Lợi thế của ngành Dầu khí khi chuyển dịch năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường đang là xu thế chung của các tập đoàn năng lượng trên thế giới. Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nhìn nhận, nếu không sớm chuyển đổi theo xu thế thì việc PVN bị tụt lại phía sau là tất yếu.
Cảng Dịch vụ Dầu khí của PTSC tại Vũng Tàu - nơi sản xuất chân đế dự án điện gió ngoài khơi. (Ảnh: Minh Hữu)
Cảng Dịch vụ Dầu khí của PTSC tại Vũng Tàu - nơi sản xuất chân đế dự án điện gió ngoài khơi. (Ảnh: Minh Hữu)

Hệ thống hạ tầng chuyên nghiệp, phù hợp với xu thế

Theo đại diện PVN, không nằm ngoài quy luật thế giới, chuyển dịch năng lượng đang tác động đến các lĩnh vực hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam. Trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí suy giảm, để tiếp tục thực hiện vai trò của một doanh nghiệp trụ cột trong thực hiện chiến lược năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, PVN đã nghiên cứu, xây dựng lộ trình phát triển mới trong tương lai.

Cụ thể, PVN đã xây dựng chiến lược tổng thể phát triển bền vững đến năm 2045, chú trọng vào đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng. “Xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh của PVN thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất hydrogen và phát triển điện gió ngoài khơi”, lãnh đạo PVN cho biết, đồng thời cho rằng, những năm qua, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển dịch năng lượng bằng việc sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế.

Theo ông Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc PVN, định hướng từ năm 2025 - 2030, đơn vị này sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; tìm kiếm các nguồn tài chính để triển khai các dự án năng lượng “sạch”; tìm kiếm khách hàng có nhu cầu trong nước và khu vực để phát triển thị trường; cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ, phân phối khí. Từ năm 2030 - 2045, Tập đoàn này sẽ sản xuất thương mại hydrogen “sạch” sử dụng cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm và phát triển các dự án sản xuất nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen “sạch” cho các thị trường trong khu vực, thế giới...

Lãnh đạo PVN cho rằng, để hoàn thành những mục tiêu trên, với chuỗi giá trị dầu khí đang có, đơn vị đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Cụ thể, PVN và các đơn vị thành viên đang có một cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp, phù hợp để thích ứng với chuyển dịch năng lượng.

Hiện tại, PVN đang sở hữu toàn bộ hệ thống giàn khoan, khai thác dầu khí cũng như toàn bộ hệ thống phân phối khí, các nhà máy lọc hóa dầu, một số nhà máy điện tại Việt Nam. Chuỗi giá trị dầu khí của PVN có nhiều tương đồng với các định hướng chuyển dịch năng lượng như kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình trên biển sẽ đóng góp lớn cho các dự án điện gió ngoài khơi; hydrogen cũng đang được PVN sản xuất và sử dụng tại các nhà máy chế biến dầu khí.

Đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tài chính dồi dào

Lãnh đạo PVN cũng cho rằng, nguồn nhân lực của PVN có vai trò cốt lõi, là lợi thế quan trọng để Tập đoàn này thực hiện thành công chuyển dịch năng lượng. Hiện toàn Tập đoàn này có gần 60.000 người lao động được đánh giá là có chất lượng cao nhờ kinh nghiệm trong việc quản lý và vận hành các hoạt động khai thác dầu khí và các nguồn năng lượng truyền thống khác trong suốt nhiều năm. “Người lao động dầu khí đã được đào tạo và trang bị kiến thức về công nghệ, quản lý dự án, quản lý rủi ro, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và môi trường”, lãnh đạo PVN tự tin.

Một trong những lợi thế khác của PVN trong quá trình chuyển dịch năng lượng là nguồn tài chính mạnh và ổn định. Tập đoàn này được đánh giá có mức độ độc lập về tài chính cao, tình hình tài chính lành mạnh, được xếp hạng tín dụng cao bởi các tổ chức đánh giá quốc tế. “PVN là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất của Việt Nam với chuỗi giá trị hoạt động hoàn chỉnh từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn, bảo đảm doanh thu ổn định trong tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, công tác thu xếp vốn cho các dự án đầu tư vào các nguồn năng lượng mới, năng lượng “sạch” hoàn toàn có thể đáp ứng được”, lãnh đạo PVN nhận định.

PVN đang triển khai hàng loạt dự án chuyển dịch năng lượng

Dự án kho cảng chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG - loại nguyên liệu thân thiện hơn với môi trường) tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ do PV GAS (đơn vị của PVN) thực hiện đã khánh thành cuối năm ngoái. Hiện đã nhập khẩu được ba chuyến tàu chở LNG đến Việt Nam để phục vụ cho sản xuất điện, công nghiệp. Theo kế hoạch, PV GAS sẽ xây dựng hàng loạt kho chứa LNG khác dọc khắp cả nước. Ngoài ra, PVN đang xây dựng hai nhà máy điện là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, sử dụng khí LNG.

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đơn vị thuộc PVN đang hợp tác với đối tác, thực hiện 3 dự án điện gió ngoài khơi ở nước ngoài. PTSC cũng đang phối hợp với phía Singapore, nghiên cứu xây dựng nhà máy điện gió tại Việt Nam để xuất điện sang nước này. PTSC đang là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi.

Đọc thêm