyên nhân GDP Việt Nam quý I tăng trưởng mạnh”.