Vai trò của phụ nữ chưa được đánh giá đúng tầm
Theo một thống kê, có hơn 97% quốc gia đệ trình Kế hoạch hành động quốc gia (NAP) lên Công ước khung của Liên Hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC), trong đó đề cập ít nhất một lần đến nhóm đối tượng “phụ nữ”.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với một số nhóm phụ nữ, trẻ em gái bởi những hạn chế về các khía cạnh như giáo dục, y tế, việc làm, khả năng tiếp cận và làm chủ các nguồn tài nguyên và tài chính, cơ hội tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, phân công lao động... Một ví dụ phổ biến nhất là BĐKH có nguy cơ làm giảm cơ hội việc làm được trả lương của phụ nữ.
Chính phủ Việt Nam đã ghi nhận vấn đề bất bình đẳng giới (BĐG) trong quá trình giải quyết thách thức về BĐKH từ hơn một thập kỷ trước, trong Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008 phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với BĐKH. Vấn đề BĐG và trao quyền cho phụ nữ đã và đang được đề cập thường xuyên hơn trong những chính sách gần đây. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu và lộ trình thực hiện các hành động thích ứng góp phần giải quyết bất bình đẳng và nâng cao năng lực thích ứng của phụ nữ cho đến nay vẫn chưa thật rõ ràng.
Mới đây, trong Hội thảo “Đối thoại sau COP27 về lộ trình chung hướng tới lồng ghép giới trong thực hiện các chính sách khí hậu” do UNDP và Cục BĐKH – Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức, các đại biểu tham gia đã đánh giá tiến độ của quốc gia trong việc lồng ghép giới vào các chính sách khí hậu, theo đó chỉ ra rất nhiều khó khăn, bất cập ở thời điểm hiện tại.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban BĐKH và Môi trường UNDP Việt Nam nhấn mạnh rằng: “BĐG thường được nhắc đến như một “nguyên tắc” trong các chính sách, điều này đánh dấu một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, cần phải phát triển các công cụ thực tế để chuyển từ lý thuyết ở cấp Trung ương sang thực hiện ở cấp địa phương; đòi hỏi phải xây dựng các hướng dẫn cụ thể về giới cho các bộ, ngành và các tỉnh trong việc thúc đẩy BĐG trong ứng phó với BĐKH”.
Tháo gỡ rào cản chính sách
Đồng tình, ông Nghiêm Xuân Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhận định “BĐKH ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em”. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, có những hành động tích cực về ứng phó BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhưng bởi BĐKH vẫn là lĩnh vực mới hiện nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được những mô hình cụ thể, thích ứng với từng vùng và từng nhóm dân cư khác nhau.
Ông Nam cũng chỉ ra một số hạn chế hiện nay về công tác lồng ghép giới trong các chính sách nói chung, chính sách khí hậu nói riêng. Đơn cử như vấn đề BĐG mới chỉ được thể hiện trong hệ thống văn bản pháp luật Trung ương, trong khi hệ thống văn bản pháp luật tại địa phương vẫn chưa rõ nét. Bên cạnh sự thiếu hụt ngân sách cho công tác BĐG, nhiều cơ quan vẫn chưa nghiên cứu thấu đáo, chưa đề cao vấn đề giới trong việc soạn thảo các văn bản pháp luật.
Trong khi đó, Việt Nam đã cam kết đưa vấn đề BĐG và hành động vì khí hậu trong chương trình nghị sự cao nhất của đất nước và Việt Nam là thành viên tích cực của tất cả các thỏa thuận quốc tế nhằm thúc đẩy các mục tiêu này. “Những nỗ lực không ngừng để lồng ghép bình đẳng giới đang dần tạo ra những tiến bộ rõ rệt, thể hiện qua Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/2022/QĐ-TTg), trong đó có nhiệm vụ “đảm bảo an sinh xã hội và bình đẳng giới” tập trung vào nâng cao nhận thức, năng lực tri thức, khả năng tiếp cận vốn và đưa Bộ LĐ-TB&XH vào Kế hoạch hành động quốc gia 2020 (Quyết định số 1055/QĐ-TTg)”, Phó Cục trưởng Cục BĐKH – Bộ TN&MT Phạm Văn Tấn cho hay.
Có thể thấy, thể chế hiện hành vẫn còn những khoảng trống về lồng ghép giới trong khung chính sách khí hậu và ngược lại. Đơn cử, cho đến nay chưa có cơ chế quản lý chính thức nào được xây dựng để thúc đẩy hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành khác trong vấn đề BĐG và thích ứng BĐKH. Bộ LĐ-TB&XH và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đều chưa phải thành viên của Ủy ban Quốc gia về BĐKH. Trong khi đó, ở cấp địa phương, việc lồng ghép vấn đề BĐKH vào trong các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đến nay vẫn còn đối mặt rất nhiều thách thức. Do đó, việc lồng ghép cả giới và BĐKH vào các chính sách cấp địa phương là nhiệm vụ còn khó khăn hơn.