Nguyên Thứ trưởng muốn Bộ trưởng “gọi” vốn trong dân
Từng có thời gian gắn bó với ngành GTVT ở cương vị Thứ trưởng, ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng vẫn tâm đặc với câu nói ngắn gọn mà hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Giao thông phải đi trước một bước”. Bởi theo Bí thư Thể, giao thông đi đến đâu thì rất có thể ngay sau đó các khu, cụm công nghiệp sẽ “mọc” lên ở đó, kinh tế xã hội vì thế cũng được mở mang, phát triển.
“5 năm qua, hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển vượt bậc và được xã hội ghi nhận, đánh giá cao nhưng vẫn còn điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội. Vì thế, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cần bắt tay ngay vào công việc, và cần có những tham mưu đề xuất để có được nguồn vốn đầu tư mạnh hơn cho lĩnh vực này”, ông Thể lưu ý.
Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Trương Quang Nghĩa có thời gian nhiều năm công tác trong Quân đội và lãnh đạo một số tỉnh, thành, cơ quan Trung ương |
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhu cầu đầu tư cho hạ tầng lớn nhưng nguồn ngân sách Nhà nước có hạn, vay nợ nước ngoài thì lãi suất ngày một cao, hơn nữa chúng ta đang bị giới hạn bởi trần nợ công.
“Vì thế, tôi kỳ vọng tân Bộ trưởng bằng khả năng của mình sẽ đề xuất được cơ chế mới qua đó thu hút được nguồn vốn trong dân hoặc kiến nghị tăng nguồn vốn cho vay trung hạn đối với các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP để tạo vốn “mồi”. Dù biết đầu tư cho giao thông thu hồi vốn chậm, thậm chí có thể có rủi ro, vì thế cần kiến nghị Chính phủ có cơ chế để đảm bảo việc triển khai. Sở dĩ tôi nói vậy là vì cơ chế cũ, thì Bộ trưởng Thăng đã khai thác gần hết khung rồi”, nguyên Thứ trưởng GTVT nói.
Riêng các dự án sử dụng ngân sách, theo ông Thể, Bộ GTVT cần kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành kế hoạch trung hạn đối với các dự án của ngành Giao thông ngay từ đầu năm bởi nếu để đến cuối năm, thì rất nhiều dự án phải “nằm” chờ, lỡ cơ hội như công trình trọng điểm quốc gia - cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh với Sóc Trăng, nhà đầu tư hiện đang chờ xem vốn ngân sách ra sao mới tiếp tục triển khai.
Còn các công trình, dự án đang dở dang mà Bộ GTVT đóng vai trò là cơ quan quản lý như tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang), luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào Sông Hậu, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đã khởi công 1 năm), tuyến tránh Sóc Trăng, đường hành lang ven biển (đã thu xếp được vốn), cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ..., Bộ trưởng cần vào việc ngay để đảm bảo tiến độ dự án.
Ngoài ra, với tư cách là người từng có nhiều năm “lăn lộn” với ngành GTVT, lại đang làm việc ở một tỉnh miền Tây Nam bộ, Bí thư Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh thêm: “Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giao thông khá cách trở, nhưng nó là vựa lúa của cả nước, quyết định đến vấn đề an ninh lương thực nhưng hiện đang chịu tác động mạnh của tình trạng biến đổi khí hậu. Do đó, tôi kiến nghị tới đây khi thiết kế thi công các công trình, đặc biệt là cầu cần tính đến giải pháp ngăn mặn, giữ ngọt để vừa đối phó được với biến đổi khí hậu vừa phát triển nông nghiệp của vùng. Những mong mỏi đó là từ trong tâm tôi, và tôi hy vọng tân Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa với sự tâm huyết của mình sẽ làm được”, ông Thể nhấn mạnh.
Tránh chồng chéo giữa các PMU
Trao đổi với PLVN trước thời khắc diễn ra lễ bàn giao nhiệm vụ giữa nguyên Bộ trưởng và tân Bộ trưởng GTVT, ông Phạm Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) 2 thuộc Bộ GTVT nói, điều ông mong nhất sau khi ông Trương Quang Nghĩa nhậm chức đó là việc làm cho cán bộ công nhân viên của đơn vị, bởi thời gian gần đây các dự án sử dụng vốn ngân sách do các PMU làm đại diện chủ đầu tư cơ bản sắp hoàn thành, các PMU chuyển sang quản lý các dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư) với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì thế, chuyện công ăn việc làm cũng là vấn đề được các PMU đặc biệt quan tâm.
Giải quyết vốn đối ứng ODA - Điều nhiều người đang kỳ vọng vào nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nghĩa |
“Ngoài ra, để tạo sự tinh nhuệ cho các PMU, tôi mong tới đây, Bộ sẽ có giải pháp để khoanh vùng hoạt động giữa các PMU nhằm tránh chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, nên có hướng để một số PMU đi vào các lĩnh vực chuyên sâu, “anh” nào mạnh quản lý các Dự án ODA thì nên hướng để PMU đó quản lý các dự án đó. Làm như thế, trong quá trình triển khai dự án sẽ không bỡ ngỡ mà còn tăng tính chuyên nghiệp”, ông Sơn đề xuất với tân Bộ trưởng.
Cũng lĩnh vực Dự án ODA, ông Trần Anh - Tổng Giám đốc PMU Hàng hải và ông Phạm Hồng Sơn đồng kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT tới đây cần có cơ chế để tháo gỡ vấn đề vốn đối ứng cho các dự án này. “Nếu không sớm giải quyết vấn đề trên, chúng ta không chỉ đối mặt với nguy cơ bị các nhà thầu nước ngoài kiện đòi bồi thường thiệt hại hợp đồng mà rất có thể nhiều dự án trong đó có Dự án cảng cửa ngỏ quốc tế Lạch Huyện do chúng tôi đang thực hiện khó có thể về đích như kế hoạch đã định, vì năm 2016 vốn đối ứng cho dự án vẫn chưa bố trí được đồng nào”, Tổng Giám đốc Trần Anh nói.