Loạt cửa hàng 'Vườn của bé' bán hàng không tem nhãn phụ, không có hoá đơn

(PLVN) - Nhiều cửa hàng thuộc hệ thống "Vườn của bé" bày bán các loại thực phẩm nhập khẩu nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không có hoá đơn, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc xác định nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Cửa hàng Vườn của bé tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy.

Tràn lan các sản phẩm nước ngoài không nhãn phụ tiếng Việt

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục mở các cuộc kiểm tra, xử lý nhiều vụ vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không tem, nhãn phụ, tuy nhiên tình trạng bày bán tràn lan vẫn ngang nhiên diễn ra tại nhiều cửa hàng, siêu thị mini... tại Hà Nội. Đơn cử là hệ thống cửa hàng "Vườn của bé" với 9 cơ sở rải rác tại các quận thuộc địa bàn Hà Nội.

Trong vai khách hàng, phóng viên (PV) Pháp luật Việt Nam tìm đến cửa hàng "Vườn của bé" tại địa chỉ 101-C1 Nghĩa Tân, Cầu Giấy. Tại đây có bày bán rất đa dạng sản phẩm, từ bánh kẹo, sữa tắm, dầu gội đầu, kem dưỡng da đến các thực phẩm chức năng, sữa hộp, tã bỉm... Trong đó mặt hàng thực phẩm chức năng cho mẹ và bé chiếm đa số.

Sản phẩm được bày bán tại cửa hàng Vườn của bé rất đa dạng.

Đáng chú ý, mặc dù trưng bày rất nhiều các sản phẩm nước ngoài nhưng đa số lại không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn về thông tin nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm.

Nhiều sản phẩm sữa cho trẻ chỉ có các thông tin bằng tiếng nước ngoài.

Khách có nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D3 cho trẻ, tuy nhiên vì sản phẩm toàn chữ nước ngoài không có thông tin bằng tiếng Việt nên không hiểu cách sử dụng ra sao. Nhân viên cửa hàng tư vấn "Sản phẩm này bổ sung canxi và D3 cho bé chị nhé. Thông thường sẽ cho bé uống buổi sáng, nếu bé nhà mình từ 1 - 3 tuổi thì sẽ uống 2ml".

Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng cho bé và mẹ tại cửa hàng không có tem nhãn tiếng Việt.

Khi khách đặt câu hỏi đây có phải hàng nhập khẩu không, nhân viên cửa hàng cho biết :"Vâng, hàng nhập khẩu nên bên em không có tem nhãn phụ".

Theo khoản 3, Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Để thông tin được khách quan hơn, phóng viên tiếp tục tìm đến cửa hàng "Vườn của bé" tại cơ sở số 15B Đào Tấn, Ba Đình.

Tương tự, tại đây rất nhiều sản phẩm bày bán chỉ toàn tiếng nước ngoài, không có tem nhãn cung cấp thông tin bằng tiếng Việt về nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng... trên bao bì.

Phóng viên muốn biết về hạn sử của sản phẩm nước hoa hồng có các thông tin bằng chữ Nhật Bản nhưng thể dịch được chữ nước này. Khi được nhờ “dịch” hộ, nhân viên tại cơ sở cho biết hạn sử dụng sản phẩm còn xa, sản xuất năm 2022 và hạn là 12 tháng sau khi mở nắp. Trước câu hỏi đây có phải hàng nhập khẩu không và tại sao không có tem phụ bằng tiếng Việt, người này chỉ trả lời "đây là hàng nội địa".

Các sản phẩm tắm gội cho trẻ không có tem nhãn phụ theo quy định.

Phóng viên tiếp tục tìm đến 2 cơ sở khác của hệ thống này tại số 38 Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân và số 70 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy. Không ngoài dự đoán, phần lớn các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài tại đây đều không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Tại các cửa hàng nói trên, phóng viên có mua 4 sản phẩm gồm: Kem dưỡng da cho bé Dexeryl - Pháp tuýp 250gr giá 105.000 đồng/tuýp; Sữa tắm, gội, xả (3in1) cho trẻ em Suave Kids - Mỹ giá 220.000 đồng/chai; Nước hoa hồng Hatomugi - Nhật Bản chai 500ml giá 151.000 đồng; Sữa tắm White Conc - Nhật Bản giá 210.000 đồng/chai.

Trên bao bì của các sản phẩm này chỉ có những thông tin bằng tiếng nước ngoài, không có thông tin bằng Tiếng Việt theo quy định và rất khó để biết hạn sử dụng của sản phẩm.

Hai sản phẩm Kem dưỡng da và sữa tắm gội xả cho trẻ được mua tại "Vườn của bé".

Theo quy định, việc bắt buộc sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt đảm bảo cho người tiêu dùng có thể nhận biết nguồn gốc, xuất xứ và các thông tin cần thiết về hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, quy định dán nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng nhập khẩu còn hạn chế sự trà trộn của hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Không xuất được hóa đơn đỏ?

Tại cửa hàng "Vườn của bé" ở số 70 Trần Bình (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), khách mua 1 sản phẩm sữa tắm White Conc bao bì là chữ Nhật Bản, không có phụ đề tiếng Việt với giá 210.000 đồng. Khi được hỏi cửa hàng có xuất hóa đơn đỏ hay không, nhân viên cửa hàng cho biết: "Hiện bên em chỉ có hóa đơn bán hàng, không có hóa đơn đỏ". Khách cho rằng sản phẩm có giá trị trên 200.000 đồng thì cửa hàng có trách nhiệm xuất hóa đơn đỏ cho khách hàng, người này đáp "bên em xuất hóa đơn đỏ tùy sản phẩm".

Liên hệ trang fanpage của hệ thống cửa hàng này trên facebook, khách ngỏ ý muốn mua hàng với số lượng lớn và hỏi về giá chiết khấu. Đại diện cửa hàng cho biết tùy vào số lượng sẽ báo lại sau. Trả lời câu hỏi có xuất hóa đơn đỏ không, khách nhận được câu trả lời: "Bên em hiện không xuất hóa đơn đỏ".

Các sản phẩm được phóng viên mua tại 4 cửa hàng trong hệ thống "Vườn của bé" có tổng giá trị lên đến gần 1 triệu đồng nhưng không được nhân viên xuất hóa đơn đỏ.

Theo quy định của pháp luật, bên bán hàng hóa, dịch vụ phải xuất hóa đơn đỏ. Và những hóa đơn có giá trị trên 200.000 đồng thì người mua sẽ phải trả thêm 8 - 10% giá trị hàng hóa (thuế GTGT) để người bán có thể thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế.

Vậy việc hệ thống cửa hàng "Vườn Của Bé" bán hàng nhưng không xuất hóa đơn đỏ cho khách hàng có đúng với quy định hay không?.

Hệ thống cửa hàng "Vườn Của Bé" tại Hà Nội hiện có cơ sở gồm: cơ sở 1 ở 38 Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân; cơ sở 2 ở 15B Đào Tấn; cơ sở 3 ở 134 Lê Lợi, Hà Đông; cơ sở 4 ở 322 Minh Khai, Hai Bà Trưng; cơ sở 5 ở 70 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy; cơ sở 6 ở 97 Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Mai; cơ sở 7 ở S1.01-01S20, KĐT Vinhomes Ocean Park; cơ sở 8 ở 22 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân; cơ sở 9 ở 101-C1 Nghĩa Tân, Cầu Giấy.

Theo khoản 5, Điều 14 Nghị định 127/2013/NĐ–CP quy định hàng hóa nhập khẩu nếu không có nhãn sẽ bị xử phạt. Mức phạt: từ 30,000,000 đến 60,000,000 đồng. Đồng thời sẽ bị bắt buộc khắc phục hậu quả. Hàng hóa sẽ được đưa khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hoặc, hàng hóa sẽ bị tái xuất. Hoặc, phải khắc phục các vi phạm trước khi hàng hóa được thông quan. Do đó, hàng hóa nhập khẩu bắt buộc phải có nhãn theo quy định.

Khoản 4 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC quy định:

- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định.

- Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua.

.