Lời hồi đáp thanh xuân

(PLVN) - “Rồi ngày nào đó tuổi thanh xuân tươi đẹp này cũng sẽ rời xa/Tựa như những cánh hoa chớm nở rồi cũng sẽ tàn phai/Tuổi trẻ của tôi trôi qua mỗi đêm trăng/Giống như một bản tình ca đượm buồn/Tôi đưa tay cố giữ lại những tháng ngày đang trôi đi/Thời gian đã qua đi như thế/Tôi sẽ tha thứ cho ai đó bỏ tôi lại một mình/ Nhưng cả thời gian cũng dần rời bỏ tôi”… 
Lời hồi đáp thanh xuân

1. Bạn kể, năm học lớp 12, mẹ bị ung thư dạ dày, bệnh nặng nên mẹ xuất huyết rất nhiều. Mỗi lần như vậy, mẹ được truyền rất nhiều máu và vì hoàn cảnh khó khăn nên tất cả đều miễn phí. Mình không biết mẹ nhận được bao nhiêu bịch máu, chỉ biết là rất nhiều, rất nhiều, mình biết ơn vô cùng! Trong đầu mình nghĩ là sau này nếu có cơ hội, mình sẽ trả lại toàn bộ. 

Cuối năm đó mẹ mình mất, mình vào Sài Gòn học, cũng từ đó mình bắt đầu trả lại những bịch máu quý giá đó cho xã hội, sau 3 tháng 1 lần, mỗi lần 350ml. 

Đến giờ tròn 30 lần rồi. Không biết đã đủ số máu mà mẹ mình đã nhận khi xưa chưa? Nhưng dù có đủ thì mình vẫn tiếp tục. Mỗi lần đi hiến máu về lại nhớ mẹ, thành ra mình nghĩ là việc làm này cũng là cách để mình tưởng nhớ mẹ. 

Nhớ lắm...

2. Wanda - cô bé bị bắt nạt trong cuốn “Một trăm chiếc váy”, chính là người đã góp phần khơi nguồn cơn cho những kẻ bắt nạt cô. Bởi vì cô bé nghèo chỉ có duy nhất một chiếc váy xanh bạc màu ấy, lại dám huyênh hoang nói chắc như đinh đóng cột rằng tủ quần áo của mình gồm một trăm chiếc váy đủ màu sắp thành hàng cho cô chọn. Những cô bạn cùng lớp, nhanh chóng nhận ra lời “nói dối” vụng về ấy, đã biến cô thành một trò đùa sau mỗi giờ tan học. Peggy, cô bé đi bắt nạt Wanda, không phải là một cô bé xấu tính. Cô biết bênh vực kẻ yếu, thương xót động vật và cô chả hề bao giờ ngờ rằng trò đùa của cô với Wanda về “một trăm chiếc váy” là một trò đùa ác. “Ai bảo nó đi nói dối về việc một trăm cái váy làm gì?”.

Câu chuyện của những cô bé học sinh 8-9 tuổi ấy có khiến người lớn chúng ta giật mình không? Chúng ta rất dễ mủi lòng trước những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta rất dễ thương xót những người cơ nhỡ, nhưng chúng ta-thường không dễ nhân từ với những người mà chúng ta coi là “xấu xa” theo chuẩn mực của chúng ta. Không phải mọi lời nói không thật đều là nói dối, không phải mọi kẻ nói quá đều là huyênh hoang, khoác lác hay sĩ diện. Nếu không đủ cảm thông và tinh tế, để thấy thế giới không chỉ có hai màu đen trắng, thì chúng ta - dù có nhiều tuổi  cũng chẳng khác gì những cô bé 8-9 tuổi khăng khăng rằng kẻ đã nói dối thì đáng bị trừng phạt, đáng bị bêu riếu và là những kẻ “không chơi được”. 

Lời nói dối về một trăm chiếc váy đã được thốt ra trong một buổi sáng đẹp trời, khi mà mọi cô bé đều háo hức bàn tán về một chiếc váy lụa đỏ mà một cô bạn cùng trường đang diện. Khát khao của Wanda được công nhận, được là một phần của nhóm, được bộc lộ mình đã khiến cho cô phút chốc đánh rơi mất cái vỏ bọc tự ti mà cô bé dân nhập cư nhà nghèo ấy khoác lên mình. Nỗi lo sợ và bản năng tự vệ đã khiến Meddie phải miễn cưỡng tham gia vào trò chơi, trở thành một kẻ bắt nạt. Và bắt nạt một người mà cô bé không hề ghét bỏ…

3. Tựa như phim Lời hồi đáp 1988, một trong những phim tái hiện lại một khu xóm dung dị, chan chứa, chứa chan tình bạn thơ ngây, tình làng nghĩa xóm những năm 1980, gây xúc động mạnh mẽ với những ai đã xem. Thời gian trôi đi, con người cũng phải thay đổi, những gia đình ở khu xóm này lần lượt chuyển đi hết. Thế nhưng, những kỷ niệm của bọn trẻ, những rung động đầu đời ngây ngô hay những câu chuyện không bao giờ đi đến hồi kết của các bà mẹ vẫn chôn chặt ở nơi đây. Xóm nhỏ Ssang Mun Dong chứng kiến sự lớn lên của lũ trẻ, chứng kiến chúng đi qua tuổi thanh xuân-quãng thời gian đẹp nhất của đời người. Ssang Mun Dong đã gắn kết những con người xa lạ trở thành cặp bạn tri kỷ, hàng xóm thân thiết. Ai rồi cũng phải trưởng thành, ai rồi cũng tìm được lời hồi đáp cho riêng mình: “Cuộc đời như một hộp chocolate. Trước khi mở ra thì mãi mãi không biết, ăn rồi mới biết mùi vị thế nào. Cầm phải viên chocolate đắng chính là số phận bạn đã lựa chọn. Không được hối hận, không được khóc lóc, cũng không được đau lòng”; “Thời gian cứ thế trôi, tuổi tác cũng nhiều hơn. Tuổi xuân tươi đẹp cũng chính vì vậy mà không thể nào quay lại được. Chúng ta đang tiếp tục sống mà quên đi bao nhiêu điều đã qua”. Tuổi trẻ ngắn lắm, yêu ai, thích ai là phải điên cuồng lên, đừng như Jung Hwan “mặt cún” do dự không dứt khoát, để rồi cuối cùng để vuột mất mối tình đầu của mình. 

Và lời ca khúc Youth trầm buồn như một tiếng thở dài đầy tiếc nuối, bởi những điều đẹp đẽ của những năm tháng thời chưa có online, chưa có smatphone và những bữa cơm đạm bạc, ấm áp đã mãi ở lại trong ký ức… “Rồi ngày nào đó tuổi thanh xuân tươi đẹp này cũng sẽ rời xa/Tựa như những cánh hoa chớm nở rồi cũng sẽ tàn phai/Tuổi trẻ của tôi trôi qua mỗi đêm trăng/Giống như một bản tình ca đượm buồn/Tôi đưa tay cố giữ lại những tháng ngày đang trôi đi/Thời gian đã qua đi như thế/Tôi sẽ tha thứ cho ai đó bỏ tôi lại một mình/ Nhưng cả thời gian cũng dần rời bỏ tôi”… 

Vậy đó, tất cả chúng ta đều lớn lên từ một đứa bé trong veo như giọt nước! Thời gian sẽ cuốn mỗi con người, những người bạn đã từng gắn bó, tri kỷ đi nhiều ngả! Và đôi khi chúng ta giật mình trong những cái ngoái nhìn về tuổi thơ, về thanh xuân như một lời hồi đáp rung động về những ký ức đẹp đẽ, một đi không trở lại với mỗi người… 

Đọc thêm