Lợi nhuận giảm từ 868 tỷ xuống còn 197 tỷ đồng: TKV “bết bát” do đâu?

(PLO) - Báo cáo tài chính của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2016 của TKV sụt giảm mạnh so với năm ngoái, từ 868 tỷ xuống còn 197 tỷ đồng. Vì sao TKV lại làm ăn “bết bát” như vậy?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Doanh thu giảm 3000 tỷ đồng

Giữa tháng 9 vừa qua, TKV công bố cáo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2016. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ sáu tháng đầu năm nay của TKV sụt giảm hơn 3.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận tính đến ngày 30/6/2016 chỉ bằng 22,74% so với cùng kỳ 2015.

Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ sáu tháng đầu năm nay của TKV là 35.548 tỉ đồng, trong khi năm ngoái là 38.789 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức khiêm tốn là 197 tỉ đồng (năm ngoái là 866 tỉ đồng).

Cũng theo báo cáo của TKV, hàng tồn kho tại thời điểm ngày 30/6 khoảng 20.324 tỉ đồng, trong khi mức tồn kho của thời điểm này năm ngoái là 16.998 tỉ đồng.

Bảng cân đối kế toán của TKV cho thấy, đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Tập đoàn này là 142.652 tỷ đồng, tăng hơn 4.100 tỷ đồng so với đầu năm nay. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 36.234,7 tỷ đồng, tăng hơn 4.100 tỷ đồng so đầu năm. Điều đáng nói, mức tăng này chủ yếu do giá trị than tồn kho tăng cao lên đến 20.324,6 tỷ đồng (đầu năm là 3.300 tỷ đồng). Tổng nợ phải trả của TKV là 104.013 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo kết quả kinh doanh, chi phí lãi vay của TKV sáu tháng đầu năm nay tăng mạnh, lên mức 2.188 tỉ đồng so với con số 1.831 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm 2015 (tăng 357 tỷ). Tính ra, trong sáu tháng đầu năm nay, mỗi tháng TKV phải trả lãi 364,6 tỷ đồng (mỗi ngày trả khoảng 12,1 tỷ đồng).

Đây là con số khiến nhiều người giật mình và đặt câu hỏi, mỗi ngày phải trả lãi với số tiền khủng như vậy thì lợi nhuận còn được mấy đồng? TKV múc than đi bán ngốn nhiều tiền bạc để trả nợ và lãi thì lợi ích khai thác than còn được bao nhiêu?

Trong khi gánh nặng nợ nần và lãi suất đè nặng lên TKV thì Tập đoàn này còn phải chịu nhiều sức ép khác từ cạnh tranh với than nhập khẩu, thuế tài nguyên, kinh phí đầu tư khai thác…

Nộp ngân sách giảm

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc TKV nhận định, khó khăn lớn nhất đối với Tập đoàn hiện nay là lượng than tồn kho tăng cao, ở mức khoảng 11 triệu tấn, tương đương giá trị 12.000 tỷ đồng.

Nếu như năm 2011 được coi là đỉnh cao kinh doanh của TKV với sản lượng tiêu thụ đạt 44,7 triệu tấn, lợi nhuận 8.600 tỷ đồng thì hiện nay con số sụt giảm mạnh. Vài năm nay, mỗi năm TKV chỉ tiêu thụ được 35 triệu tấn; dự kiến năm nay chỉ tiêu thụ được khoảng 32 triệu tấn.

Có một thực tế là than nhập khẩu hiện nay rẻ hơn than trong nước. Chính điều này mà nhiều doanh nghiệp sản xuất nhiệt điện, xi măng, thép… thay vì mua than trong nước đã nhập khẩu than nước ngoài. Hiện nay có 18 đầu mối được nhập khẩu than vào Việt Nam, trong đó có TKV. Do thuế nhập khẩu mặt hàng này là 0% nên dự báo thời gian tới than sẽ tiếp tục được nhập khẩu mạnh. Do không cạnh tranh được về giá, than trong nước không bán được là một nguyên nhân dẫn đến tồn đọng than.

Thời gian qua, TKV cũng kêu khó vì thuế tài nguyên tăng cao hơn trước. TKV cho rằng thuế tài nguyên ở Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực. Theo đó, từ ngày 1/7/2016, thuế tài nguyên được điều chỉnh tăng tương ứng lên 10% với than hầm lò và 12% với than lộ thiên.

Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác (là 2%) thì than hầm lò phải chịu mức thuế tài nguyên là 12% và than lộ thiên phải là 14%. Theo lãnh đạo TKV, việc tăng thuế suất này khiến TKV nộp thêm khoảng 1.400 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2016.

Theo giải thích của TKV, khi thuế suất tăng thì sản lượng than khai thác, tiêu thụ giảm và lợi nhuận của TKV cũng giảm theo. Số liệu cho thấy, nếu năm 2011, lợi nhuận trước thuế của TKV là 8.600 tỷ đồng thì đến năm 2015 chỉ còn 839 tỷ đồng, giảm hơn 10 lần. Đóng góp của ngành than cho ngân sách nhà nước cũng giảm theo, từ 16.150 tỷ đồng (năm 2011) xuống còn 13.838 tỷ đồng (năm 2015). Dự báo nộp ngân sách trong năm nay của TKV sẽ giảm so với năm ngoái.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, khó khăn hiện nay của ngành than là có thật, nhưng nguyên nhân do tăng thuế tài nguyên chỉ là một phần nhỏ. Khó khăn lớn nhất của ngành than là chi phí tăng cao, không cạnh tranh được với than ngoại giá rẻ. Còn việc lợi nhuận của TKV liên tục giảm, đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng là do cách quản lý, khai thác và kinh doanh than của TKV còn nhiều hạn chế, bất cập, cần thay đổi.

Đọc thêm