Tuần qua, hàng loạt cán bộ mất chức, viên chức bị kỷ luật vì vi phạm qui định “không đi lễ đầu năm trong giờ hành chính”. Động thái kỷ luật đối với một số cá nhân này đang khẳng định quyết tâm về một hệ thống cơ quan nhà nước gương mẫu, kỷ cương.
Siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ… tại điểm cầu Hà Nội sáng 28/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, của hệ thống hành chính trong siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.
Chính phủ đã xác định một trong những trọng tâm điều hành năm 2018 là “Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Hướng tới mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu cán bộ, công chức phải gương mẫu đi đầu trong việc thực thi các qui định của pháp luật.
Tuy nhiên, một thực trạng được người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ là “tình trạng đi muộn về sớm, làm việc chểnh mảng trong đội ngũ cán bộ, công chức”. Đây chỉ là một phần của kỷ luật, kỷ cương hành chính không được coi trọng và thực hiện nghiêm túc. Thực tế, không ít chuyện bất bình, bức xúc của người dân đã nảy sinh chỉ vì cán bộ, công chức chểnh mảng, lơ là công việc. Những năm trước đây, cứ sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán lại phổ biến tình trạng công sở vắng vẻ, thậm chí có nơi “cửa đóng then cài” ngay trong giờ làm việc vì cán bộ còn “bận” đi lễ, đi du xuân, chúc mừng tân niên... Hoặc có tiếp dân, giải quyết công việc cũng trong trạng thái tinh thần “đủng đỉnh, cầm chừng”, dồn việc lại chờ “ngoài rằm” (Rằm tháng Giêng – PV) giải quyết dù còn cả chục ngày mới đến rằm.
Người dân bức xúc vì không được giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả làm việc của bộ máy nhà nước bị sụt giảm. Vì thế, nhiều địa phương đã phải thành lập các đoàn kiểm tra công vụ để chấn chỉnh thái độ, tác phong làm việc ở công sở sau các dịp lễ, tết dài ngày, nhất là sau Tết Nguyên đán. Nhờ đó, nền nếp công sở được đảm bảo, cán bộ, công chức làm việc nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả ngay những ngày sau Tết. Không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức vi phạm giờ giấc và thiếu nghiêm túc khi tiếp nhận giải quyết công việc cho người dân.
Để đảm bảo không xảy ra tình trạng bê trễ và thiếu tinh thần trách nhiệm tại công sở, không chỉ yêu cầu sớm khắc phục tình trạng “đi sớm về muộn, chểnh mảng” mà ngay tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng để tiếp tục giữ kỷ cương hành chính tốt hơn, nhất là những việc liên quan đến người dân.
Đặc biệt, cũng trong phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh: “Hãy hành động và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay. Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế. Hãy sáng tạo và sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tốt”.
Tiền đề quan trọng cho sự phát triển
Kỷ cương, kỷ luật hành chính là yêu cầu khách quan, là nền tảng cần thiết, là tiền đề quan trọng cần có của mỗi cơ quan, đơn vị, nó sẽ là công cụ quản lý, điều hành vô cùng hiệu quả nếu được duy trì, chấn chỉnh và giữ vững trong quá trình hình thành, phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị.
Việc quyết liệt triển khai chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật hành chính góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, người lao động, tạo nên sức mạnh tập thể to lớn, khả năng làm việc chuyên nghiệp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận xuất phát từ ý thức, thái độ, tác phong nghiêm chỉnh, chuẩn mực của mỗi người. Nhờ đó ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng tầm vị thế của cơ quan, tổ chức, đảm bảo việc phục vụ nhân dân tốt hơn, đúng phương châm xây dựng “Chính phủ vì dân”.
Trong bài viết đăng trên cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp ngày 29/1/2016, tác giả Phạm Thị Hương cho rằng: “Công vụ là một loại hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước, nói đến công vụ là nói đến trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nhằm mục tiêu phục vụ người dân và xã hội. Trách nhiệm công vụ là việc cán bộ, công chức tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó. Một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả đều dựa trên cơ sở đề cao tính trách nhiệm với tinh thần tận tụy, mẫn cán và làm tròn bổn phận của cán bộ, công chức. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, bất kỳ Nhà nước nào cũng phải xây dựng một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả và nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm công vụ”.
Theo tác giả, để tăng cường trách nhiệm công vụ, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính gắn với nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. Cụ thể là Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc đạo đức công vụ, trong đó xác định rõ giá trị cốt lõi của nền công vụ và quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của người công chức; những trường hợp cần tự nguyện, chủ động xin từ chức; Hoàn thiện quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội … ; Đổi mới và tăng cường công tác giáo dục đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp nhằm hình thành các chuẩn mực đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức.
Xử lý nghiêm mọi vi phạm
Trong tinh thần “tháng Giêng”, nhiều người vẫn mong muốn được đi lễ, du xuân, thăm hỏi đầu năm. Nhưng ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới Mậu Tuất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện về việc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết, trong đó yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời yêu cầu các cấp, ngành bắt tay ngay vào việc sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoạt động bình thường, không để tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Tại các địa phương, bộ ngành, tinh thần ấy cũng được chỉ đạo quyết liệt, trong các công điện, các cuộc họp với yêu cầu kiểm tra, giám sát kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ.
Thực tế hai tuần qua cho thấy, bộ máy nhà nước và toàn xã hội đã thực sự đi vào guồng quay bình thường của công việc. Không có phản ánh nào của người dân về tình trạng công sở đìu hiu, công chức lơ là, bê trễ, nghĩa là tinh thần đảm bảo “kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ” đã thấm nhuần và được triển khai đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Song vẫn có những cá nhân coi thường qui định dẫn đến việc phải nhận kỷ luật vì đi lễ chùa đầu năm trong giờ hành chính như trường hợp 7 lãnh đạo, cán bộ Kho bạc Nhà nước TP Nam Định bị “tạm đình chỉ công tác” đến khi có quyết định kỷ luật; trường hợp một số cán bộ của Điện lực Bình Lục (thuộc Công ty Điện lực Hà Nam) trong đó có Giám đốc bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, đồng thời Giám đốc bị miễn nhiệm chức vụ, điều động làm Quản đốc; trường hợp Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị UBND huyện Chương Mỹ kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm đối với phản ánh về Hiệu trưởng Trần Thị Yến và Phó Hiệu trưởng Lê Thị Hiền, Trường THCS Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) đi lễ ở đền Bà Chúa Kho trong giờ hành chính.
Các quyết định trên đã được đông đảo dư luận hoan nghênh. Nhiều bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm đồng tình vì việc xử lý một số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm qui định như vậy là để nêu gương, cũng như để giữ cho kỷ luật, kỷ cương hành chính được đảm bảo, nhất là trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước đang quyết liệt đấu tranh nạn tham nhũng và mất kỷ cương hành chính.
Cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân sẽ nhìn vào đó mà tự chấn chỉnh bản thân, thực hiện nghiêm túc các qui định, nền nếp. Từ ý thức của mỗi cá nhân sẽ xây dựng được một nền công vụ có kỷ cương, một xã hội có kỷ luật. Và tất nhiên, khi kỷ luật, kỷ cương được đảm bảo, nền công vụ sẽ không còn những hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, trở nên liêm chính, hiệu quả. Thành quả đó người dân và toàn xã hội sẽ được hưởng để cùng phát triển lành mạnh, bền vững.