Lợi thế thị trường bán lẻ Việt Nam đang bị đánh tụt!

Theo xếp hạng thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) của AT Kearny, năm 2008, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất hành tinh đối với các nhà phân phối nước ngoài. Thứ hạng này gần đây bị đánh tụt: 2009 xếp thứ 6 và 2010 xếp thứ 14. Nguyên nhân là do yếu tố  quản lý và những rào cản mà các nhà phân phối nước ngoài gặp phải khi thâm nhập thị trường Việt Nam...

Dù đã rất nỗ lực khẳng định tên tuổi, nhưng những gì các thương hiệu Việt như May 10, Việt Tiến, Trung Nguyên, Vinamilk, Kinh Đô… làm được vẫn còn quá nhỏ so với thị trường rộng lớn hơn 80 triệu dân.

Hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng không nhỏ trong một số siêu thị lớn, nhưng lại mất lợi thế ở hàng ngàn chợ truyền thống. Ảnh minh họa: Trần Việt
Hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng không nhỏ trong một số siêu thị lớn, nhưng lại mất lợi thế ở hàng ngàn chợ truyền thống. Ảnh minh họa: Trần Việt

Vẫn đứng bên lề

Bên cạnh hệ thống phân phối hiện đại với hơn 450 siêu thị, khoảng 80 Trung tâm thương mại và hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, cả nước còn có 8.591 chợ truyền thống và khoảng gần 1.200 chợ tạm. Tính toán sơ bộ của Vụ Chính sách thị trường trong nước - Bộ Công Thương, giá trị hàng  hoá được lưu thông qua hệ thống thương mại hiện đại chiếm khoảng 15% - 20%, khoảng 40% qua hệ thống chợ truyền thống, còn lại thông qua hơn 2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ.

Có một thực tế là dù chiếm tỷ trọng không nhỏ trong vài cơ sở bán buôn, bán lẻ lớn như Big C, Metro, Hapro, Saigon Co.op…, nhưng hàng Việt lại dường như vẫn đứng ngoài lề nơi hàng hóa được lưu thông mạnh mẽ nhất – đó là ở hệ thống chợ truyền thống. “Thật đáng tiếc là hàng Việt chưa thâm nhập vào được hệ thống phân phối truyền thống, đặc biệt là các chợ nổi tiếng, có chức năng phát luồng cho cả vùng, thậm chí cả nước như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Rồng (Nam Định), chợ Đông Ba (Huế), chợ Hàn (Đà Nẵng), chợ Bến Thành (Sài Gòn)…” - ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định – “Những chợ này dường như là “lãnh địa” của hàng Trung Quốc giá rẻ, để rồi từ đó những hàng này được chuyển tiếp tới các chợ nhỏ hơn, các hộ kinh doanh bán lẻ trong khắp cả nước”.

“Đã đến lúc cần nhìn nhận lại vấn đề về hệ thống phân phối để có cách tổ chức nhằm đưa được hàng Việt đến với dân chúng” - ông Thắng cảnh báo.

Những kẽ hở làm mất lợi thế

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, hệ thống bán lẻ năm 2011 có tiến bộ, nhưng cũng bộc lộ nhiều yếu kém. “Hệ thống này đang có nhiều tầng nấc, làm tăng chi phí lưu thông, là kẽ hở để hàng giả, hàng kém chất lượng đưa vào hệ thống, kể cả trong các siêu thị, các chợ ở các đô thị lớn”. – ông Phan Thế Ruệ nhận định.

Ông Ruệ nhìn nhận, hàng tiêu dùng nước ngoài nhập vào bằng nhiều hình thức tràn vào các khu vực dân nghèo, chưa có hệ thống bán lẻ hoàn chỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn, khu vực biên giới chính là “điểm yếu của thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân Việt Nam trong những năm vừa qua”.

Chính vì sự loay hoay với bài toán không giải nổi nói trên, mà trong con mắt chuyên gia quốc tế, lợi thế thị trường lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam đang bị đánh tụt. Theo xếp hạng thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) của AT Kearny, năm 2008, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất hành tinh đối với các nhà phân phối nước ngoài. Thứ hạng này gần đây bị đánh tụt: 2009 xếp thứ 6 và 2010 xếp thứ 14. Nguyên nhân là do yếu tố  quản lý và những rào cản mà các nhà phân phối nước ngoài gặp phải khi thâm nhập thị trường Việt Nam.

Theo dự báo, giai đoạn 2011 – 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ở mức 23% - 25%/năm, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng được quan tâm của các nhà phân phối nước ngoài một khi các rào cản được dỡ bỏ.

“Có một thực tế là nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp mới chỉ tìm mọi cách phát huy lợi thế là sử dụng lao động, tài nguyên rẻ để sản xuất hàng xuất khẩu mà thiếu quan tâm tới việc sản xuất ra hàng có chất lượng cao để phục vụ cho người tiêu dùng trên thị trường nội địa, và cũng không chú ý tới xây dựng hệ thống phân phối để đưa hàng Việt tiếp cận với người tiêu dùng” – một chuyên gia nhận định – “Trong khi đó, kiểu tư duy “buôn cau thì ăn chũm”, “nuôi gà thì ăn gà toi”, một số thương nhân chỉ bán hàng không xuất khẩu được ở thị trường nội địa, đưa hàng ế ẩm, cận đát, quá đát về nông thôn..., khiến người tiêu dùng Việt Nam mặc cảm với việc tin tưởng và chọn mua hàng Việt”.

* Ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương: 

Những năm gần đây cơ cấu thu nhập, chi tiêu và phong cách tiêu dùng của người Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn, trong khi đó việc tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng  hoá và dịch vụ chưa bắt nhịp được với những thay đổi này. Đây chính là cơ hội tốt cho hàng nhập khẩu, hàng nhập lậu chiếm chỗ. Theo điều tra, hơn 70% tổng số thu nhập được dành cho chi tiêu mua sắm hàng  hoá. Đã xuất hiện một tầng lớp người tiêu dùng khi mua hàng không cần quan tâm đến giá cả, trung bình đạt tới 80 triệu – 100 triệu đồng/một lần mua hàng. Trong khi đó ở nhiều vùng nông thôn, do thu nhập còn thấp người mua quan tâm hàng đầu đến giá là bao nhiêu, các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

* Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam:

Thị trường bán lẻ VN dễ bị tác động của thị trường thế giới, nhất là giá cả hàng hóa dịch vụ thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, từ gạo, đường, phân bón, thủy sản, thuốc chữa bệnh, thực phẩm nhập khẩu đến xăng dầu, sắt thép, nguyên liệu thức ăn gia súc, ôtô, nguyên liệu đầu vào của dệt may, da giầy… Ngoài ra, chất lượng, giá cả khó kiểm soát, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng làm bức xúc dư luận, gây mất lòng tin người tiêu dùng, làm ảnh hưởng, tổn hại đến cả hệ thống.

Bách Linh

Đọc thêm