Lời cảnh tỉnh cho những đối tượng thao túng giá nhà đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Động thái tố tụng của Công an Hà Nội với các đối tượng là rất cần thiết, được dư luận hoan nghênh, ủng hộ nhiệt tình; đồng thời là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho các đối tượng có ý định xấu. Động thái nêu trên của Công an Hà Nội cũng góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững...
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Liên quan tới vụ việc gây bức xúc dư luận trả giá 30 tỷ đồng cho… 1m2 đất tại phiên đấu giá diễn ra ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ với 5 đối tượng cùng ngụ Hà Nội; để điều tra hành vi thông đồng nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản, có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản theo Điều 218 Bộ luật Hình sự.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất, giá khởi điểm 2,48 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước tương ứng 223 - 550 triệu đồng/lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm). Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

Đến vòng thứ 5, một số thửa đất được một số người tham gia trả giá cao bất thường. Trong đó có người trả 30 tỷ đồng 1m2 cho 3 thửa. Đến vòng đấu giá cuối cùng, các khách hàng này không tiếp tục trả giá các thửa đất trên nữa, nên các lô đó không thể đấu giá thành công. Kết thúc cuộc đấu giá, chỉ có 22/58 thửa đất được bán thành công; giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2, cao nhất 50,4 triệu/m2.

Sự việc có dấu hiệu cho thấy cuộc đấu giá bị “phá đám”. Theo quy định pháp luật, hành vi trả giá cao bất thường có thể chỉ dẫn đến hệ lụy là người đó mất tiền đặt cọc. Nhưng trong sự việc này, công an đã xác minh, phát hiện có hành vi thông đồng nâng giá giữa nhóm đối tượng trả giá cao bất thường trên.

Theo lời khai của các đối tượng, trước khi đấu giá, đã xác định mức giá chỉ khoảng trên 30 triệu đồng/m2 sẽ có thể bán chênh được; nên để khống chế kết quả đấu giá, các đối tượng đã thỏa thuận với nhau về mức giá qua 6 vòng đấu bắt buộc. Cụ thể là, nếu đến vòng 4, mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng thì vào vòng 5 sẽ đưa ra một mức cao đột biến để thắng áp đảo. Rồi đến vòng 6 sẽ cùng thống nhất bỏ không tiếp tục tham gia nữa. Mục đích là phá không cho lô đất được trúng đấu giá thành công.

Trong quá khứ, Hà Nội từng ghi nhận một trường hợp trả giá lên đến 4,28 tỷ đồng/m2 đất đấu giá tại huyện Mê Linh, gấp 142 lần giá khởi điểm, vào cuối năm 2023. Thế nhưng ngay sau buổi đấu giá, người này đã có đơn trình bày “ghi nhầm mức giá do lần đầu tham dự, tâm lý căng thẳng”, nên xin cơ quan chức năng cho nhận lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng và được chấp thuận.

Tuy nhiên, với những đối tượng trả giá cao bất thường trong cuộc bán đấu giá nêu trên thì lại khác, vì đã cố tình thông đồng nâng giá, cố tình làm nhiễu loạn thị trường, thao túng giá nhà đất… nên đã có dấu hiệu của tội phạm, cần điều tra, truy tố, xét xử đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm