Thể chế trong Kỷ nguyên mới

Lời giải từ chủ trương xã hội hóa trong đầu tư sân bay

(PLVN) - Phú Quốc là địa điểm tổ chức APEC 2027, đồng nghĩa thành phố đảo chỉ còn 2 năm chạy đua tháo gỡ những “điểm nghẽn”, đặc biệt là về hạ tầng hàng không để nắm lấy cơ hội vàng “bước chân” ra thế giới. Đây là lĩnh vực mà khu vực kinh tế tư nhân có thể tham gia để đóng góp cho sự phát triển của điểm đến và đất nước. Các doanh nghiệp cần làm gì để tham gia giải quyết những “bài toán” của đất nước như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị ngày 10/2 của Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới?
Sân bay Phú Quốc được nâng cấp hiện đại.
Sân bay Phú Quốc được nâng cấp hiện đại.

Cảng hàng không Phú Quốc đang cần nâng cấp, mở rộng ngay

Hiện tại, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp khai thác CHK quốc tế Phú Quốc. Theo quy định, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý, vận hành, duy trì điều kiện khai thác, ACV có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu tại CHK này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nâng cấp không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Cụ thể sau khi nâng cấp công suất từ 2,65 triệu khách lên 4 triệu khách năm 2018, ngay sau đó, năm 2019, CHK quốc tế Phú Quốc đã đón 3,7 triệu hành khách; vượt quá công suất dự báo của cảng năm 2020.

Thực tế, từ năm 2020 ACV cũng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2, công suất 6 triệu hành khách/năm. Nhưng đến nay dự án chưa có tiến triển. Theo hồ sơ quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, CHK quốc tế Phú Quốc được mở rộng, nâng công suất đạt khoảng 10 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 nâng lên 18 triệu hành khách/năm. Theo các chuyên gia, đã đến lúc việc nâng cấp, mở rộng CHK Phú Quốc cần làm ngay, không thể cứ tiếp tục chờ đợi. Cho dù tình trạng quá tải khách quốc tế xuất hiện cục bộ các thời điểm trong năm nhưng không thể đợi đến lúc quá tải như các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài mới nghĩ đến việc mở rộng, nâng cấp. Nếu ACV không thể thu xếp nguồn lực, nên chăng cần mạnh dạn quyết liệt thu hút xã hội hóa.

Tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 5/4/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao “Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Kiên Giang nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp để đầu tư mở rộng CHK quốc tế Phú Quốc (ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP), nâng tổng công suất đến năm 2030 lên 10 triệu hành khách/năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với các quy định hiện hành”.

Chính phủ đã có chủ trương, địa phương cần có động thái thúc đẩy

Cục trưởng CHK Việt Nam Uông Việt Dũng cho biết, Chính phủ đã có chủ trương đầu tư mở rộng để chuẩn bị cho Hội nghị APEC 2027. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể hệ thống CHK, sân bay toàn quốc được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT đã giao Cục khẩn trương hoàn thành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch CHKQT Phú Quốc. Theo ông Dũng, về phương án đầu tư, sẽ xem xét và tính toán phương án tối ưu nhất, huy động mọi nguồn lực để đầu tư nhanh nhất hạ tầng sân bay Phú Quốc, bao gồm cả sử dụng nguồn vốn nhà nước và huy động nguồn vốn khác của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, dù phương án nào thì nhà đầu tư phải đầu tư tổng thể các công trình thiết yếu.

Như vậy, mặc dù đã có phương án đầu tư, Phú Quốc vẫn đứng trước áp lực lớn khi APEC 2027 tới gần và ngành Du lịch tăng trưởng mạnh mẽ.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: Sự kiện APEC 2027 sắp tới được tổ chức ở Phú Quốc cần được coi là điểm đột phá rất mạnh để tạo bước nhảy vọt cho du lịch Việt Nam vào kỷ nguyên mới. Trung ương cần dồn mọi sự hỗ trợ để giúp sự kiện APEC 2027 tạo được tiếng vang cực lớn, sức hấp dẫn cực mạnh. Theo ông Thiên, cần ưu tiên khắc phục ngay những bất cập, tồn tại để Phú Quốc cũng như Việt Nam tận dụng thật tốt cơ hội “ghi điểm” với thế giới. Đây là việc cần làm ngay, không thể tiếp tục chờ đợi.

Nếu Phú Quốc và Kiên Giang không có động thái thúc đẩy mạnh mẽ, sẽ để lỡ mất cơ hội. Nhìn sang các địa phương khác, mới đây nhất, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) được Thủ tướng đồng ý đầu tư, nâng cấp theo hình thức xã hội hóa, đáp ứng công suất đến năm 2030 khoảng 10 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa. Sân bay Thành Sơn đã được UBND tỉnh Ninh Thuận lập đề án xã hội hóa và quy hoạch chi tiết trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt cuối 2024. Năm 2025, UBND tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư PPP cho dự án.

Theo Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Phú Quốc sẽ được nâng cấp và có công suất đạt 10 triệu hành khách/năm giai đoạn đến năm 2030 và 18 triệu hành khách/năm tầm nhìn 2050.

Tổng chi phí đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 ước tính khoảng hơn 9.500 tỷ đồng. Sân bay Phú Quốc sẽ cần mở rộng gần như toàn diện cả về đường băng, sân đỗ, xây mới Nhà ga hành khách T2 và cải thiện hạ tầng dịch vụ mặt đất. Việc nâng cấp này không chỉ tăng quy mô lượng khách tiếp nhận qua sân bay, mà hơn hết còn hiện đại hóa hệ thống làm thủ tục, rút ngắn thời gian xuất nhập cảnh cho hành khách quốc tế.

Theo ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, mở rộng hạ tầng sân bay Phú Quốc là việc cần thiết và cấp thiết, không chỉ để phục vụ APEC 2027, mà xa hơn còn tạo tiền đề cho Phú Quốc bứt phá thành điểm đến du lịch hàng đầu khu vực.

Cần nguồn lực doanh nghiệp vào cuộc

Để giải “bài toán” hơn 9.500 tỷ đồng, tìm đến nguồn lực xã hội hóa được xem là lời giải khả thi nhất để kịp thời nâng cấp sân bay Phú Quốc. Thực tế trên thế giới đã có không ít sân bay được xây dựng và đẩy nhanh tiến độ nâng cấp nhờ có sự vào cuộc của khu vực tư nhân. Singapore đang rốt ráo hoàn thành siêu nhà ga số 5 có công suất 50 triệu khách/năm trong 5 năm với 51% vốn của Tập đoàn sân bay Changi và 49% còn lại từ đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Capitamalls Asia. Thái Lan cũng nhắm vào nguồn vốn huy động tư nhân khi dự định xây thêm sân bay ở thủ đô Bangkok để giảm tải cho sân bay Suvarnabhumi. Hay loạt sân bay hàng đầu Ấn Độ như sân bay quốc tế Delhi, sân bay Mumbai, sân bay Hyderabad cũng đều được xây dựng và hiện đại hóa dựa trên nguồn vốn công tư.

Ngay tại nước ta, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) hay gần đây nhất là sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) với tiến độ cam kết làm cả 2 giai đoạn chỉ trong 12 tháng cũng đều là sân bay được xây dựng với hình thức PPP hoặc có sự đầu tư, thi công của khối tư nhân.

Tựu trung, 2 năm là khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng không còn nhiều để Phú Quốc “chần chừ” sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng cửa ngõ, trước để phục vụ APEC và sau là để đón đầu những vận hội chuyển mình hậu APEC.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam:

"Tạo cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông"

Hiểu được vai trò "đi trước dẫn đường" của hạ tầng giao thông với sự phát triển kinh tế đất nước, nên trong những năm qua, không ít địa phương đã mời gọi khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng đường cao tốc, sân bay quy mô, khang trang, hiện đại. Riêng về sân bay, nhìn lại thời gian qua, việc đầu tư các CHK mới thường mất rất nhiều năm. Xét các dự án đầu tư hạ tầng hàng không mới từ sau năm 1975 của nước ta thì còn rất hạn chế. Điểm sáng nhất trong đó là sân bay quốc tế Vân Đồn ở Quảng Ninh. Đây là CHK mới do tập đoàn tư nhân đầu tư và xây dựng, chỉ trong 24 tháng.

Mới đây, sân bay Gia Bình (tại Bắc Ninh) có nhà thầu là doanh nghiệp tư nhân gây chú ý với cam kết xây xong một sân bay lưỡng dụng trong 12 tháng. Thời gian qua, khối tư nhân đã chứng minh năng lực trong việc phát triển dự án hạ tầng trọng điểm. Các công trình được triển khai nhanh, quyết liệt, đặc biệt không đội vốn, thể hiện tinh thần chống lãng phí, tiết kiệm nguồn lực to lớn cho đất nước. Doanh nghiệp tư nhân có khả năng làm tốt những nhiệm vụ quan trọng để kiến thiết quốc gia. Vậy, hiển nhiên, theo tôi Chính phủ cần có những chính sách thu hút đầu tư như ưu đãi về chính sách vay vốn, cơ chế, chính sách phù hợp yêu cầu phát triển chung, hài hòa của cả đất nước, doanh nghiệp và người dân.

Ở đây quy hoạch đóng vai trò quan trọng. Khi đã có luật rõ ràng, quy hoạch đi trước, doanh nghiệp có thể đứng ra đề xuất tham gia dự án. Chính sách sẽ được đề xuất phù hợp với từng dự án và từng bối cảnh. Tuy nhiên, cần được nghiên cứu sớm tạo cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông nói chung, sân bay nói riêng để có thể tạo được sự đột phá về hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đọc thêm