Lồng ghép giới hiệu quả trong chính sách bảo hiểm xã hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hướng tới khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Đặc biệt, yếu tố thúc đẩy bình đẳng giới cũng được chú trọng, làm rõ trong các chính sách về trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH một lần…
Chính sách an sinh xã hội cần đáp ứng các nhu cầu khác nhau của phụ nữ và nam giới. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo CP)
Chính sách an sinh xã hội cần đáp ứng các nhu cầu khác nhau của phụ nữ và nam giới. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo CP)

Thu hẹp khoảng cách giới trong chính sách hưu trí

Theo số liệu của Liên Hợp quốc năm 2020, ước tính phụ nữ chiếm 60% dân số có độ tuổi từ 65 và 68% dân số có độ tuổi từ 80 trở lên. Xét ở góc độ thụ hưởng lương hưu, số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy chỉ có 16% phụ nữ độ tuổi từ 65 được hưởng hưu trí, so với con số 27,3% ở nam giới. Khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn đối với nhóm người có độ tuổi cao hơn, chỉ 6,9% phụ nữ từ 80 tuổi trở lên được nhận lương hưu so với 25,9% nam giới. Những số liệu này cho thấy việc điều chỉnh chế độ hưu trí xã hội (HTXH) có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) hiệu quả và thực chất hơn.

Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung tầng trợ cấp HTXH. Đơn cử, theo điều kiện hưởng trợ cấp HTXH, Dự thảo quy định đối tượng được hưởng trợ cấp HTXH khi có đủ điều kiện: đủ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ.

Quy định này là sự tích hợp các quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi tại Luật Người cao tuổi và tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, nhằm tạo nền móng cho tầng trợ cấp HTXH theo định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW, với độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

Những khoản trợ cấp HTXH này sẽ bảo đảm an toàn thu nhập cho mọi người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ - những người phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến tuổi già hơn so với nam giới do tuổi thọ cao hơn. Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội Việt Nam, tại Hội nghị Phản biện xã hội Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dưới góc độ BĐG do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức vừa qua.

“Tuy nhiên, hiệu quả của chế độ HTXH phụ thuộc rất nhiều vào lộ trình giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng từ 80 tuổi xuống đến độ tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng dần của Bộ luật Lao động 2019 với 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035 cũng như tính thỏa đáng của mức hưởng trợ cấp HTXH”, vị chuyên gia này cho rằng Dự thảo Luật nên đưa ra lộ trình cụ thể hơn để người dân được biết.

Điều chỉnh chính sách để giảm rút BHXH một lần

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2022, trong gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, nữ chiếm gần 55%, với tốc độ tăng trung bình khoảng 12,3%/năm, khu vực ngoài Nhà nước chiếm 90,74%, độ tuổi từ 20 - 40 chiếm gần 80%. Nói cách khác, tỷ lệ hưởng BHXH một lần của lao động nữ cao hơn nam giới, phần lớn thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước.

Tuy nhiên, phụ nữ tham gia BHXH khá tốt khi còn trẻ, sau đó rời khỏi hệ thống rất nhanh do rút BHXH một lần, theo đánh giá của ông Nguyễn Hải Đạt, Điều phối quốc gia - An sinh xã hội Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam. Cụ thể, khoảng 69% phụ nữ rút BHXH một lần là phụ nữ dưới 35 tuổi. Nhiều phụ nữ rút BHXH một lần sau khi nghỉ thai sản, sau khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sau đó không quay lại hệ thống BHXH.

Trước thực tế này, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nêu quan điểm: “Cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể từng chính sách, bảo đảm lồng ghép giới trong từng chính sách cụ thể”, trong đó “nghiên cứu kỹ, sâu sắc hơn nữa vấn đề phụ nữ rút BHXH một lần cao hơn nam giới, để có những quy định phù hợp”.

Đại diện ILO đưa ra một số khuyến nghị chính sách như: Từng bước giảm tỷ lệ số tiền rút BHXH một lần và kéo dài thời gian chờ được rút BHXH một lần. Cải thiện các chế độ ngắn hạn để thay thế thu nhập từ rút BHXH một lần (dài hạn), vừa khuyến khích việc ở lại hệ thống, vừa bảo đảm nhu cầu ngắn hạn của người lao động, như tăng cường thêm trợ cấp thất nghiệp và cung cấp chế độ hỗ trợ nuôi con. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các chính sách thị trường lao động chủ động trong chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Đọc thêm