“Lối đi” để Ninh Bình thành thành phố trực thuộc Trung ương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Địa phương này đang theo đuổi mục tiêu đến năm 2030 sẽ là tỉnh khá, là cực tăng trưởng trong các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng và cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.
 Tỉnh Ninh Bình xác định công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại là động lực của sự phát triển. (Ảnh: PV)
Tỉnh Ninh Bình xác định công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại là động lực của sự phát triển. (Ảnh: PV)

Công nghiệp là động lực tăng trưởng

Hiện, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 26.838,9 tỷ đồng, tăng 8,19% so với 6 tháng đầu năm 2023, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp thực sự đã trở thành động lực trong tăng trưởng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc - cho biết, quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có một số nội dung quan trọng như về quan điểm phát triển, kiên định theo hướng "Xanh, Bền vững và Hài hòa", lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực; Coi trọng phát triển văn hóa; Tăng cường liên kết vùng và mở rộng hợp tác quốc tế.

Về mục tiêu, chỉ tiêu và tầm nhìn, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; Tầm nhìn đến năm 2050 là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.

Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, tỉnh được phân thành ba vùng chức năng là các khu vực lãnh thổ tích hợp. Cụ thể, vùng trung tâm bao gồm vùng quy hoạch đô thị Ninh Bình và thành phố Tam Điệp. Đây sẽ là vùng chức năng tổng hợp giữ vai trò là động lực phát triển của tỉnh. Vùng Tây Bắc bao gồm huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn là khu vực phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nông thôn, khám phá và trải nghiệm, nơi tập trung các khu bảo tồn quan trọng... Vùng Đông Nam bao gồm huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh gắn với phát triển kinh tế biển, khu đô thị, dịch vụ ven biển...

Sẽ xây dựng 7 đô thị trung tâm

Các hoạt động kinh tế - xã hội tập trung chủ yếu ở các đô thị hiện hữu và các đô thị mới. Ninh Bình sẽ có 1 hành lang Bắc - Nam, hình thành gắn với đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt và QL.1A; là hành lang trụ cột hình thành vùng chức năng trung tâm, kết nối tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ.

3 hành lang Đông - Tây gồm hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam tỉnh Ninh Bình hình thành, phát triển gắn với tuyến đường Đông - Tây kết nối Ninh Bình với vùng Tây Bắc và vùng kinh tế hành lang ven biển. Hành lang kinh tế Đông - Tây phía Bắc tỉnh Ninh Bình hình thành, phát triển theo trục đường Bái Đính - Kim Sơn ven sông Đáy, kết hợp đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Hành lang kinh tế xuyên tâm Đông - Tây hình thành, phát triển theo các trục đường: QL.21C, QL.12B,... Hành lang ven biển phát triển theo trục kết nối vùng Duyên hải Việt Nam.

Toàn tỉnh có 7 đô thị trung tâm gồm 1 đô thị loại I (đô thị hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư), 1 đô thị loại II (thành phố Tam Điệp), 5 đô thị loại IV... Có 2 đô thị chức năng (Gián Khẩu, Bình Minh) và các đô thị khác thành lập theo nhu cầu phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - ông Phạm Quang Ngọc khẳng định, quy hoạch tỉnh Ninh Bình là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh này hoạch định chính sách, triển khai các nhiệm vụ, tổ chức sắp xếp không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh; nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Đọc thêm