Lối đi nào cho nông sản chế biến?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong hành trình chuyển mình mạnh mẽ của nền nông nghiệp Việt Nam, chế biến sâu nông sản đang nổi lên như một hướng đi chiến lược nhằm nâng tầm giá trị, mở rộng thị trường và gia tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, song hành cùng kỳ vọng là vô vàn thách thức đòi hỏi sự kiên trì và đột phá.
Lối đi nào cho nông sản chế biến?

Chế biến sâu – Hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị nông sản

Các doanh nghiệp như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Maca Hills, Công ty CP Tập đoàn Chế biến Nông sản Mạnh Cường và Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Sagri Bazan đang cho thấy những cách tiếp cận khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu: nâng cao giá trị nông sản Việt. Là quốc gia nông nghiệp với hàng trăm loại nông sản phong phú, Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ tiềm năng lớn khi tỷ lệ chế biến sâu còn thấp. Trong khi đó, thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn và tính tiện dụng của sản phẩm.

Với tầm nhìn chiến lược, Công ty CP Tập đoàn Chế biến Nông sản Mạnh Cường đã mạnh dạn đầu tư vào chế biến sâu các mặt hàng gia vị như quế, hồi, hạt tiêu, nghệ… và chinh phục các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Công ty Maca Hills cũng theo đuổi hướng đi này, tạo ra các sản phẩm macca chế biến cao cấp, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Tuy nhiên, để chinh phục những thị trường khắt khe ấy là cả một hành trình gian nan.

Ông Nguyễn Minh Khiêm – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Maca Hills cho biết, rào cản lớn nhất hiện nay là khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho đầu tư công nghệ. Quy mô sản xuất nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế khiến doanh nghiệp dè dặt trong đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu còn manh mún, phụ thuộc vào nông dân nhỏ lẻ, dẫn tới khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Maca Hills đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng chặt chẽ, nhưng quá trình này đòi hỏi thời gian và sự bền bỉ.

Ông Nguyễn Minh Khiêm – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Maca Hills.

Ông Nguyễn Minh Khiêm – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Maca Hills.

Không chỉ vậy, thủ tục hành chính phức tạp, tiêu chuẩn quốc tế khắt khe cũng là những thách thức lớn. Việc đạt các chứng nhận quốc tế như Halal, HACCP… đòi hỏi chi phí và năng lực pháp lý cao mà không phải doanh nghiệp nhỏ và vừa nào cũng đủ sức đáp ứng. Theo bà Phạm Thị Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến Nông sản Mạnh Cường, các doanh nghiệp tư nhân đang đứng trước “cửa sổ cơ hội” khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch, hữu cơ, chế biến sẵn ngày càng gia tăng.

Bà Phạm Thị Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến Nông sản Mạnh Cường.

Bà Phạm Thị Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến Nông sản Mạnh Cường.

Đổi mới công nghệ – Chìa khóa nâng tầm giá trị

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty CP Tập đoàn Chế biến Nông sản Mạnh Cường đã đầu tư vào công nghệ sấy không khói, đóng gói thân thiện với môi trường. Maca Hills đẩy mạnh hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, hướng tới các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Sagri Bazan chú trọng phát triển kỹ thuật chế biến phù hợp với đặc thù sản phẩm vùng cao, đồng thời chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ mở rộng quy mô.

Các doanh nghiệp hiểu rằng, thương hiệu không chỉ nằm ở logo hay bao bì, mà phải gắn liền với câu chuyện bản sắc riêng. Công ty CP Tập đoàn Chế biến Nông sản Mạnh Cường xây dựng thương hiệu dựa trên giá trị dinh dưỡng và nguồn gốc bản địa. Sagri Bazan định vị thương hiệu gắn với cao nguyên M’Nông. Maca Hills hướng đến phân khúc quà tặng cao cấp, kết hợp trải nghiệm du lịch và văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ. Vốn vẫn là “nút thắt” lớn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các start-up, khó tiếp cận các khoản vay ưu đãi hoặc nguồn vốn dài hạn để đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại. Ông Nguyễn Minh Khiêm đề xuất cần có các chương trình tín dụng chuyên biệt, lãi suất thấp, kèm theo cơ chế bảo lãnh vay từ Nhà nước hoặc quỹ phát triển, giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư.

Bà Phạm Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh: "Chuyển giao công nghệ là đòn bẩy gia tăng giá trị, yếu tố tất yếu để các doanh nghiệp chế biến nông sản bứt phá. Chế biến sâu sẽ không hiệu quả nếu doanh nghiệp còn loay hoay với công nghệ lạc hậu. Việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển giao công nghệ giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Đồng thời, cần có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong bảo quản và chế biến".

Phát triển nhân lực – Đầu tư cho tương lai

Nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một điểm nghẽn lớn của ngành chế biến nông sản. Các doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động kỹ thuật vận hành máy móc hiện đại và cán bộ quản lý am hiểu thị trường quốc tế. Do đó, việc phát triển hệ thống đào tạo nghề, cao đẳng, đại học chuyên ngành chế biến nông sản là bước đi chiến lược để đảm bảo tính chuyên nghiệp và phát triển bền vững.

Song song, doanh nghiệp tư nhân cần được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại, sự kiện xúc tiến đầu tư, cũng như trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Xây dựng thương hiệu ngành hàng nông sản chế biến Việt Nam trở thành lựa chọn quen thuộc tại các siêu thị, chợ đầu mối quốc tế là bước đi không thể thiếu.

Cải cách thể chế – "Mở cửa" cho doanh nghiệp

Một hệ sinh thái phát triển không thể thiếu cải cách thể chế. Việc tinh gọn quy trình cấp phép, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, đăng ký thương hiệu, truy xuất nguồn gốc... sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và tập trung vào đổi mới sáng tạo. Theo bà Ngọc Dung – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Sagri Bazan, doanh nghiệp tư nhân cần được coi là “bạn đồng hành” của chính sách, chứ không chỉ là “đối tượng thực thi”.

Bà Ngọc Dung – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Sagri Bazan.

Bà Ngọc Dung – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Sagri Bazan.

Đọc thêm