Lơi lỏng an ninh lại lễ hội âm nhạc: Thiếu chuyên nghiệp tất yếu phải trả giá

(PLO) - Về những nguy hiểm xung quanh các đại nhạc hội, thế giới đã trải qua quá nhiều bài học cay đắng. Vậy mà một ban tổ chức chương trình đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện lại không lường trước được thì quả là điều khó hiểu. 
Tại các lễ hội âm nhạc thường không tránh khỏi việc sử dụng chất kích thích, dẫn đến quá khích, bạo lực (ảnh minh họa).
Tại các lễ hội âm nhạc thường không tránh khỏi việc sử dụng chất kích thích, dẫn đến quá khích, bạo lực (ảnh minh họa).

Bi kịch tại Lễ hội Âm nhạc điện tử “Du hành tới mặt trăng” vừa qua tại Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) là một tiếng chuông một lần nữa cảnh tỉnh cho tất cả các đơn vị quản lý, tổ chức các lễ hội văn hóa. 

Sân khấu quá tải, không khí ngột ngạt vì chất kích thích

Sau vụ việc xảy ra tại Lễ hội Âm nhạc điện tử tối 16/9, nói về việc đảm bảo an ninh trật tự và phòng ngừa sử dụng ma túy tại đêm hội âm nhạc, trả lời báo chí, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội), cho biết, địa phương đã tổ chức thanh tra theo quy định, Công viên nước Hồ Tây cam kết đảm bảo an ninh trật tự theo quy định.

Song, được biết, số nhân viên bảo vệ tại Công viên còn chưa tới chục người. Và cũng không ai rõ những nhân viên bảo vệ này có nghiệp vụ về an ninh, an toàn hay không; có nghiệp vụ về nhận biết chất ma túy, hay nhân vật khả nghi có thể gây nguy hiểm cho người tham dự khác hay không...

Được biết, số lượng người tham dự, mà đơn vị tổ chức – Công ty TNHH Kết nối Á Châu đăng ký, được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp giấy phép tổ chức là khoảng 5.000, còn con số chính thức vẫn chưa được xác nhận. Nhưng, theo phản ánh của nhiều người tham dự lễ hội, cả ba sân khấu đều quá tải do lượng người đến quá đông. Từ khu vực VIP,  những người dự lễ hội âm nhạc đứng san sát, khó di chuyển. Do ngột ngạt và mất nước, nhiều thanh niên bất tỉnh.

Còn về công tác an ninh thực tế tại ngày diễn ra nhạc hội, tại cửa ra vào, lực lượng bảo vệ chia khách thành 2 làn kiểm tra vật dụng, kiểm soát đồ đạc được phép mang vào. Quá trình kiểm tra không quá gắt gao. Nhiều người tham gia phản ánh, trong suốt thời gian chương trình tổ chức, đều ngửi và phát hiện thấy người sử dụng chất kích thích, thậm chí đến mức ngạt thở, không chịu được, phải ra về sớm, nhưng bên an ninh bảo vệ không có động tĩnh, xử lý gì.

Đáng lẽ, đảm bảo sự an toàn cho người tham dự, nhân viên và nghệ sĩ phải là ưu tiên hàng đầu của Ban tổ chức lễ hội. Hơn nữa, còn là một sự kiện lớn có yếu tố quốc tế với các DJ và du khách người nước ngoài. 

Bài học quá đắt giá

Tại các lễ hội âm nhạc EDM trên thế giới, ví dụ Electric Daisy Carnival (Mỹ), Electric Zoo (Mỹ), TomorrowLand (Bỉ)..., công tác an ninh an toàn đều được thực hiện rất gắt gao, đúng quy trình. Thậm chí có thể gây khó chịu với người tham dự, nhân viên an ninh vẫn phải đảm bảo, làm tròn trách nhiệm của mình. Trước sự kiện diễn ra, Ban tổ chức luôn đưa ra những chính sách, khuyến cáo về việc tham gia lễ hội, và đặc biệt danh sách những vật, chất cấm được mang vào trong lễ hội.

Người tham dự từ việc phải xuất trình giấy tờ tùy thân, tháo thắt lưng, bỏ giày, đi qua cửa an ninh, bị lục túi và loại bỏ bất cứ đồ vật nào bị cho là khả nghi, thậm chí còn có thể bị lục soát người (quá trình lục soát người diễn ra trong phòng kín, đối tượng kiểm tra cùng giới).

Các vật dụng điện tử đều được khám xét kỹ lưỡng. Có nhiều nơi phải sử dụng chó nghiệp vụ để đánh hơi ma túy. Đặc biệt, các nhân viên an ninh an toàn phải cảnh giác liên tục trước, trong và sau khi sự kiện diễn ra. 

Cụ thể hơn, một lễ hội âm nhạc điện tử vừa mới kết thúc thành công năm nay và cũng được cho là an toàn nhất từ trước đến giờ, chính là Ultra  Music Festival (tại Miami, Mỹ) diễn ra vào 29/3 – 1/4/2018. Ngoài những hoạt động cơ bản như mọi lễ hội khác, lực lượng cảnh sát Miami cũng có mặt tại lễ hội. Trong 3 ngày diễn ra chương trình, với tổng số người tham dự lên tới 165.000 người.

Nhận thấy, vị trí của đại nhạc hội được bao quanh bởi nhiều tòa nhà chọc trời, họ phân công một tổ đánh số và quan sát các tòa nhà xung quanh, nhằm nhận biết và ngăn ngừa kịp thời những “tay súng ẩn nấp” tấn công từ trên cao. 

“Chúng tôi nhìn nhận thấy đó là những điều nhiều nước trên thế giới đã trải qua và phải đề phòng, nên phải áp dụng ngay để bảo vệ an toàn cho người dân”, một viên cảnh sát Miami nói... Những người tham dự lễ hội cũng được phổ cập kiến thức tham gia lễ hội, có ý thức, nghĩa vụ báo cáo với các lực lượng an ninh ngay khi nhận thấy có dấu hiệu khả nghi hoặc gây mất an toàn trật tự.  

Mặc dù được cho là một trong những hệ thống an ninh, an toàn nhất trong các lễ hội vừa qua tại Mỹ, vẫn có một số sự cố xảy ra. Theo báo cáo của cảnh sát, có 27 đối tượng bị bắt giữ do liên quan tới sử dụng ma túy, làm giả vé và tấn công cảnh sát.

Từ câu chuyện của Mỹ có thể thấy công tác an ninh, an toàn không những phải thực hiện nghiêm túc mà còn phải toàn diện, bởi bất cứ lúc nào, ở đâu những tai nạn đáng tiếc cũng có thể xảy ra. Hay nói như ông Trương Minh Tiến - đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội: “Vụ tử vong tại lễ hội âm nhạc “Du hành tới mặt trăng” là một bài học cho các cơ quan tổ chức và quản lý lễ hội, đại nhạc hội sau. Đó là phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an”.