Các vận động viên lẽ ra có thể đại diện cho Mỹ tại Thế vận hội Mùa hè 1980 ở Moscow bây giờ đều đã già, một số đã giải nghệ và một số chỉ còn liên quan chút ít đến sự nghiệp thể thao. Họ đã bị tước mất cơ hội được tỏa sáng một lần trong đời, nhưng suốt 40 năm qua, chưa có một người có chức sắc của chính quyền đưa ra lời xin lỗi chính thức cho những gì mà ngay cả cựu Tổng thống Jimmy Carter, người đã ra lệnh tẩy chay Liên Xô, đã nói là một sai lầm.
Mới đây, vào ngày 19/7, kỷ niệm 40 năm khai mạc Thế vận hội Moscow 1980, giám đốc điều hành của Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ - bà Sarah Hirshland - đã đăng một bức thư như là một lời xin lỗi. Trong bức thư, gửi đến các vận động viên của đội Olympic Mỹ năm 1980, bà viết: “Rất rõ ràng rằng quyết định không cử đội tới Thế vận hội Moscow chẳng những đã không tác động gì đến chính trị toàn cầu mà chỉ làm hại những vận động viên Mỹ đã nỗ lực cống hiến sức lực cho việc hoàn thiện mình và cơ hội đại diện cho nước Mỹ”.
Theo bà Hirschland, sau khi nói chuyện trực tiếp với các vận động viên và đọc những ký ức về trải nghiệm của họ, bà đã thấy rằng việc tẩy chay Thế vận hội 1980 đối với họ là một trải nghiệm đau đớn và sự thất vọng này kéo dài 40 năm.
Bức thư của bà Hirshland. |
Bức thư của bà Hirshland xuất hiện 3 tháng sau khi cựu Phó Tổng thống Walter Mondale đã nhận một phần lỗi. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm điều đúng đắn”, ông Mond Mondale nói với tờ Wall Street Journal hồi tháng Tư, “Nhưng tôi xin lỗi vì việc đó đã làm tổn thương các vận động viên”.
Một số vận động viên đã không nhìn thấy bức thư Hirshland được đăng trên trang web của Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ và Twitter. Các vận động viên năm 1980 không phai là thế hệ Twitter và cơ sở dữ liệu email không phải lúc nào cũng được cập nhật. Dẫu vậy, theo nhiều vận động viên, lá thư này, cùng với thời gian 40 năm, cũng giúp chữa lành một số vết sẹo trong long và trong sự nghiệp của nhiều vận động viên Olympic Mỹ.
Cuộc tẩy chay năm 1980 diễn ra sau vài tháng ra tối hậu thư và thất bại trong các cuộc đàm phán của cựu Tổng thống Carter. Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ không dám thách thức tổng thống khi ông này đang cố gắng lôi kéo các quốc gia khác tham gia tẩy chay. Cuối cùng, hàng chục quốc gia đã tham gia tẩy chay. Nhưng trong những thập kỷ tiếp theo kể từ khi đó, các quan chức thể thao quốc tế và nhiều nhà lãnh đạo chính trị đã đấu tranh để ngăn cản các cuộc tẩy chay Olympic, cho rằng chính phủ chủ chỉ hy sinh quyền thi đấu của vận động viên chứ không thể thay đổi chính sách.