'Loạn' thị trường thực phẩm chức năng

(PLVN) - Tại Việt Nam, tỉ lệ người trên 18 tuổi sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng lên đến 58,5% dân số. Nhu cầu lớn đồng nghĩa với việc nguồn cung trên thị trường vô cùng đa dạng và đó cũng là cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Nhiều thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc trên thị trường. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Chỉ cần gõ từ khoá “thực phẩm chức năng” trên các nền tảng mạng xã hội có thể thấy hàng trăm nghìn kết quả hiện ra. Từ thực phẩm chức năng nước ngoài cho đến Việt Nam, đều được gắn kèm với các từ như “chính hãng”. Tuy nhiên, nguồn gốc, chất lượng thật của các sản phẩm này ra sao vẫn là dấu hỏi.

Dạo quanh một vòng thị trường “ảo”, nhiều mặt hàng đều được quảng cáo là hàng xách tay do người thân, bạn bè, tiếp viên hàng không mua về, nhưng không có chứng từ. Khách muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, mua càng nhiều, giá càng rẻ. Mặc dù theo quy định, để bán các loại thực phẩm chức năng, thuốc cần phải có điều kiện đăng ký, có thương nhân chịu trách nhiệm cũng như sự giám sát chuyên môn, nhưng thực tế nhiều loại thực phẩm chức năng đang được bán tự do trên thị trường. Người bán “ngang nhiên” bán, người mua vô tư mua, nguồn gốc và chất lượng không được kiểm chứng.

Đầu tháng 6 năm nay, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã phát hiện gần 12.000 lọ thực phẩm chức năng giả dán mác quốc tế tại một cơ sở ở Hà Nội. Trong quá trình kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng đã phát hiện trên diện tích khoảng 50m2 có 4 người đang gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén được đựng trong các bao nilon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác. Tiếp theo, những người này dùng máy khò nhiệt và máy ép nhiệt dán các nhãn mác được in sẵn của các nhãn hiệu có xuất xứ từ nước ngoài. Cơ sở này hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thiếu nhiều chứng từ khác.

Không chỉ dừng lại ở việc làm nhái, làm giả, trên thị trường còn xuất hiện nhiều sản phẩm “thực phẩm chức năng” có chứa chất cấm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo về nhiều lô sản phẩm cà phê giảm cân Go Coffee có chứa chất cấm là Sibutramin. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện các mẫu sản phẩm Max health Go Coffee đang lưu thông trên thị trường có chứa Sibutramin với các mẫu có các ngày sản xuất từ tháng 3/2022 trở đi.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cũng đã thu giữ số hàng hoá không có hóa đơn chứng từ, không có công bố chất lượng sản phẩm của các sản phẩm: hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe SLIM BE, hộp viên uống hỗ trợ giảm cân SBODY Healthy Supplement Made in USA và hộp viên uống hỗ trợ tăng cân Uweight Dietary Supplement Made in USA. Đáng nói, kết quả kiểm tra cho thấy cả 3 mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói trên đều dương tính với chất Sibutramin và chất Cyproheptadin, Corticoid, Cinnarizine.

Tình trạng “thật, giả lẫn lộn” trên thị trường thực phẩm chức năng hiện nay khiến người tiêu dùng bất an. Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc vô cùng nguy hiểm. Trong giai đoạn đầu có thể không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, song khi sử dụng lâu dài có thể khiến cơ thể tích tụ một dưỡng chất quá nhiều, đe dọa đến hệ bài tiết, thận, là nguyên nhân gây ra các bệnh lý sỏi thận, sỏi mật… Bởi hàm lượng dưỡng chất trong thực phẩm chức năng kém chất lượng không được cân, đong, đo, đếm theo đúng quy chuẩn. Ngoài ra, cơ thể người dùng còn có thể xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường khác như tiêu chảy, ngộ độc, nổi mẩn đỏ, da phồng rộp, trụy tim mạch, huyết áp giảm, khó thở… Nhất là đối với người đang điều trị bệnh nền thì việc này ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng của người sử dụng.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người xung quanh, người dân nên là người tiêu dùng thông thái để tránh bị “sập bẫy” hàng giả, hàng kém chất lượng khi mua thực phẩm chức năng và các sản phẩm khác.